BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính phủ đã lắng nghe để chèo lái nền kinh tế

Cập nhật ngày: 23/03/2011 - 10:11

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến của cử tri, đại biểu quốc hội và có những quyết sách đúng đắn, hiệu quả.  

Vượt sóng lớn

Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chiều 23.3, các ý kiến cơ bản cho rằng, báo cáo của Chính phủ tương đối kỹ, đặc biệt là đã nêu ra được những hạn chế, thiếu sót và những bài học căn bản.

Đại biểu Hà Văn Hiền (đoàn Hà Nội) cho rằng, những năm vừa qua, nền kinh tế có những diễn biến rất phức tạp, luôn biến động. Trong nhiệm kỳ của mình, đặc biệt từ cuối năm 2007 đến nay, Chính phủ luôn phải ứng phó với những thách thức lớn, đầy khó khăn.

Trước thực trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tỉ lệ lạm phát trong nước tăng cao, bất ổn chính trị trên thế giới tác động tới hoạt động kinh tế, Chính phủ đã phản ứng khá kịp thời, rút ra nhiều bài học về ứng phó. Tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn phù hợp do có sự kiểm soát tốt.

Chính phủ đã kịp thời chuyển mục tiêu từ ưu tiên tăng trưởng sang ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh phức tạp nhưng vẫn huy động khá các nguồn lực, giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển…

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo tốt trong những thời điểm khó khăn

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đăng Kính (đoàn Hà Nội) nêu cụ thể, Quốc hội khoá XII đã có 7/9 kỳ họp có Chính phủ báo cáo, nhiều đại biểu tham gia ý kiến và được cử tri theo dõi khá sát sao. Tại những kỳ họp này, Chính phủ đã nhận thấy những tồn tại để khắc phục.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Đăng Kính, 4 năm qua, Chính phủ đã làm được nhiều việc, đặc biệt là có sự chỉ đạo tốt trong những thời điểm khó khăn, thách thức, đảm ảo đời sống an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Vị thế Việt Nam không ngừng được nâng cao, dân ngày càng tin vào Chính phủ qua những quyết sách có tính thuyết phục.

Cần hành động quyết liệt

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khá giống với báo cáo kinh tế-xã hội. Theo đó, Báo cáo tổng kết một nhiệm kỳ còn chung chung và chưa hoàn toàn căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định. Nhiều nội dung báo cáo chưa nêu rõ được cái làm được, chưa làm được và nguyên nhân cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Đăng Kính cho rằng, tính đồng bộ trong các chính sách của Chính phủ chưa được quan tâm đúng mức, nhiều dự án soạn thảo có chất lượng chưa cao, chuẩn bị chưa kỹ. Có dự án luật liên quan đến nhiều bộ ngành nhưng các bộ chưa vào cuộc đúng với trách nhiệm nên khi trình Quốc hội còn sơ sài, thậm chí không được thông qua. Việc ban hành những thông tư, nghị định để Luật đi vào cuộc sống còn có chậm…

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nêu ví dụ về Dự án Bảo hiểm y tế, có trường hợp người dân phải chạy hết nơi này đến nơi khác để xác minh xem mình có được hưởng không và “nếu các bộ làm việc với nhau trước thì dân đỡ khổ”.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá được những cái được, chưa được trên nhiều lĩnh vực

Đại biểu Hà Văn Hiền cho rằng, Chính phủ cần tăng cường sự phối hợp trong ban hành chính sách và tổ chức thực hiện. Rất nhiều việc các Bộ, ngành nên chủ động phối hợp với nhau thì lại đợi chỉ đạo của Chính phủ, dẫn đến chậm trễ.

Đối với các giải pháp cơ cấu nền kinh tế, theo đại biểu Hà Văn Hiền, Chính phủ cần tập trung và quyết liệt hơn. “Yếu kém còn tồn tại không những do những nguyên nhân trước mắt đang được xử lý, mà sâu xa là yếu kém nội tại của nền kinh tế. Do đó, hành động phải quyết liệt hơn”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Hà Văn Hiền cũng cho rằng, việc chỉ đạo xây dựng chiến lược của các ngành, rồi công tác quy hoạch, quản lý chưa tốt dẫn đến hiệu quả thấp. Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền cần thực hiện tốt hơn nhằm ổn định tâm lý người dân.

(Theo VOV)