|
Đại tá- Anh hùng LLVTND Trần Nam Hùng
|
Sáng ngày 29.4 Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh bắt được sóng vô tuyến của Tiểu khu Tây Ninh, nắm được tình hình hoảng loạn mất tinh thần của đối phương, đồng thời Đại tá Bùi Đức Tài, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Tây Ninh cũng bày tỏ ý muốn gặp đại diện lực lượng cách mạng để bàn việc ngừng bắn.
Chỉ huy trưởng chiến dịch Nguyễn Thành Dương đề nghị ông Trần Nam Hùng (Năm Hùng) vào Thị xã tiếp xúc với Đại tá Tài.
Thời điểm ấy, cấp bậc của ông Nguyễn Thành Dương (Hai Dương) là Thiếu tá, ông Trần Nam Hùng cũng mang quân hàm Thiếu tá, nhưng để “đối trọng” với Tỉnh trưởng Tây Ninh, ông Hai Dương bảo ông Năm Hùng cũng xưng là Đại tá khi gặp gỡ đối phương.
Ông Năm Hùng là cán bộ Cục Tác chiến - Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam vừa được cử đến tăng cường cho Tỉnh đội Tây Ninh hai ngày trước đó. Ông quê ở Lộc Hưng, Trảng Bàng, năm 1946, lúc mới 14 tuổi ông đã tham gia Việt Minh ở đơn vị bộ đội lưu động Hoàng Thọ, cuối cuộc kháng chiến chống Pháp ông chuyển về lực lượng vũ trang huyện Trảng Bàng rồi tập kết ra Bắc sau khi có Hiệp định Genève -1954.
Ra miền Bắc ông được đưa đi đào tạo sĩ quan ở Trường võ bị Hoàng Phố, Trung quốc. Cuối năm 1959 ông về miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Ban Quân sự, sau là Bộ Tư lệnh Miền. Năm 1965 khi quân đội Mỹ trực tiếp nhảy vào xâm lược miền Nam, ông Năm Hùng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9.
Ông đã chỉ huy đơn vị mình đánh thắng trận Bàu Bàng nổi tiếng, trận đầu tiên quân cách mạng đối đầu và tiêu diệt đơn vị quân đội Hoa Kỳ cấp lữ đoàn, loại khỏi vòng chiến hơn 2.000 tên lính Mỹ.
Ngay sau trận Bàu Bàng, Tiểu đoàn 1 thiện chiến do ông Năm Hùng chỉ huy tiếp tục đánh thắng trận Dầu Tiếng, tiêu diệt lực lượng đối phương đông hơn đơn vị mình gấp nhiều lần.
Với hai chiến tích Bàu Bàng, Dầu Tiếng vang dội, ông Năm Hùng là người sáng tạo ra phương thức chiến đấu “bám thắt lưng địch mà đánh” khiến quân thù hết sức khiếp sợ.
Từ chiến tích này, ông Năm Hùng được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục lúc bấy giờ khen ngợi: “Có đồng chí Trần Nam Hùng chủ động, cương quyết tìm địch, bám nắm địch, dám đánh Mỹ là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Bàu Bàng”.
Và cũng với các trận thắng Bàu Bàng, Dầu Tiếng, ông Trần Nam Hùng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Năm Hùng (phải) kể chuyện ngày “vào hang bắt cọp” với phóng viên
Được Tỉnh đội trưởng Nguyễn Thành Dương tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp xúc với Đại tá Bùi Đức Tài, ông Trần Nam Hùng không ngần ngại nhận trọng trách đi vào vùng địch với suy nghĩ “không vào hang cọp làm sao bắt được cọp?!”.
Trưa ngày 29.4, ông Năm Hùng xuất phát từ Quy Thiện (xã Trường Hoà ngày nay), nơi quân cách mạng vừa đánh chiếm được hôm trước, cùng một chiến sĩ cận vệ của ông Hai Dương tên là Đột, đi theo đường Trung Hoà vào khu vực xã Long Thành (thị trấn Hoà Thành ngày nay) đến điểm hẹn với Đại tá Tài tại sân vận động Long Hoa (công viên Hoà Thành ngày nay).
Lúc này đường phố khu vực thị tứ trung tâm quận Phú Khương vắng ngắt, trong khu vực trụ sở xã Long Thành (Bưu Điện Hoà Thành ngày nay) cũng không một bóng người. Ông Năm Hùng vào sân vận động lúc hơn 11 giờ, không bao lâu sau thì có chiếc xe Jeep chở một sĩ quan quân đội Sài Gòn chạy trờ tới.
Viên sĩ quan bước xuống xe, ông Năm Hùng nhìn thấy trên cổ áo người ấy chỉ có hai bông mai bạc thì biết là không phải Đại tá Tài. Viên sĩ quan tự giới thiệu là Trung tá Nguyễn Văn Mách, Tiểu khu phó Tham mưu trưởng Tiểu khu Tây Ninh, thay mặt Tiểu khu trưởng đến gặp đại diện bộ đội cách mạng.
Ông Năm Hùng trả lời chỉ có thể nói chuyện với Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng. Trung tá Mách nhỏ nhẹ đề nghị ông Năm Hùng chờ thêm một lúc nữa. Đến khoảng 12 giờ Đại tá Tài đi xe Jeep đến.
Sau khi hai bên tự giới thiệu cấp bậc, chức vụ, Đại tá Tài nói ở đây nói chuyện không tiện và mời ông Năm Hùng đi với ông ta vào Tiểu khu Tây Ninh để trao đổi chi tiết hơn. Ông Năm Hùng không ngần ngại bảo anh Đột trở về Quy Thiện báo cáo ông Hai Dương rằng ông đã “một mình vào hang cọp”.
Đến Tiểu khu Tây Ninh (Bộ CHQS tỉnh ngày nay) người đại diện Quân giải phóng nói chuyện với người đứng đầu chính quyền, quân đội Sài Gòn tại Tây Ninh trên thế mạnh của người chiến thắng, dù rằng trong Tiểu khu lúc này lính tráng, vũ khí, xe cộ, kho tàng vẫn còn nguyên.
Lúc còn ngồi chung trên xe Jeep đi từ Long Hoa ra tỉnh lỵ, Đại tá Tài nói với ông Năm Hùng, từ lúc ông ta bắt được liên lạc với bộ đội cách mạng, khu vực Toà hành chính và Tiểu khu Tây Ninh mới ít bị… “ăn pháo”.
Do vậy sau khi nghe ông Năm Hùng phổ biến về chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Đại tá Bùi Đức Tài đồng ý ngừng bắn, thật ra là chấp nhận đầu hàng, nhưng không muốn nói ra từ ngữ cay đắng ấy, ông ta chỉ xin một điều là từ bây giờ (chiều 29.4) đến ngày mai, trước khi bộ đội giải phóng vào tiếp quản, đề nghị pháo trên núi đừng bắn nữa.
Phía quân đội Sài Gòn ông Tài cho biết cũng sẽ “hạ nòng pháo” không bắn đi đâu hết. Sau đó hai bên tiếp tục trao đổi chi tiết về “thể thức ngừng bắn” ở từng vị trí đồn bót, cơ quan, đơn vị cụ thể trong khu vực tỉnh lỵ Tây Ninh và quận Phú Khương (huyện Hoà Thành ngày nay).
Cụ thể là các đơn vị quân nguỵ tập trung ở đâu, gom súng đạn chất đống thế nào, binh lính rã ngũ ra sao… Khi bàn bạc những việc này, ông Năm Hùng nhấn mạnh yêu cầu Đại tá Tài phải chỉ đạo cho thuộc cấp bên quân sự cũng như bên dân sự giữ nguyên hiện trạng, không được phá hoại máy móc, khí tài, tài liệu để giao nộp đầy đủ cho cách mạng vào ngày mai.
Đại tá Tài đồng ý răm rắp và dùng máy truyền tin ra lệnh cho các nơi theo ý của ông Năm Hùng. Hai bên “đàm phán” xong thì trời đã tối, Đại tá Tài khẩn khoản mời ông Năm Hùng về nhà riêng của ông ta ở khu cư xá công chức đường Hàm Nghi, phía sau dinh Tỉnh trưởng, dùng cơm và ngủ lại ở Tiểu khu chờ đến sáng mai đón tiếp lực lượng giải phóng.
Ông Năm Hùng biết Đại tá Tài muốn giữ mình làm “con tin”, nhưng ông suy nghĩ mình đã vào tận hang ổ của đối phương để làm công tác binh vận trên thế thắng, hơn nữa đối phương giờ đây cũng như “cá nằm trên thớt” thì có gì mà ngại nên ông vui vẻ nhận lời.
Kể lại chuyện này với phóng viên, Đại tá Trần Nam Hùng bộc bạch: “Nói vậy chớ đêm đó chú đâu có ngủ được. Tâm trạng của chú lúc đó thật khó tả. Mình theo kháng chiến khi cả nước còn trong vòng thống trị của quân thù xâm lược, đến khi giải phóng được nửa nước tập kết ra Bắc thì được Đảng, Nhà nước đưa đi nước ngoài đào tạo thành cán bộ quân sự chính quy đàng hoàng.
Rồi về Nam đánh giặc biết mấy trăm trận, vào sinh ra tử biết bao nhiêu lần, đến bây giờ vào trận cuối cùng, nhưng không phải là trận đấu súng mà là trận đấu trí mình cũng coi như thắng rồi, chẳng lẽ họ điên rồ mà “giết sứ” sao?! Nghĩ là nghĩ vậy nhưng nói thiệt là chú cũng không yên tâm chút nào nên… thức trắng đêm đó luôn”.
8 giờ sáng 30.4.1975 Đại tá Bùi Đức Tài mời ông Năm Hùng đến phòng làm việc của Tiểu khu trưởng uống cà phê, ăn sáng, sau đó cùng đi một vòng đến các nơi trú quân của các đơn vị thuộc trực thuộc tiểu khu Tây Ninh. Lúc này ở Sài Gòn các cánh quân giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh đang tiến vào sào huyệt cuối cùng của chế độ tay sai đế quốc.
Đại tá Tài cùng ông Năm Hùng đi đến các đồn bót dọc theo lộ 26 (đường 782 ngày nay) thuộc các địa phương Chà Là, Cầu Khởi, Truông Mít, Bàu Đồn… Ngày cuối cùng của cuộc chiến, chính quyền, quân đội Sài Gòn ở Tây Ninh chỉ còn tồn tại ở các điểm này.
Đại tá Tài cho ông Năm Hùng biết, ông ta ngại cấp dưới ngoan cố, bất phục tùng, nên phải đến đó để “thuyết phục”. Thật ra điều lo xa của Đại tá Tài cũng không cần thiết, vì tại mỗi nơi ông ta đến trong buổi sáng 30.4, hầu hết sĩ quan, binh lính đã tự buông súng, tan hàng rã ngũ tự lúc nào.
Sau chuyến đi, lúc 10 giờ 30 phút ông Năm Hùng giục Đại tá Tài liên lạc bằng vô tuyến điện với Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh xin đầu hàng. Biết không thể làm gì khác hơn, Đại tá Tài chấp nhận liên lạc và cử Thiếu tá Sanh, Tiểu khu phó đến ngã ba Giang Tân, gặp đại diện quân giải phóng là các ông Phạm Việt Ngữ (Tư Ngữ) và Nguyễn Lương (Sáu Lương) để xin đầu hàng.
Đêm 30.4.1975 sau khi các cánh quân giải phóng Tây Ninh vào tiếp quản Thị xã và quận Phú Khương, đại diện lực lượng giải phóng là các ông Tư Ngữ, Năm Hùng, cùng với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 14 là các ông Sáu Lương, Ba Đời chính thức chấp nhận sự đầu hàng của cấp chỉ huy bên… bại trận là Đại tá Bùi Đức Tài cùng bộ sậu Toà hành chính tỉnh và Tiểu khu quân sự Tây Ninh.
39 năm sau, kể lại với phóng viên sự kiện những ngày cuối tháng 4.1975 lịch sử, Đại tá Trần Nam Hùng tâm sự: “Cả đời chú đi bộ đội gần như chỉ thuần tuý làm công tác quân sự, đánh giặc là chính, không ngờ đến ngày áp chót của cuộc chiến lại đi làm công tác binh vận “chiêu hàng” quân địch.
Có lẽ nhờ vậy mà Tây Ninh cũng giống như Sài Gòn, ngày giải phóng rất ít phải đổ xương máu của cả hai bên, cơ sở vật chất kinh tế xã hội vùng mới giải phóng gần như còn nguyên vẹn”.
NGUYỄN TẤN HÙNG