Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có một dòng sông chảy phía đằng Ðông
Thứ sáu: 23:26 ngày 25/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dưới sông vẫn cuồn cuộn màu nước xanh trong hơi nhuốm sắc phù sa. Hai chiếc ghe bầu đậu lại bên bờ Bến Củi, chứng tỏ sông vẫn miệt mài như xưa, thuở đưa người lưu dân đi mở đất, dựng làng, lập chợ.

Sông Sài Gòn, nhìn từ Hưng Thuận, Trảng Bàng.

Đêm 27.9, tôi ngồi xem truyền hình trực tiếp chương trình ca nhạc chủ đề Hương sắc Tây Ninh, trong sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”. Thêm một lần tôi lặng người nghe hát bài Lên ngàn. Vâng! Dù đấy là tiết mục của Đoàn Văn công Quân khu 2, do một nữ ca sĩ tỉnh ngoài biểu diễn, vậy mà vẫn mồn một hiện lên hình ảnh một dòng sông tha thiết, và diết da một thứ cảm tình sâu đậm lắm.

Bài ca của nhạc sĩ Hoàng Việt viết ở Tây Ninh năm 1952, ngay sau cơn lũ lịch sử Nhâm Thìn. Thế mà sau gần 70 năm, câu hát ấy vẫn khiến lòng ta day dứt. Hầu như trong số người tham gia kháng chiến ở Tây Ninh, ai cũng biết bài này. Và ngày truyền thống, lễ kỷ niệm nào của tỉnh nhà mà chẳng ngân lên. Cũng nhớ vài giọng ca đặc sắc, như giọng Xuân Anh, con gái của bác Mười Thương.

Bác Mười Thương là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cũng đã hát tới khản giọng nhiều lần mỗi khi xưa, nhà có khách. Rồi giọng ca Thanh Thuý của Đoàn Văn công Quân khu 7… Nhưng ấn tượng nhất là khi nghe nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ Thanh Ngọc- một cô giáo trẻ ở tỉnh nhà hát trên chính dòng sông Vàm Cỏ Đông thương nhớ, trên một chiếc thuyền ba lá. Lần ấy là cô hát cho đoàn làm phim “Dòng sông đời người” của HTV.

Ra Hà Nội, ngay bên thềm của sông Hồng mà giới thiệu “Hương sắc Tây Ninh” thì nhất thiết phải có sông Vàm Cỏ Đông. Chẳng phải là từng có một câu thơ kết nối giữa hai dòng sông ấy? Đấy là Hoài Vũ viết khổ đầu trong bài thơ Vàm Cỏ Đông: “Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…”.

Chỉ có đêm hương sắc này thôi mà dường như hình ảnh và âm vang non nước Tây Ninh đã rất sáng ngời, như núi Bà Đen, lòng hồ Dầu Tiếng, những căn cứ địa lừng lững suốt hai thời kháng chiến... Rồi những đặc sản Tây Ninh cũng làm “rung rinh” lòng người Hà Nội, như mãng cầu, bánh tráng phơi sương, muối tôm, muối ớt, mật ong rừng Lò Gò - Xa Mát cùng các loại trái cây nổi tiếng miền Nam... Thế mà tôi soi chiếu, dò tìm, vẫn không thấy bóng hình một dòng sông Tây Ninh thương nhớ khác.

- Sông Sài Gòn của tôi đi đâu?

- Thưa: Sông vẫn còn đây, mải miết chảy giữa đường ranh giới Tây Ninh với Bình Dương, Bình Phước. Và, dĩ nhiên là sử sách, địa chí cũng ghi đậm tên sông. Xưa, sách Đại Nam Thực lục ghi là sông Đục (Trọc Giang). Chảy tới Sài Gòn lại được gọi là sông Bến Nghé. Sách Đặc điểm khí hậu thuỷ văn Tây Ninh ghi rằng: - Sông Sài Gòn dài 256km, nghĩa là còn dài hơn cả Vàm Cỏ Đông (218km).

Sách Hồ Dầu Tiếng của Nguyễn Minh Sang và Phan Khánh (NXB Lao động năm 1991) cho biết chi tiết hơn, là: “Sông Sài Gòn chảy qua Tây Ninh trên một quãng dài 208km”, dài hơn sông Vàm Cỏ Đông chỉ có 146km trên đất Tây Ninh.

Và, quan trọng hơn cả là dòng sông này đã cùng với sức người Tây Ninh sinh ra đứa con vĩ đại là lòng hồ Dầu Tiếng. Nơi hạ sinh là huyện căn cứ Dương Minh Châu anh dũng suốt hai thời kháng chiến. Ôi chà! Tôi đã từng lặng người khi ngắm phần còn lại của sông tại đập chính lòng hồ một ngày xả lũ. Hôm ấy mới mở 3 trong 6 cửa xả thôi mà tiếng nước đã ầm ầm xối xả.

Những dòng thác trắng ngời vọt ra từ miệng cống xả, đập vào các vách bê tông nắn dòng phía trước làm tung lên bụi nước trắng trời. Thế rồi, lớp lớp sóng xô cuồn cuộn đuổi theo nhau uốn lượn một vòng cua về phía phải, lại phăm phăm phóng thẳng về xuôi. Kể từ đây, sông Sài Gòn lại tiếp tục cuộc hành trình ra biển lớn. Nhưng sông còn dùng dằng nấn níu suốt hàng chục km trên đất Dương Minh Châu.

Đứa con lòng hồ vĩ đại ra sao thì ai cũng biết rồi. Đấy là cái hồ nhân tạo rộng 27.000 ha mặt nước, với cao trình thiết kế nước dâng bình thường là 24,4 mét. Đấy là: “cả một biển nước khổng lồ trên 1.500 triệu mét khối, trên độ cao hàng chục mét so với cả vùng ruộng đất cư dân rộng lớn của 6 triệu người kéo dài từ Tây Ninh đến Sông Bé, Long An, TP. Hồ Chí Minh…” (sách Hồ Dầu Tiếng). Đấy còn chưa kể đến việc là nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP. Hồ Chí Minh. Và tới đây, chính nguồn nước này lại vượt qua sông Vàm Cỏ Đông, cung cấp nước cho các huyện bên phía hữu ngạn sông Vàm vẫn đang còn “khát nước”.

Khi viết về tháp Chàm vài chục năm trước, nhà thơ Inrasara đã từng bức xúc: “Không có một bài thơ ngợi ca/ Không có một lời ca ngợi ca…”. Tình cảnh này có lẽ cũng đúng với sông Sài Gòn. Phải chăng người Tây Ninh cũng vì quá yêu con sông Vàm Cỏ Đông chảy thênh thang giữa đất Tây Ninh mà quên mất dòng sông chảy phía đằng Đông? Mà, dòng sông này lại gắn bó với ký ức của bao thế hệ người đi kháng chiến.

Sách: Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (BCH Đảng bộ huyện DMC, năm 2015) có ghi sự kiện thành lập huyện căn cứ DMC vào tháng 5.1951, theo chủ trương của Xứ uỷ Nam bộ. Huyện có 5 xã thì tới 3 xã nằm trên lưu vực sông Sài Gòn hoặc trên các phụ lưu sông này như Suối Ngô, rạch Sanh Đôi, rạch Suốt. Đấy là: “các xóm dân cư sống khu vực núi Bà thành xã Chơn Bà Đen; làng Lộc Ninh và xã Phước Hội nhập lại thành xã Phước Ninh; dân cư sống ven sông Sài Gòn quy tụ lại thành lập xã Định Thành”.

Thế rồi: “trong năm 1951, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Nam bộ về xây dựng căn cứ đứng chân tại Tà Dơ - Đồng Rùm…” (trang 113). Cán bộ, bộ đội tự trồng cây mì, cây bắp, hái cọng măng le, uống nước nguồn sông Sài Gòn mà đánh giặc. Những bài ca làm nên danh tiếng “miền Đông gian lao mà anh dũng” cũng từ đây mà sinh ra. Và còn cả những kỷ niệm thương đau trong mùa lũ Nhâm Thìn (1952): “Nước sông Sài Gòn dâng cao tràn ngập xã Định Thành, nhấn chìm cả đọt le và cây cối ven sông…

Bí thư Huyện uỷ kiêm Chủ tịch huyện… truyền đạt chỉ thị: “Bí thư cấp uỷ các địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết, trên hết và sau cùng mọi an nguy của dân trong cơn lũ…”. Một chiến sĩ của Trung đội 9, tên anh là Ngà không ai nhớ họ chỉ nhớ áng chừng quê anh ở xã Bến Củi vật lộn với giặc nước cứu được 4 cụ già, người thứ 5 được anh cứu là một em bé. Em bé được cứu sống nhưng chiến sĩ Ngà đã vĩnh viễn ra đi…” (trang 134).

