Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Chấp nhận mất mát khách quan để làm trong sạch bộ máy” 

Cập nhật ngày: 26/03/2024 - 06:00

BTN - Cuốn sách thể hiện tầm nhìn chiến lược, phương pháp tư duy khoa học với cách nhìn, đánh giá của Tổng Bí thư trước mỗi vấn đề của Đảng và của đất nước qua từng giai đoạn lịch sử.

Tháng 8.2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Cuốn sách tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ tháng 1.2018 đến tháng 5.2019. Cuốn sách thể hiện tầm nhìn chiến lược, phương pháp tư duy khoa học với cách nhìn, đánh giá của Tổng Bí thư trước mỗi vấn đề của Đảng và của đất nước qua từng giai đoạn lịch sử. Trong đó, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm.

“Không để mất nước từ bên trong”

Tại thời điểm đó, trả lời phỏng vấn Báo Quân Đội Nhân Dân (in trong sách) về công cuộc phòng, chống tham nhũng để giữ ổn định và phát triển đất nước, tác giả - người lãnh đạo cao nhất của Đảng khẳng định, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí cũng là một loại giặc - “giặc nội xâm”. Chỉ khi dẹp được loại giặc nguy hại này, đất nước mới ổn định vững chắc, chính quyền được giữ vững, dân tộc mới có đủ thế và lực đánh thắng xâm lược ngoại bang và xây dựng, phát triển đất nước.

Theo Tổng Bí thư, tệ quan liêu, nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn, Trung ương xác định là một trong bốn nguy cơ của sự nghiệp cách mạng. Tham nhũng, tiêu cực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò, uy tín và sức mạnh của Đảng, tổn hại to lớn đến niềm tin của dân đối với Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, nếu không ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời, loại giặc này sẽ làm mục ruỗng hệ thống từ bên trong, phá hỏng đội ngũ cán bộ và nền móng chế độ. Nó làm suy yếu sức mạnh, làm hỏng thanh danh, uy tín và đánh mất vai trò lãnh đạo toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và như vậy, xét về bản chất, đó cũng chính là việc mất nước từ bên trong như Bác Hồ từng cảnh báo.

Bởi thế, những năm qua, dù Trung ương đã có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, lại vẫn tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, rồi lại đề ra những chủ trương, giải pháp lớn trong Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII để tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mặt khác, chúng ta cũng tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là những vấn đề rất lớn thể hiện ý chí của Đảng trong việc phòng và chống các biểu hiện tiêu cực nội bộ; là “kim chỉ nam” hành động, biểu thị tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với nạn tham nhũng, lãng phí.

Thế nhưng, nạn tham nhũng diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi. Hơn nữa, gánh nặng tư duy lỗi thời vẫn hiện hữu, rào cản về mặt tâm lý xã hội chưa được tháo gỡ triệt để. Khó khăn chồng chất trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. “Nhưng chính sự bứt phá, sáng tạo của phong trào quần chúng đã mở ra triển vọng và tạo tiền đề căn bản để Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các chủ trương, giải pháp sát trúng cả về chiến lược, sách lược để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả cuộc chiến này”- Tổng Bí thư nói. Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với tiêu cực, phòng, chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ và cần phải kiên quyết, kiên trì, quyết tâm, quyết liệt mới thực hiện được. Hơn nữa, thành quả của nó đôi khi lại là nỗi đau mất cán bộ chứ không hẳn là niềm vui. Do đó, chúng ta phải biết cách vượt lên nỗi đau, chấp nhận những mất mát khách quan để làm trong sạch bộ máy, để Đảng mạnh hơn, xứng đáng hơn với vai trò lãnh đạo, sứ mệnh được Tổ quốc và Nhân dân giao phó.

“Ngăn ngừa tận gốc sai phạm”

Trong cuốn sách, phóng viên Thông tấn xã phỏng vấn Tổng Bí thư rằng, thông qua công tác kiểm tra, nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc, được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, đằng sau những sai phạm đó, phải chăng còn có những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ cần sớm được khắc phục? Tại thời điểm đó, Tổng Bí thư chỉ ra, qua kiểm tra đã phát hiện có nơi, có chỗ còn vi phạm quy chế, quy định của Đảng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, vi phạm trong công tác cán bộ, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, công trình trọng điểm không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách quốc gia, gây mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị cũng cho thấy, công tác cán bộ còn rất nhiều việc phải làm. Ví như việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là rất cần thiết, nhưng không phải cốt để có cái “mác” lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp uỷ... Hay đi luân chuyển là để rèn luyện, trưởng thành, chứ không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, “tráng” qua thực tế để rồi về giữ chức nọ, chức kia. Thời gian luân chuyển chưa được bao lâu, chưa kịp thể hiện, chưa đóng góp được gì nhiều cho cơ sở đã ngấp nghé xin về…

Ngay như quy trình, thủ tục là một cách để hạn chế tiêu cực, phát huy cái tốt, cái đúng, cho nên phải chặt chẽ, thực hiện nghiêm, tránh tình trạng quy trình thì đúng nhưng cán bộ được đề bạt lại không đúng... Qua kiểm tra, các tổ chức, cá nhân có sai phạm đều đã bị xử lý nghiêm, những tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ rõ để khắc phục, sửa chữa kịp thời. Nhưng quan trọng hơn, Tổng Bí thư chỉ ra, “phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm đó một cách căn cơ, bài bản, bằng các quy định, quy chế, bằng luật pháp, chính sách, phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".

Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra, trước hết cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ - một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người, xây dựng con người, rất khó, phức tạp và hệ trọng. Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thưòng xuyên đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm tính khách quan, đúng đắn, đồng bộ và phù hợp với tình hình. “Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa “xây” và “chống”, giữa đức và tài, giữa hồng và chuyên; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa kế thừa và phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân, cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ” - tác giả, Tổng Bí thư nói về công tác cán bộ.

Việt Đông