Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ mía vừa qua, trong 861.800 tấn mía thu mua đưa vào chế biến có đến gần 355.000 tấn là mía cháy, chiếm tỷ trọng đến hơn 41% tổng sản lượng mía đưa về nhà máy.

Giữa tháng 5 năm 2012, Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) mở Hội nghị tổng kết vụ chế biến mía đường 2011-2012 và định hướng đầu tư phát triển vụ mía 2012-2013. Dự hội nghị tổng kết có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ; lãnh đạo các sở ngành tỉnh liên quan, lãnh đạo các địa phương vùng nguyên liệu mía; Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, các đơn vị trực thuộc Công ty và 130 nông dân trồng mía.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị tổng kết |
Báo cáo của Ban giám đốc SBT cho biết, vụ chế biến 2011-2012 của Công ty bắt đầu từ ngày 20.11.2011 và kết thúc vào giữa tháng 3.2012. Đây là vụ chế biến đầu tiên nhà máy SBT vận hành với công suất 9.000 tấn mía/ngày (cao hơn các vụ trước 1.000 tấn/ngày). Tuy nhiên, tổng sản lượng mía Công ty thu mua chỉ đạt có 861.800 tấn, thấp hơn vụ trước gần 60.000 tấn. Vụ này năng suất mía bình quân đạt 67,8 tấn/ha- thấp hơn vụ trước khoảng 7 tấn/ha; trong đó có khoảng 4.000 ha đạt năng suất trên 70 tấn/ha; chữ đường bình quân thực tế đạt 8,14 CCS và chữ đường bình quân thanh toán (có bảo hiểm) đạt 8,54 CCS, cũng thấp hơn vụ trước. Theo đánh giá của Công ty sở dĩ vụ chế biến 2011-2012 cả năng suất lẫn chữ đường đều giảm là do thời tiết không thuận lợi cho sự phát triển cây mía.
Đáng lo ngại nhất là tình trạng cháy mía. Vụ mía vừa qua trong vùng nguyên liệu của SBT đầu tư sản lượng mía cháy chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo con số thống kê của Công ty, trong 861.800 tấn mía thu mua đưa vào chế biến có đến gần 355.000 tấn là mía cháy, chiếm tỷ trọng đến hơn 41% tổng sản lượng mía đưa về nhà máy, cao gần gấp đôi vụ trước. Tính ra, diện tích mía trong vùng nguyên liệu do SBT đầu tư bị cháy đến hơn 5.200 ha, diện tích mía cháy cao nhất từ trước đến nay trong vùng nguyên liệu mía của Công ty. Để hỗ trợ nông dân có mía bị cháy, SBT có chính sách bảo hiểm chữ đường cho mía cháy với điều kiện diện tích bị cháy sẽ được trồng lại hoặc lưu mía gốc.
![]() |
Mía cháy - nỗi lo của các nhà máy |
Theo lãnh đạo SBT, vụ sản xuất, chế biến mía đường vừa qua cũng có một số thuận lợi. Trước tiên là nhà máy được nâng công suấn lên 9.000 tấn/ngày, góp phần giải quyết đáng kể áp lực thu hoạch mía trong thời gian cuối vụ. Công ty cũng tăng cường thêm các khâu cơ giới hoá- đặc biệt là tăng cường thêm máy bốc mía để góp phần giải quyết tình trạng thiếu công thu hoạch. Ngành sản xuất, chế biến mía đường tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp và các ngành liên quan. Tuy nhiên, do tình trạng mía cháy xảy ra nhiều, diện tích mía cháy lớn, huy động nhân công thu hoạch khó nên nhân công thu hoạch mía đòi tăng giá. Song song đó, xe vận chuyển mía cũng khó huy động nên có không ít tài xế vòi vĩnh thêm tiền làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.
Tại hội nghị tổng kết, nhiều nông dân trồng mía cho biết trồng cây mía rất cực nhọc và rủi ro rất cao so với nhiều loại cây trồng khác, nên muốn nông dân trồng mía gắn bó với SBT thì Công ty phải có chính sách hỗ trợ đầu tư, thu mua sản phẩm như thế nào để lợi nhuận từ cây mía không thua kém các cây trồng khác. Một số ý kiến khác đề nghị SBT tiếp tục tăng cường cơ giới hoá các khâu canh tác- đặc biệt là khâu thu hoạch mía để nông dân không phải chịu cảnh o ép của nhân công và nhà xe vận chuyển. Về tình trạng mía cháy, có ý kiến cho rằng sản lượng mía bị cháy nhiều nhất là những tháng sau Tết Nguyên đán do khô hạn và đề xuất Công ty nên tổ chức vào vụ chế biến sớm hơn vài tháng để rút ngắn thời gian mía bị tồn sau Tết Nguyên đán.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết trong năm qua tình hình kinh tế- xã hội của Tây Ninh gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định- trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành mía đường trong tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh hết sức chú trọng đến sự phát triển cây mía, đã quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy hoạt động- nhất là trong việc vận chuyển mía. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn- nhất là tình trạng mía cháy tràn lan. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ các nhà máy giải quyết khó khăn, nhưng trước tiên các nhà máy phải hết sức chú ý lắng nghe các ý kiến đóng góp của nông dân, của địa phương và kịp thời tìm giải pháp khắc phục có hiệu quả. Có như thế người nông dân mới gắn bó với nhà máy và cây mía sẽ phát triển ổn định, bền vững.
Sơn Trần