BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuẩn bị vụ chế biến mía 2012 - 2013: Giá thu mua mía phải hợp lý để người trồng có lãi

Cập nhật ngày: 16/10/2012 - 09:11

Mía được đưa về chế biến ở Nhà máy đường Nước Trong vụ 2011 - 2012.

(BTN)- Trong vụ chế biến năm 2011 – 2012, tổng diện tích mía điều chỉnh quy hoạch là 37.093 ha. Trong đó, Công ty cổ phần đường Nước Trong 3.210 ha; Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) 22.556 ha; Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh 11.327 ha. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, SBT và Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh đã phối hợp rà soát toàn bộ diện tích mía đan xen của 2 doanh nghiệp này. Từ đó, đối với số diện tích mía đã thu hồi hết vốn đầu tư thì không đầu tư tiếp mà từng bước hoán đổi diện tích mía hợp đồng của 2 đơn vị trên địa bàn các xã theo quy hoạch được duyệt. Các diện tích còn lại tiếp tục thực hiện theo lộ trình đến năm 2015 cho hoàn chỉnh. Các nhà máy chế biến mía đường cũng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho mía phát triển tốt, thuận lợi trong thu hoạch và vận chuyển. Riêng Công ty cổ phần đường Nước Trong, diện tích mía nguyên liệu đã được quy hoạch ổn định nên chỉ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, đường giao thông nội đồng, làm hệ thống điện phục vụ tưới mía trong vùng nguyên liệu.

Cháy mía, nỗi lo của người trồng lẫn các nhà máy.

Theo Cục Thống kê, diện tích mía vụ 2011 – 2012 của Tây Ninh là 23.869 ha, năng suất bình quân đạt 71,596 tấn/ha, sản lượng đạt 1.708.925 tấn. Còn diện tích mía các nhà máy đường trong tỉnh đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu trong niên vụ 2011-2012 là 21.305,49 ha, giảm trên 500 ha so với niên vụ trước. Theo báo cáo của các nhà máy đường, năng suất mía trong vụ chế biến vừa qua bình quân đạt 68,84 tấn/ha, giảm 1,33% so với vụ trước. Trong đó, SBT đạt 67,5 tấn/ha; Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh đạt 66 tấn/ha; cao nhất là Công ty cổ phần đường Nước Trong, đạt 73,03 tấn/ha.

Trong vụ chế biến vừa qua, sản lượng đường do các nhà máy trong tỉnh chế biến đạt 162.108 tấn, tăng 6.943 tấn so với vụ trước. Ở SBT, tạp chất bình quân 1,4%, chữ đường thanh toán bình quân toàn vụ là 8,14 CCS, thấp hơn vụ trước 0,18 CCS; Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh có tạp chất bình quân tới 4,4%, chữ đường thanh toán bình quân toàn vụ 8,46 CCS, cao hơn vụ trước 0,36 CCS; Công ty cổ phần đường Nước Trong có tạp chất bình quân 2,92%, chữ đường thanh toán bình quân 8,32 CCS, thấp hơn 1,15 CCS so với vụ trước.

Đánh giá về vụ chế biến năm 2011 – 2012, Sở NN&PTNT cho biết nông dân và các nhà máy vẫn còn một số khó khăn như: tình trạng các thương lái thu mua mía ở các vùng nguyên liệu do các nhà máy đầu tư trong tỉnh bán ra ngoài tỉnh còn xảy ra; thiếu nhân công thu hoạch nên người trồng mía bị đầu công, nhân công “ép” phải trả chi phí cao, nhất là khi mía cháy làm giá thành cao, giảm lợi nhuận; tình trạng mía cháy vẫn diễn biến phức tạp (trên 6.900 ha, tăng 411 ha so với vụ trước, khối lượng mía cháy là gần 490.000 tấn, chiếm 32,38% lượng mía ép toàn vụ).

Giá thu mua phải hợp lý

Chuẩn bị vụ chế biến 2012 – 2013, dự kiến có 28.000 ha mía được thu hoạch với năng suất dự kiến 70 tấn/ha, sản lượng dự kiến 1.960.000 tấn mía cây. Hiện đã có 2 nhà máy công bố giá thu mua mía vụ mới là SBT và Nước Trong. Giá thu mua mía tại ruộng của Nhà máy đường Nước Trong là 1,1 triệu đồng/tấn (10 CCS). Trong đó giá thu mua cơ bản là 900.000 đồng/tấn, trợ giá đầu vụ 200.000 đồng/tấn.

Mía trồng ở vùng đất thấp bị ngập do không đầu tư đồng bộ hệ thống thuỷ lợi.

SBT có giá thu mua cơ bản là 900.000 đồng/tấn nhưng chia làm 4 giai đoạn thu mua với 4 mức giá khác nhau (giữ nguyên giá cơ bản, tăng hoặc giảm tiền trợ giá, tiền thu hoạch, tiền hoàn thành hợp đồng). Đối với các giống mía khác nhau, Công ty cũng có mức giá thu mua khác. Bình quân, mức giá thu mua mía tối thiểu của SBT từ 970.000 đồng đến 1.245.000 đồng tuỳ giống mía, tuỳ giai đoạn thu hoạch. Mức bảo hiểm chữ đường ở các giống mía khác nhau cũng khác nhau, thấp nhất là 8 chữ, cao nhất là 10,5 chữ.

Chuẩn bị vào vụ chế biến mới, Sở NN&PTNT đề nghị các nhà máy đường có chính sách thu mua mía hợp lý để người trồng có lãi, góp phần ổn định và phát triển vùng nguyên liệu mía. Các nhà máy phải xác định cơ cấu giống hợp lý giữa mía chín sớm, chín trung bình và chín muộn để rải vụ thu hoạch, tránh tình trạng đầu vụ và cuối vụ ép thì thiếu nguyên liệu nhưng giữa vụ nông dân phải “xếp hàng chờ” thu hoạch. Các nhà máy cũng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, tổ chức tốt khâu thu hoạch, có lịch thu hoạch mía phù hợp, chuyển nhanh mía thu hoạch xong vào ép để tránh tổn thất cho nông dân. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng cần quan tâm đến việc khảo nghiệm, lựa chọn và đầu tư mua các loại máy thu hoạch mía phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu nhân công thu hoạch. Sở NN&PTNT cũng cho rằng, các nhà máy cần có chính sách hỗ trợ để phát triển diện tích trồng giống mía mới như cấp không giống mới; mua mía nguyên liệu trồng giống mới với giá cao hơn giống cũ… để khuyến khích mở rộng diện tích mía nguyên liệu giống mới có năng suất, chất lượng cao.

BẢO TÂM