BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chết như đã sống

Cập nhật ngày: 20/07/2010 - 05:24

Chị Trần Thị Nhỏ (ảnh chụp năm 1960)

Chị có cái tên thật giản dị: Trần Thị Nhỏ. Chị sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo ở Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Chị lớn lên trong cái nôi cách mạng- chiến khu Bời Lời, hy sinh khi mới 24 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất đời người.

Năm 16 tuổi, chị tham gia lực lượng kháng chiến, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản. Năm 1957, chị được phân công giữ chức Phó Bí thư chi đoàn liên ấp Trảng Cỏ và Cầu Xe, thuộc xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Trong thời gian ấy, chị vừa lao động sản xuất cùng gia đình vừa bí mật làm giao liên, canh gác bảo vệ nhà in phục vụ cách mạng. Ban đêm, chị vận động thanh niên đi tải giấy, chữ chì mua từ Sài Gòn về. Đoàn người phải ra đón, nhận hàng tại xã An Tịnh rồi băng qua quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22A), vượt qua đất An Tịnh, Lộc Hưng để đưa hàng về cho nhà in ở Đôn Thuận.

Trong thời gian đó, chính quyền quận Trảng Bàng thường cho quân càn ra các xã vùng ven để bắt lính, gom dân lập ấp chiến lược. Có khi chúng càn tới vùng chiến khu, đe doạ căn cứ cách mạng. Huyện uỷ Trảng Bàng đã chỉ đạo cho các xã tổ chức “đội quân tóc dài” đấu tranh với địch, ngăn chặn hành động liều lĩnh của chúng.

Nhận chỉ thị của trên, chị Nhỏ đứng ra tổ chức cho 500 chị em của liên ấp Trảng Cỏ, Cầu Xe đúng 3 giờ sáng tiến đến vị trí tập kết tại ngã ba Hai Châu. Tại đây, đội quân của chị phối hợp với hai đội quân đấu tranh chính trị của xã Lộc Hưng và An Tịnh để cùng tiến vào quận lỵ. Các “đội quân tóc dài” đều căng khẩu hiệu đấu tranh, đòi Mỹ nguỵ không bắt người bừa bãi, không bắt thanh niên đi lính, không gom dân lập ấp chiến lược. Chị Nhỏ dẫn đầu đoàn quân tiến vào quận lỵ. Lần đó, nhờ sự gan dạ của chị và “đội quân tóc dài” cuối cùng bọn địch nhượng bộ, chấp nhận các yêu sách của đoàn biểu tình. Mặc dù đó là kế giả tạo, mị dân của bọn chúng nhưng cách mạng đã lợi dụng lúc chúng chưa kịp ra tay để rút dần lực lượng vào bí mật và chuẩn bị chiến đấu lâu dài.

Năm 1958, chị Nhỏ quen biết và sau đó kết hôn với anh Trương Đình Quang, một cán bộ cách mạng đang hoạt động tại chiến khu Bời Lời.

Đầu năm 1960, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời kỳ đó, phụ nữ trong tôn giáo Cao Đài thiếu người lãnh đạo, Hội Phụ nữ tỉnh báo cáo với Tỉnh uỷ và trực tiếp xin chị Trần Thị Nhỏ về bổ sung cho ban cán sự phụ nữ huyện Toà Thánh (nay là huyện Hoà Thành). Khi chị chuyển công tác về huyện Toà Thánh, Huyện uỷ phân công chị làm Phó Bí thư Chi bộ xã Trường Hoà. Vừa mới nhận nhiệm vụ, chị Nhỏ đã nhanh chóng bắt tay vào công việc. Chị trực tiếp đi đến từng ấp, vào từng nhà vận động nữ thanh niên tham gia Hội Phụ nữ kháng chiến.

Ngày 20.12.1964, chị vận động thanh niên trong xã tham gia phá ấp chiến lược Cây Viết. Khi mọi người đang hăng hái phá hàng rào thì một trái mìn của bọn Mỹ nguỵ cài phát nổ. Trái mìn nổ làm cho anh Hoà, một thanh niên tích cực bị trọng thương. Chị vận động thanh niên cùng chị và một đồng chí tên Huy cáng anh Hoà từ ấp Cây Viết băng qua lộ 26 về xã Phước Hiệp (thuộc huyện Dương Minh Châu) điều trị. Khoảng 4 giờ sáng ngày 21.4.1964, đoàn tải thương đến địa phận ấp Bàu Dài, xã Suối Đá thì đụng tốp lính biệt kích mai phục. Bọn này do tên Kiếm chỉ huy, bao vây đoàn tải thương. Lúc đó trời tối đen, tên Kiếm sợ bị lực lượng của ta bắn trả nên gọi máy bay trực thăng đến hỗ trợ. Một lúc sau, máy bay trực thăng của giặc đến, chúng rọi đèn pha sáng rực. Cả đoàn tải thương đứng chết trân. Máy bay của giặc từ từ hạ xuống, chúng bắt cả anh Huy, anh Hoà và chị Nhỏ lên máy bay. Quyết không chịu để giặc bắt, chị Nhỏ vùng đứng lên nhảy xuống đất. Bọn địch từ trên máy bay và dưới mặt đất đều bắn theo chị. Mặc dù bị thương ở cánh tay nhưng chị vẫn gắng sức chạy. Hàng loạt súng lại vang lên. Chị té xuống.

Lúc này trời đã hửng sáng. Kiếm và đồng bọn của hắn vây quanh chị. Chờ hắn đến gần chị co chân, nhằm thẳng hạ bộ của hắn đạp mạnh. Điên tiết, hắn rút súng ngắn ra nhắm vào đầu chị nã hết cả băng đạn...

Cho đến lúc hy sinh, chị Trần Thị Nhỏ chỉ mới tròn 24 tuổi. Bà con nhân dân đã tìm cách đưa thi thể chị về chôn cất.

Gần bốn mươi sáu năm đã trôi qua nhưng những người cùng hoạt động với chị Trần Thị Nhỏ ở Đôn Thuận và ở Trường Hoà đều vẫn còn nhớ và tiếc thương chị- người con gái dũng cảm, kiên cường xứng đáng được đưa vào lịch sử truyền thống phụ nữ Tây Ninh để tuổi trẻ hôm nay và mai sau học tập noi gương.

THẠCH MINH