Và! Cũng không thể đếm xuể những chiến công của quân dân Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ trên dải đất bờ Tây sông Sài Gòn. Nhắc tên những địa danh vang lừng này chắc nhiều người sẽ nhớ. Đấy là những Lộc Ninh, Bến Củi, Cầu Khởi, Suối Đá, Suối Ông Hùng… cho đến những Bà Nhã, Sóc Lào, Bời Lời, Đôn Thuận hay Cầu Xe, Trảng Cỏ thuộc Trảng Bàng giữa vùng “Tam giác sắt”.

Vùng này là vùng trắng - nghĩa là nơi oanh kích tự do; bom đạn và pháo bầy, cả B52 muốn xoá sạch một màu xanh sự sống. Vậy mà sông Sài Gòn cứ lừng lững mà đi dưới mưa bom bão đạn. Cựu chiến binh miền Đông, ai người còn nhớ, những đêm các chiến dịch mùa xuân, họ không chỉ “vượt qua sông Bé oai hùng” (lời một bài ca), mà còn vượt sông Sài Gòn, qua bến Thanh An sang Củ Chi để tiến đánh Sài Gòn, dưới ánh hoả châu đỏ lựng một vùng sông nước…

Một buổi trưa tháng 9, tôi đứng trên cầu bắc qua sông Sài Gòn, nối Bến Củi sang Dầu Tiếng, thuộc Bình Dương. Bên ấy vẫn còn một cái cầu tàu bê tông đen đúa lộ sắt đã gỉ vàng. Còn bên ta đã tràn ngập một màu xanh những lô cao su chạy dọc triền sông. Bên ấy mới có những nóc nhà, hay mái chùa nhoai ra phía sông lấp lánh màu ngói đỏ.

Bên ta, phải lui vào gần cây số mới thấy những nhà lầu đã hoặc đang xây, nhưng dành cho chim yến về làm tổ. Dưới sông vẫn cuồn cuộn màu nước xanh trong hơi nhuốm sắc phù sa. Hai chiếc ghe bầu đậu lại bên bờ Bến Củi, chứng tỏ sông vẫn miệt mài như xưa, thuở đưa người lưu dân đi mở đất, dựng làng, lập chợ. Cầu ở đây cũng bằng cây cầu Sài Gòn trên thượng nguồn sông, nối Tân Châu sang Bình Phước.

Cầu ấy dài 76,4 mét, nghĩa là sông chỉ rộng chừng 60 mét. Phải tới đoạn qua Bùng Binh, sang xã mới Hưng Thuận, Trảng Bàng sông mới mở lòng rộng thêm. Và kia, sau một khúc quanh để từ bờ Hưng Thuận nhìn ra, thấy rõ mái ngói đỏ tươi và ngọn tháp của đền liệt sĩ Bến Dược, thuộc Củ Chi. Bên ấy đã trở thành điểm đến tham quan sôi động của du khách trong và ngoài nước. Còn bên ta, khu “Tái hiện Di tích lịch sử cách mạng miền Nam” vẫn đang trong thời kỳ khởi động ở Bời Lời.

Dưới chân cầu Sài Gòn.

Chợt nhớ lại một chuyến xuyên rừng Tân Hoà từ chục năm về trước. Các anh trong Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng chở đi bằng xe máy, luồn qua rừng rất nhiều le ra đến tận bờ sông. Sông ở đây như sâu hoắm xuống, hai bên bát ngát chằng chịt rừng le. Lại nhớ đến một lần ghé bến Sóc Lào xem người ta nuôi vịt với cá bè. Cả một bến sông với mái lá hiền lành, bóng dừa xao xác và bừng bừng vui sống.

Nhớ cả con đường 789, từ Bùng Binh về Bến Củi dài dằng dặc và luôn quạnh vắng. Phía bờ sông nhiều đoạn vẫn tre pheo và lau lách bạt ngàn. Tôi đi tìm Bến Đồn xưa mà chẳng thấy đồn đâu! May mà còn lại khu mộ cụ Thành hoàng đình Gia Lộc vẫn còn dấu tích để xây lại. Và, trên một mỏm sông thuộc Bùng Binh, ngôi đình Đôn Thuận mái ngói đỏ tươi đã được dân làng xây dựng lại, như một niềm kiêu hãnh không tan trên mảnh đất này…

Sông Sài Gòn của Tây Ninh, của tôi và của bạn. Sông vẫn còn đây, hơi gầy như các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tôi từng gặp. Nhớ thương thì hay giận lẫy, nhưng có đứa con nào mà quên người mẹ gian lao vất vả tháng ngày?

Ghi chép: N.Q.V

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục