BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc

Cập nhật ngày: 31/08/2016 - 04:11

Bộ CHQS tỉnh triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tình hình trên biên giới Việt Nam- Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp.

Từ tháng 5 đến tháng 12.1975, bọn Pôn Pốt đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh ở các điểm Lò Gò, Tà Nông, Chàng Riệc. Đỉnh cao là các vụ: ngày 22.6.1975, chúng đưa một tiểu đoàn đánh sang khu vực Long Khánh, huyện Bến Cầu. Ngày 26.6.1975, một đại đội quân Pôn Pốt chia thành 3 mũi đánh qua khu vực Gò Cao thuộc xã Hoà Hội bắt dân, đốt nhà v.v... Chúng tổ chức gài mìn trên đường biên giới, có chỗ chúng gài trái qua đất ta như ở Tà Nốt, Tà Đạt thuộc huyện Tân Biên. Chúng cho lực lượng vũ trang cải dạng thành thường dân sang lấn chiếm đất của ta (dưới hình thức xâm canh) gây ra những điểm tranh chấp nhập nhằng dọc biên giới như: Chà Rì Khuốc, Hiệp Lợi, Bảy Bùn, Cây Me, Tà Nốt, Tà Đạt thuộc các huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu với tổng số đất đai lấn chiếm trên 132 ha.

Trong năm 1976 xảy ra gần 200 vụ xô xát, khiêu khích, 20 người dân Việt Nam đi làm ăn trên biên giới bị chết vì trái gài, bị chúng bắt giết hoặc mất tích; hàng trăm trâu bò bị chết, bị thương trên các khu vực Ba Chàm (Hoà Thạnh, huyện Châu Thành), Kà Tum (Tân Biên), Long Thuận (Bến Cầu), Bàu Hút, Bình Thạnh (Trảng Bàng).

Với âm mưu muốn xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của nhân dân ta, bè lũ Pôn Pốt được sự xúi giục của thế lực bên ngoài đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Ở đoạn biên giới của Tây Ninh, sau một thời gian tăng cường các hoạt động trinh sát, khiêu khích, từng lúc xâm phạm vào đất ta, đêm 24 rạng 25.9.1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên. Chúng tiến hành tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta. Riêng xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hại hoàn toàn.

Những hành động của bọn cầm quyền phản động Pôn Pốt xâm phạm lãnh thổ nước ta diễn ra một cách có hệ thống từ thấp đến cao, ngày càng tăng trên toàn tuyến biên giới, và thực sự chúng đã tiến hành một cuộc chiến tranh ở biên giới nhằm xâm chiếm nước ta.

Sau một thời gian bị động đối phó, ta tích cực chuẩn bị phản công, lực lượng vũ trang tỉnh cùng với lực lượng của Quân khu 7 mở các đợt phản công đánh bật địch ra khỏi những nơi bị chúng chiếm đóng, đẩy lùi địch về bên kia biên giới.

 Tại khu vực Cây Me (Bến Cầu), sau khi Quân khu 7 điều động lực lượng tăng viện gồm 2 trung đoàn của Sư đoàn 9 và Sư đoàn 5 thuộc Quân đoàn 4 tiếp cận trận địa, vào lúc 5 giờ ngày 3.10.1977 ta đồng loạt tấn công vào các cụm địch ở Cây Me, Cầu Thúc Núc, rừng Long Khánh. Sau 3 giờ chiến đấu, ta làm chủ chiến trường, chia cắt và tiêu diệt từng cụm quân địch. Đến 9 giờ cùng ngày ta thu hồi toàn bộ khu vực từ Tốc Xé đến phía Bắc rừng Long Khánh, tiêu diệt 58 tên, thu 27 súng, đánh thiệt hại nặng 4 đại đội, 2 tiểu đoàn địa phương của địch.

Ở khu vực Xa Mát, được sự tăng viện Trung đoàn 1 của Sư đoàn 9 và Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 4 thuộc Sư đoàn 5 có pháo binh và xe tăng yểm trợ, ta đồng loạt tấn công vào các cụm quân địch ở phía Nam đồn Xa Mát, đập đá Bảy Bàu. Trận chiến ở đây diễn ra hết sức ác liệt, quân địch dựa vào công sự ngoan cố kháng cự, lực lượng ta có xe tăng và pháo binh yểm trợ nên lần lượt dập tắt các ổ đề kháng của địch, sau 3 giờ chiến đấu ta giải toả được đồn Xa Mát, khai thông được lộ 22 và đánh bật địch ra khỏi khu vực đập đá Bảy Bàu. Trung đoàn 201 sau nhiều lần tổn thất đã vươn lên đánh địch có hiệu quả, nhiều trung đội, đại đội chiến đấu rất dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong trận này, ta diệt tại chỗ 85 tên địch, thu 63 súng.

Trên hướng lộ 13, ta và địch vẫn ở tư thế kìm chân nhau, địch không phát triển được sâu hơn, nhưng ta cũng không đẩy lùi địch ra xa hơn. Ngày 15.11.1977, địch mở đợt tấn công mới vào biên giới Tây Ninh, chúng huy động 3 sư đoàn, sau tăng cường lên 5 sư đoàn và 5 trung đoàn địa phương đánh chiếm Bến Sỏi, phía Tây sông Vàm Cỏ, cho lực lượng luồn sâu một số điểm trên sông Vàm Cỏ. Ở Tân Biên, ta và địch tranh chấp nhau ở biên giới phía bên đất ta. Ở phía Bắc liên tỉnh lộ 13, địch chiếm Phước Tân, phát triển sâu vào đất ta từ 5 đến 8km chiếm các khu vực Bàu Bao, Bàu Ky.

Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang của tỉnh phải vừa đánh, vừa gấp rút tổ chức điều chỉnh lực lượng phối hợp với các lực lượng cấp trên chiến đấu ngăn chặn, đẩy lùi các mũi tiến công của địch, diệt 750 tên địch, làm bị thương 1.000 tên khác, có 2 tên ra hàng, đánh thiệt hại 6 tiểu đoàn địch, thu 400 súng, nhưng thương vong của ta cũng rất cao, 606 đồng chí hy sinh.

Đầu năm 1978, bè lũ Pôn Pốt huy động từ 7 đến 8 sư đoàn chủ lực, cùng với lực lượng địa phương các vùng 20, 23 bố trí áp sát trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh. Đồng thời, sử dụng từng trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội lấn chiếm biên giới, đứng chân trên đất ta từ 5 đến 10km, tổ chức nhiều toán trinh sát luồn sâu vào hậu cứ của ta đánh vào dân, gài mìn, gài trái, thăm dò lực lượng ta. Mặt khác, chúng dùng pháo tầm xa bắn vào những nơi đông dân cư ở Thị xã, Gò Dầu, Hoà Thành, Châu Thành, Tân Biên gây cho đồng bào ta nhiều thiệt hại về người và của, làm trở ngại đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp uỷ, các ngành các cấp nhạy bén, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, với truyền thống cách mạng kiên cường, quân và dân Tây Ninh đã khắc phục nhiều khó khăn, phấn đấu vươn lên trong chiến đấu, sản xuất và bảo vệ an ninh.

Sau khi được củng cố, lực lượng vũ trang Tây Ninh chấp hành chủ trương của Quân khu, của Tỉnh uỷ và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đã phối hợp với chiến trường chung chuyển thế tiến công trên toàn tuyến biên giới. Quân khu 7 sử dụng lực lượng 2 sư đoàn, 2 trung đoàn độc lập phản công lên đường 7. Lực lượng vũ trang Tây Ninh mở đợt cao điểm tấn công truy kích địch trên toàn tuyến biên giới.

