Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đó là câu hỏi mà đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) đặt ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chiều 10/6
Băn khoăn với việc nếu cán bộ, công chức về hưu bị hồi tố xử lý kỷ luật với hình thức “xóa tư cách” đã đảm nhiệm, liệu có bị truy thu chế độ, chính sách (hệ số phụ cấp, thưởng…) hay không, đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc kỷ luật cán bộ, công chức đã về hưu thực chất là xử lý hồi tố.
Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Quốc hội cân nhắc việc luật hóa với hình thức kỷ luật “xóa tư cách” chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Bởi lẽ theo đại biểu việc “xóa tư cách” đã đảm nhiệm chỉ là “xóa cái danh” của cán bộ, công chức đó.
“Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh đó (hệ số phụ cấp, thưởng…) cán bộ, công chức đó đã được hưởng thì có bị truy thu hay không?”, đại biểu Tình nói.
Đại biểu Mong Văn Tình cho rằng, nếu luật hóa việc “xóa tư cách” cán bộ, công chức còn ảnh hưởng đến các quyết định, văn bản cán bộ, công chức đó ký trong thời điểm vi phạm, đồng nghĩa với những quyết định, văn bản của cán bộ, công chức đó ký cũng không còn có hiệu lực. Đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị xử lý đầy đủ các chế độ, chính sách mà cán bộ, công chức được hưởng nếu họ bị “xóa tư cách”, chức vụ đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm.
ĐB Triệu Thị Huyền cho rằng, ngoài “xóa tư cách”, Luật nên quy định thêm hình thức cắt, tước bỏ các quyền lợi về chính trị, vật chất mà cán bộ, công chức vẫn đang được hưởng.
Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cũng cho rằng, với cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm trong quá trình công tác thì ngoài hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách, thì trong luật nên quy định thêm hình thức như cắt, tước bỏ các quyền lợi về chính trị, vật chất mà cán bộ, công chức vẫn đang được hưởng thì tác dụng của việc răn đe sẽ thiết thực hơn.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) lại tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của số liệu 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ đưa ra.
“Cử tri còn nhớ, Thủ tướng đã có lần nói rằng, khoảng 3% cán bộ công chức ở tình trạng “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, điều đó cho thấy công tác đánh giá cán bộ công chức còn hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính nên chung chung chưa định lượng được” – ông Tám nói.
ĐB Tô Văn Tám nghi ngờ số liệu công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ đưa ra.
Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, Dự thảo lần này có bổ sung quan trọng tại Điều 56 đã quy định các nội dung đánh giá công chức khá rõ, đã lường hóa được 1 số nội dung. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về phương pháp đánh giá để có kết quả đánh giá chính xác. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ công chức theo hướng dựa trên kết quả điều tra, sát hạch định kỳ, hay thăm dò ý kiến nhân dân, hay bỏ phiếu...
Thống nhất cao việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể mà Dự thảo Luật đưa ra, song đại biểu Trương Thị Yến Linh ( đoàn Cà Mau) cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định công chức có nhiệm vụ thống kê số lượng đầu công việc đã xử lý trong năm, bao gồm cả công việc chuyên môn gắn với vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các nhiệm vụ khác được lãnh đạo giao nhằm mang tính định lượng, góp phần xác định hiệu quả công tác của công chức, qua đó xác định hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan, đơn vị.
“Có như vậy mới khắc phục được tình trạng làm nhiều sai nhiều, không làm không sai, hoặc chọn việc mà làm của một bộ phận công chức hiện nay; Đồng thời tiến tới nâng cao hơn nữa chất lượng công chức, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan đơn vị, cũng là hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước trong thời gian tới”, đại biểu Trương Thị Yến Linh nói
Nguồn baodansinh