Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại đội TNXP Hoàng Lê Kha, Tây Ninh (C2311) – đơn vị Anh hùng LLVT
Thứ ba: 10:49 ngày 15/02/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đại đội TNXP Hoàng Lê Kha – Tây Ninh, được thành lập năm 1965, năm đế quốc Mỹ đổ quân trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, đúng vào ngày 23 tháng 11, ngày kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa.

 

 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên tặng quà cho nữ TNXP - GPMN nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập TNXPVN

Như BTNO đã đưa đưa tin, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký các quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước. Theo Quyết định số 163/QĐ-CTN, có 29 tập thể và 17 cá nhân được Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Đội Thanh niên xung phong 2311 Hoàng Lê Kha, tỉnh Tây Ninh, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (TNXP-GPMN)

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đoàn và Tỉnh uỷ Tây Ninh, Đại đội TNXP Hoàng Lê Kha – Tây Ninh, được thành lập năm 1965, năm đế quốc Mỹ đổ quân trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, đúng vào ngày 23 tháng 11, ngày kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa. Do vậy đơn vị được đặt phiên hiệu là C2311. Khi mới thành lập, quân số C2311 gồm 140 người, trong đó nữ thanh niên chiếm đến hai phần ba. Ban Chỉ huy Đại đội lúc đầu do đồng chí Nguyễn Trung Trực, bộ đội tập kết từ miền Bắc về làm Đại đội trưởng, đồng chí Đặng Văn Ninh, Bí thư Huyện đoàn Gò Dầu làm Chính trị viên.

Hai năm đầu hoạt động C2311 được Tổng đội giao nhiệm vụ phối thuộc Trung đoàn 3 (đoàn Lộc Ninh), Sư đoàn 9. Đơn vị luôn bám sát phục vụ Trung đoàn 3 chiến đấu qua các chiến dịch mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 trên các chiến trường từ Tây Ninh đến Bình Long, Phước Long. Đến năm 1967, Tổng đội TNXP-GPMN thành lập 3 liên đội 5,7,9, mỗi liên đội trực tiếp phục vụ chiến đấu cho một Sư đoàn chủ lực Miền. Đơn vị C2311 nằm trong đội hình Liên đội 5, phục vụ chiến đấu cho các Trung đoàn thuộc Sư đoàn 5 và Đoàn pháo binh 274 của Miền ở các chiến trường Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hoà. Chuẩn bị chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, C2311 được giao nhiệm vụ phối thuộc Đoàn hậu cần 86, làm nhiệm vụ mở đường, tải vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng từ biên giới Việt Nam – Campuchia về Long Khánh, Biên Hoà cho các Đoàn hậu cần 81, 84 của Miền. Năm 1972, được lệnh của Tổng đội TNXP-GPMN, C2311 cùng Liên đội 5 hành quân về căn cứ ở vùng biên giới giáp Campuchia làm nhiệm vụ học tập, đào tạo cán bộ, để đến đầu năm 1973, sau khi có Hiệp định Paris, lực lượng TNXP chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Đơn vị C2311 được chia làm ba bộ phận: một bộ phận cán bộ, đội viên nam giới chuyển sang thành lập Tiểu đoàn Công an vũ trang 579 (sau này là Bộ đội Biên phòng) tăng cường cho khu miền Đông; một bộ phận được tập huấn, tăng cường về cho Tỉnh đoàn Tây Ninh làm công tác phong trào thanh niên, bộ phận còn lại làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh từ các nhà tù Mỹ nguỵ chiến thắng trở về. Hai năm sau đó, bộ phận này cùng với lực lượng còn lại của Tổng đội TNXP-GPMN xuống đường về tiếp quản Sài Gòn ngày 30.4.1975.

Đại đội TNXP Hoàng Lê Kha Tây Ninh “Lá cờ đầu toàn diện” của Tổng đội TNXP – PGMN

8 năm Đại đội TNXP Hoàng Lê Kha 2311 – Tây Ninh tham gia phục vụ chiến đấu cũng là 8 năm chiến tranh ác liệt nhất, từ khi quân Mỹ trực tiếp đổ vào miền Nam cho đến khi chúng cuốn cờ cút khỏi đất nước ta. Trong chiến tranh, nhiệm vụ chủ yếu của TNXP là tải đạn và tải thương. Qua nhiều năm C2311 đã chuyển hàng ngàn thương binh từ mặt trận về các trạm phẫu thuật dã chiến và từ các trạm này về đơn vị quân y ở hậu cứ một cách an toàn, kịp thời. Có cung đường khiêng cáng thương binh rất xa, từ Bà Rịa, Long Khánh sang tận biên giới giáp Campuchia, đi về hơn chục ngày đường. Nhiều chị em nữ thanh niên xung phong bé nhỏ, mới 16, 17 tuổi khiêng thương binh to, nặng đi trên đường rừng quanh co, đồi dốc, lầy lội vẫn giữ được sự êm ái, nhẹ nhàng để không làm đau thương binh trong nhiều giờ liên tục. Về việc tải đạn, trước mỗi trận đánh đơn vị TNXP phải đi tải đủ cơ số đạn từ các kho hậu cần về cho đơn vị bộ đội tác chiến, cho cả các đơn vị pháo binh, cao xạ. Và trong chiến đấu, đơn vị TNXP là “kho đạn dự trữ lưu động” đưa đến tận chiến hào, vị trí chiến đấu của bộ đội. 8 năm phục vụ,  C2311 đã tải hàng chục ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang, quân dụng cho bộ đội đầy đủ, kịp thời và an toàn tuyệt đối. Năng suất tải đạn của TNXP ngày càng cao. Lúc đầu mỗi đội viên chỉ tải được khoảng 15-20 kg, vài tháng sau nâng lên 35-40 kg, không kể trang bị cá nhân. Khi cần thiết, đột xuất, mỗi người tải 45-50 kg đạn vẫn đi được liên lục nhiều ngày…

Đặc biệt, không chỉ phục vụ bộ đội chiến đấu, trong hoàn cảnh thực tế ở chiến trường, TNXP cũng phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ đơn vị, bảo vệ thương binh. Trong thời gian công tác của đơn vị, C2311 đã trực tiếp đánh hơn 10 trận lớn, nhỏ, diệt trên 30 tên giặc Mỹ nguỵ, thu được cả vũ khí của địch. Có trận đánh, cả một tiểu đoàn giặc càn vào đội hình đóng quân dã chiến của đơn vị và một đơn vị pháo cùng sở chỉ huy tiền phương Quân khu 7. C2311 đã dũng cảm nhiều lần đánh bật kẻ địch ra khỏi đội hình, diệt hàng chục tên địch, vừa bảo vệ đơn vị và đạn dược, vừa hỗ trợ đắc lực cho đơn vị bộ đội đánh thắng quân địch. Cũng chính từ các trận đánh ác liệt này, đơn vị có 2 tấm gương hy sinh rất dũng cảm là anh Trịnh Duy Hoàng và chị Võ Thị Rậm, đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30.4 năm 2010 vừa qua.

Quá trình tham gia kháng chiến, Đại đội TNXP Hoàng Lê Kha 2311 - Tây Ninh thực sự là nơi rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của thanh niên. Đơn vị hết sức bận rộn phục vụ chiến đấu vẫn tổ chức được hoạt động bổ túc văn hoá, bồi dưỡng chính trị cho đội viên. Nhiều anh chị em khi mới thoát ly còn chưa biết chữ, vào đơn vị đã được học đến bậc tiểu học. Ban đầu toàn đơn vị chưa đến 10% quân số là đảng viên, đến khi kết thúc nhiệm vụ đã có tới 70% là đảng viên.

Trong chiến tranh ác liệt, cán bộ, đội viên TNXP C2311 vẫn tổ chức học tập văn hoá

Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đơn vị C2311 đã được cấp trên tặng thưởng 34 Huân chương, 41 Huy chương các loại cùng khoảng 1.000 bằng khen, giấy khen.

Đến nay sau gần 36 năm hoà bình, Đại đội TNXP Hoàng Lê Kha - C2311 Tây Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Theo ông Lê Anh Tòng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh, một trong những cán bộ chỉ huy C2311, hiện nay Hội đã thống kê, liên lạc được với khoảng 90 cán bộ, đội viên của đơn vị đang sống trong và ngoài tỉnh Tây Ninh. Sắp tới khi tỉnh tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng, Hội sẽ tạo mọi điều kiện để các đồng đội cũ của C2311 hội tụ, gặp gỡ nhau, cùng chia sẻ niềm vinh dự, tự hào của đơn vị.

N.T.H

 

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan