Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách không có mặt ở nhà.
Hồi ký "Bác Hồ viết Di chúc" của đồng chí Vũ Kỳ có đoạn viết về ngày 19-5: “Đó là một ngày cũng như bao ngày khác, cũng với nắng, với gió, cũng với bầu trời, mặt đất ấy… Nhưng sao mà nó thiêng liêng thế! Kể từ ngày 19-5-1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, hàng năm cứ đến ngày đó, toàn dân tộc lại như được tắm mình trong không khí đặc biệt, niềm vui lâng lâng, tâm hồn phơi phới, với lòng tự hào chính đáng của người dân một nước độc lập, tự do, gắn liền với tên tuổi của một con người đẹp nhất: Hồ Chí Minh”[1]. 24 năm làm nguyên thủ quốc gia, riêng năm 1946, Người cho phép loan báo về ngày sinh của mình. Lý do là bởi khu xung đột Việt Pháp đang căng thẳng thì theo kế hoạch, chiều 18-5, Cao ủy Đông Dương Đắcgiăngliơ - một kẻ rất hiếu chiến sẽ bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Lễ mừng sinh nhật Người diễn ra là “để biểu thị khối đoàn kết của nhân dân quanh vị nguyên thủ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia hơn là một sự sùng bái đối với lãnh tụ”[2]. Bằng cách đưa ra thông tin về ngày sinh nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo bối cảnh cho một hoạt động ngoại giao cần thiết. Chiều 18-5-1946, Đăcgiăngliơ phải đến chúc mừng sinh nhật Người.
Thiếu nhi Việt Bắc đến chúc mừng sinh nhật Bác Hồ (ngày 19-5-1950). Ảnh: TTXVN
Về phía nhân dân Việt Nam, mọi người dân nồng nhiệt đón chào sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đón nhận một cơ hội quý báu để biểu lộ sự kính trọng và tình yêu dành cho con người đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc. Sáng ngày 19-5-1946, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương, trong Chính phủ, đại biểu thiếu nhi Thủ đô, đoàn đại biểu nhân dân Nam Bộ và nhiều ban, ngành đã đến chúc mừng sinh nhật Người. Lực lượng Thanh niên Thủ đô đã tổ chức tuần hành thị uy mừng sinh nhật Người. Trước tình cảm của nhân dân, Người khiêm nhường nói: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào, vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi có 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ... Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào”[3]. Ngày 19-5-1946 đã mở ra một mỹ tục ở Việt Nam: Hàng năm, cả dân tộc Việt Nam lại kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón sinh nhật trên các nẻo đường kháng chiến. Sáng 19-5-1947, khi các đồng chí phục vụ mang bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Người thì Người đề nghị dành những bông hoa đó để viếng đồng chí Hoàng Văn Lộc - người cấp dưỡng thân thiết vừa qua đời vào ngày 3-5-1947. Sinh nhật lần thứ 58 và 59, Người không cho phép tổ chức nhưng khi nhận được lời chúc mừng của các đồng chí trong Quốc hội, Chính phủ, của các đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân, Người đều có thư cảm ơn.
Năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tha thiết đề nghị Hồ Chí Minh cho phép tổ chức lễ mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người. Người đã từ chối, nhưng các cơ quan đoàn thể kiên trì đề đạt nên cuối cùng Người cũng chấp nhận. Lễ chúc thọ Người năm đó tuy đơn sơ về vật chất nhưng thắm tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Linh mục Phạm Bá Trực - người giữ chức Phó trưởng ban thường trực Quốc hội lúc đó, thay mặt toàn thể mọi người long trọng đọc lời chúc mừng. Sau lễ sinh nhật, Người lại viết Thư cảm ơn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và tất cả nhân dân đã chúc mừng sinh nhật Người.
Các chiến sĩ xuất sắc đại diện các đơn vị vừa chiến thắng ở Điện Biên Phủ được cử về Việt Bắc mừng thọ Bác Hồ nhân ngày sinh của Người, 19-5-1954. Ảnh tư liệu
Sinh nhật lần thứ 61, 62, 63, Người vẫn làm việc bình thường nhưng không quên có thư cảm ơn đồng bào đã chúc mừng sinh nhật. Sinh nhật lần thứ 64 của Người diễn ra trong không khí vô cùng hân hoan vì Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa giành thắng lợi. Đây cũng là món quà mừng sinh nhật đầy ý nghĩa mà cán bộ, chiến sĩ kính dâng lên Người. Thấu hiểu điều đó nên Người đã có Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, trong đó có những câu rất thân tình: “Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác. Bác quyết định khao các chú”[4].
Hòa bình lập lại, để tránh việc chúc tụng rườm rà, vào các ngày sinh từ năm 1955 đến năm 1959, Người thường rời Phủ Chủ tịch đi đến các cơ sở. Ngày 19-5-1955, Người đi thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ngày 19-5-1957, Người đi thăm chùa Thầy ở xã Sơn Tây, huyện Quốc Oai (Hà Tây). Ngày 19-5-1958, Người đi thăm chùa Hương Tích. Ngày 19-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm chùa Tây Phương ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Tây). Sau lễ sinh nhật, Người đều có thư cảm ơn tới các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đã chúc mừng sinh nhật Người.
Trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1967, trừ hai năm 1963 và năm 1964, Người đã 6 lần đón sinh nhật bên Trung Quốc. Điều này xuất phát từ chỉ đạo của Bộ Chính trị, rằng hàng năm Người phải đi nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Người thường khởi hành trước ngày sinh nhật để tránh các lễ mừng sinh nhật ở nhà. Trước khi đi, Người thường “thỏa thuận điều kiện” với phía Trung Quốc: Không tổ chức những hoạt động chúc thọ Người dưới bất cứ hình thức nào.
Vào dịp sinh nhật lần thứ 73, Người ở Hà Nội để tham gia họp kỳ Quốc hội lần thứ 6 khóa II. Vào ngày sinh nhật lần thứ 74, ngày 19-5-1964, Người đã trả lời phỏng vấn của tạp chí Mainôrity Ốp Oăn (Minority of one) với sự khẳng định: “Đồng bào chúng tôi thà hy sinh hết thảy, nhưng quyết không chịu làm nô lệ”[5].
Đại biểu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội chúc mừng sinh nhật Người (19-5-1956). Ảnh: TTXVN
Tháng 5-1965, vào dịp 75 tuổi, Người đặt bút viết dòng đầu tiên của Di chúc. Từ đó, cho đến tận lúc ra đi, mỗi năm, vào dịp từ ngày 10 đến 19-5, mỗi ngày Người dành khoảng thời gian 1 giờ để viết và sửa Di chúc. Viết Di chúc là nghĩ đến cái chết nhưng Hồ Chí Minh đã ung dung viết vào dịp sinh nhật. Trong bản thảo viết năm 1965, Người còn mở đầu Di chúc bằng dòng chữ “nhân dịp mừng 75 tuổi”[6]. Người đã dùng sự sống để đối diện cái chết, lấy nỗi mừng để át nỗi đau, đem sự thanh thản, an nhiên thay cho cảm giác sợ hãi đời thường. Ngày 19-5-1968, ngoài việc tiếp thân mật các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đến chúc mừng sinh nhật, Hồ Chủ tịch tiếp tục viết Di chúc, cụ thể là bổ sung 6 trang viết tay về kế hoạch tái thiết đất nước sau chiến tranh. Vào dịp sinh nhật lần thứ 79, ngày 11-5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với các đại biểu của Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Hội nghị đã chúc thọ Người. Ngày 18-5-1969, Người tiếp các cán bộ văn phòng, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương đến chúc thọ. Buổi liên hoan mừng sinh nhật diễn ra rất giản dị, thân tình. Sau đó, Người tiếp tục xem xét, chỉnh sửa Di chúc. Buổi chiều ngày 19-5-1969, Người dành thời gian viết thư khen các cháu thiếu niên hợp tác xã Măng Non thôn Phú Mẫn, xã Hàm sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc vì đã có thành tích chăm sóc trâu bò. Cũng trong ngày sinh nhật lần thứ 79, Người đã thể hiện tình cảm đối với quê hương qua việc gửi tặng Đảng bộ, cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tấm chân dung của Người.
Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người còn nói với anh em phục vụ: “Tháng 5 là tháng kỷ niệm sinh nhật Bác, Bác phải làm việc nhiều hơn”[7]. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách không có mặt ở nhà. Nếu có thì lễ mừng sinh nhật cũng chỉ là những buổi gặp gỡ ấm áp về tình cảm, đơn sơ về vật chất. Là người chu toàn, sau ngày sinh nhật, Người đều có thư cảm ơn gửi tới tất cả mọi người.
PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT (Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí Tuyên truyền)
[1] Bác Hồ viết Di chúc - Hồi ký của Vũ Kỳ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.123.
[2] Tạp chí Xưa và nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, Nxb CTQG, H, 2010, t.1, tr.308.
[3] Báo Cứu quốc số 244 ngày 20/5/1946.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t.8, tr.470.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.330.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611.
[7] Bác Hồ viết Di chúc - Hồi ký của Vũ Kỳ, Sđd, tr. 93.
Nguồn QĐND