BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa: Bao giờ nông dân mới được hưởng ?

Cập nhật ngày: 01/09/2013 - 10:36
HTML clipboardĐối với người sản xuất lúa, chính sách hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác.

Chuẩn bị vụ mùa

(BTN) - Nhằm hỗ trợ nông dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có hiệu lực từ ngày 1.7.2012. Tuy nhiên, hơn một năm qua, Nghị định này vẫn chưa đi vào cuộc sống của người nông dân Tây Ninh, vì sao?

Sau hơn 1 năm, chính sách chưa đẾn vỚi nông dân

Để tạo điều kiện cho các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện Nghị định 42 của Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 23.11.2012 hướng dẫn cơ chế chính sách hỗ trợ, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ chi thường xuyên cho các địa phương sản xuất lúa và quản lý việc sử dụng kinh phí bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước, kinh phí cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng khác.

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước cho địa phương sản xuất lúa; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác để địa phương đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư thuỷ lợi; giao thông nông thôn; kiên cố hoá kênh mương và hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả…

Đối với người sản xuất lúa, chính sách hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác. Người sản xuất lúa sử dụng kinh phí được hỗ trợ để phát triển sản xuất có hiệu quả, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đối tượng được hưởng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa.

Ngoài ra, trường hợp người sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể như: đối với diện tích gieo cấy trong phạm vi 45 ngày, bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 2.500.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30 - 70% được hỗ trợ 1.750.000 đồng/ha. Đối với diện tích gieo cấy trên 45 ngày, bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30 - 70% được hỗ trợ 3.500.000 đồng/ha.

Ngày 26.5.2012, UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo việc kiểm kê số liệu diện tích và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn toàn tỉnh. Sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Văn phòng UBND có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, Thị xã triển khai thực hiện.

Ngày 5.4.2013 Sở Tài chính có công văn về kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Đối với chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa, Sở đề nghị UBND các huyện, Thị xã hướng dẫn nông dân làm đơn đề nghị gởi UBND xã tổng hợp, gởi về huyện báo cáo với cơ quan chức năng tỉnh, chậm nhất là ngày 30.5.2013.

Tuy nhiên, thực tế, đến cuối tháng 8.2013, danh sách nông dân được hưởng chính sách hỗ trợ vẫn chưa được các địa phương thống kê đầy đủ.

Bao giỜ mỚI đưỢc nhẬn?

Đến giữa tháng 8- nghĩa là sau thời gian quy định chậm nhất hơn 2 tháng, chỉ mới có 1 huyện trên địa bàn tỉnh gửi danh sách về Sở. Ông Phạm Đình Giản- Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, sau khi nhận được công văn của Sở Tài chính, UBND huyện có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND xã, thị trấn thông báo và hướng dẫn người trực tiếp sản xuất lúa làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu quy định, kèm Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính để các xã rà soát, kiểm tra và tổng hợp danh sách. Tuy nhiên, cũng phải đến ngày 14.6.2013, huyện Châu Thành đã gởi danh sách về Sở NN&PTNT.

Theo ông Giản, huyện phải “chạy đua” với thời gian mới có thể hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho người trồng lúa, tuy nhiên vẫn không kịp thời gian theo quy định.

Lúa chín oằn bông trên “cánh đồng 7 tấn” ở xã Long Thành Trung (Hoà Thành)

Còn những địa phương đến gần cuối tháng 8 vẫn chưa có danh sách thì sao? Ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch UBND xã Cẩm Giang- Gò Dầu cho biết, việc lập danh sách nông dân thuộc diện được hỗ trợ có gặp khó khăn. Cụ thể, khi người dân nộp đơn đề nghị hỗ trợ phải kèm theo bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ), nhưng có không ít người đã đem giấy đỏ thế chấp ngân hàng.

Ông Nguyễn Hồng Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Nam- Hoà Thành cho biết, sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ làm công tác nông nghiệp kết hợp với Hội Nông dân xã, Ban ấp và Tổ tự quản triển khai thực hiện nhưng công việc vẫn còn đang tiến hành.

Hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Nghị định 42 có hiệu lực thi hành, tuy UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đã tích cực thực hiện nhưng đến nay (cuối tháng 8) chỉ có 3 huyện gởi danh sách. Như vậy, việc chậm trễ chủ yếu là từ cấp huyện, thị.

Một số nông dân như ông Nguyễn Văn Thành- nông dân trồng lúa tại ấp Long Trung, xã Long Thành Trung; ông Nguyễn Minh Tâm- nông dân ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân rất phấn khởi khi nghe thông tin có chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa, nhưng vẫn còn băn khoăn: “Chính sách của Nhà nước rất phù hợp, nhưng không biết đến bao giờ nông dân trồng lúa mới được hưởng?”.

DUY ĐỨC

 


 
Liên kết hữu ích