Tại khu vực Cây Me, Quân đoàn 4 chịu trách nhiệm tấn công qua biên giới truy kích địch ở Bàu Quách 1, Bàu Quách 2, rừng Tà Nết và các chốt quân địch dọc biên giới từ Bắc Cây Me đến Phước Chỉ. Lực lượng vũ trang tỉnh Tiểu đoàn 19, 14 làm nhiệm vụ phối hợp với Quân đoàn 4, bộ đội địa phương Trảng Bàng, Gò Dầu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn 3 có nhiệm vụ tiêu diệt 2 chốt đầu cầu ở phía Nam để trung đoàn 3 luồn sâu đánh địch.

5 giờ 30 ngày 23.10.1977, pháo ta bắn cấp tập vào mục tiêu 2 lô cốt đầu cầu, đến 6 giờ cùng ngày ta chiếm được lô cốt, sau đó Trung đoàn 3 tiến sâu vào đánh địch ở khu vực rừng thốt nốt, đúng 8 giờ ta giải quyết xong chiến trường, giải phóng sâu vào đất địch 8km. Cùng ngày, vào lúc 10 giờ, Ban Chỉ huy lực lượng cánh Tây Trảng Bàng nắm thời cơ địch đang hoang mang đã tập trung lực lượng gồm Đại đội 2 bộ đội địa phương huyện Trảng Bàng và du kích xã Phước Lưu, Phước Chỉ đánh vào các chốt địch cặp biên giới, đến 12 giờ, địch tháo chạy về Tà Nốt, ta tiếp tục truy kích sâu vào đất địch 2km. Đến 14 giờ cùng ngày, lực lượng vũ trang Trảng Bàng phối hợp với 1 đại đội công an vũ trang đánh vào Tà Nôi, địch ở đây bỏ chạy. Đến 16 giờ 30, ta làm chủ tình hình từ Tà Nôi đến Cây Me. Được lệnh của trên, 18 giờ cùng ngày, lực lượng vũ trang của tỉnh rút về củng cố biên giới. Kết quả, ta diệt 117 tên, thu 155 súng các loại, phá huỷ toàn bộ tuyến công sự gồm 155 hầm.

Tại khu vực Xa Mát do lực lượng Quân khu và Quân đoàn 3 đảm nhiệm, lực lượng vũ trang huyện và các xã biên giới phối hợp hoạt động, được sự chỉ huy của Quân khu và Quân đoàn 3 với mục đích đánh chiếm đường 7. Đêm 21 rạng ngày 22.12.1977, Trung đoàn 5 tấn công đánh chiếm khu vực Phum Đa, địch chạy về đồn điền Cha Lăng 2. Trung đoàn 2 công an vũ trang được tăng cường Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 1 Gia Định, bộ đội địa phương Tân Biên, dân quân du kích xã Tân Lập, Tân Phú đánh chiếm các mục tiêu ở Vạc Sa, Chà Rì đến lộ 7, quét sạch địch ở Đập Đá, Tầm Phô, giải phóng khu vực biên giới Tân Biên. Trung đoàn 1 Gia Định đánh chiếm Xâm Ron phát triển lên Mi Mốt, ngày 24.12.1977 phối hợp với Trung đoàn 203 chiếm Mi Mốt và Lăng Kết Pơ. Sau đó, lực lượng địa phương Tân Biên và du kích các xã biên giới được lệnh rút về củng cố biên giới.

Trong các trận tiến công này, quân ta đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn địch, có 4 tiểu đoàn bị tan rã, thu 517 súng và nhiều tài liệu quan trọng. Ta hy sinh 67 đồng chí và bị thương 93 đồng chí.

Ở khu vực lộ 13, phối hợp với hướng Xa Mát, tỉnh sử dụng Trung đoàn 6 cùng với Đại đội 40 Châu Thành và một bộ phận của Tiểu đoàn 38 có 5 pháo 105mm chi viện đánh 1 đại đội địch ở chùa Pịc Pột. Sau khi phân công các mũi tiến công, từ 4 giờ 30 đến 6 giờ 30 lực lượng của ta đã chiếm xong các mục tiêu, làm chủ chùa Pịc Pột. Ta diệt tại trận 50 tên, thu 17 súng, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội địa phương huyện Xâm Rôn.

Trước âm mưu và hành động điên cuồng của bè lũ Pôn Pốt, các lực lượng vũ trang Tây Ninh kiên quyết đánh trả, bảo vệ biên giới. Từ tháng 4.1978, quân và dân Tây Ninh đồng loạt mở đợt tấn công trên toàn tuyến biên giới tiêu diệt hàng nghìn tên địch, bắt sống hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí đạn dược, có cả pháo 105mm, xe tăng và nhiều quân trang quân dụng. Đến ngày 30.6.1978, trên tuyến biên giới từ Phước Chỉ đến Bắc lộ 13, lực lượng ta tiến công đẩy địch ra khỏi biên giới từ 30 đến 40km. Đoạn biên giới từ Chàng Riệc đến Kà Tum, lực lượng ta đẩy địch khỏi biên giới trên 20km. Riêng đoạn biên giới từ Tân Phú, Lò Gò đến Vàm Trảng Trâu, địch vẫn còn đứng chân trên đất ta từ 2 đến 5km, ở khu vực này hằng ngày địch dùng hoả lực uy hiếp mạnh và cho trinh sát luồn sâu đánh phá dân, gài mìn ngăn cản sự tấn công của ta.

Dân công và bộ đội huyện Châu Thành xây dựng tuyến phòng thủ, tháng 3.1978.

Theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, ngày 24.4.1978, Tỉnh uỷ Tây Ninh ra nghị quyết lãnh đạo việc xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới, phát động quần chúng tham gia đóng góp 10 ngày công. Kể từ ngày khởi công đến 30.6.1978, toàn tỉnh đã huy động trên 40 vạn ngày công lao động, đào đắp trên nửa triệu mét khối đất, xây dựng tuyến bờ thành bảo vệ biên giới phía Tây Nam trên 50km, và đắp bờ thành chiến đấu cho 5 xã cặp biên giới. Rào gần 50km tuyến biên giới phía Bắc, cắm trên 30 vạn cây chông tre, hàng chục nghìn bàn chông sắt, trồng hàng vạn cây tre, tháo gỡ hàng vạn quả mìn của địch cài bỏ lại. Từ ngày khởi công xây dựng phòng tuyến đến ngày kết thúc có 54 người hy sinh, 92 người bị thương (trong đó tổn thất do phá gỡ mìn 29 người, đắp đê biên giới 25 người), xây dựng xã, ấp chiến đấu bị thương 92 người. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 8 người hy sinh, hư 8 máy ủi và 4 máy cày.

Chiến tranh biên giới Tây Nam dù đã đi qua, nhưng những thành quả lao động với biết bao sự hy sinh to lớn đó sẽ còn sống mãi, nhắc nhở thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Trong 450 ngày đêm liên tục chiến đấu, có sự chi viện của lực lượng trên, quân và dân Tây Ninh đánh trên 1.000 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 4.596 tên địch, bắt sống 322 tên, diệt gọn 1 tiểu đoàn và 5 đại đội, đánh tan rã 1 trung đoàn và 3 tiểu đoàn địch, thu 1.969 súng các loại, 19 tấn đạn, diệt 7 xe tăng, thu 7 xe vận tải, gỡ và phá 13.623 quả mìn, giải phóng 6.518 ha ruộng rẫy, được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương 2 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang (đồn Xa Mát, đồn Phước Tân) và 161 huân chương.

Để giành được thắng lợi đó, quân dân Tây Ninh đã phải chịu nhiều tổn thất, 3.456 cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương, 1.216 đồng bào bị bè lũ Pôn Pốt giết hại dã man, 800 nhà cửa bị thiêu cháy, nhiều tài sản bị cướp phá, nhiều xã ấp bị tàn phá nặng nề.

Đ.H.T

(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh)