Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024):
Dân chủ và pháp chế
Chủ nhật: 20:16 ngày 04/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giải quyết tốt quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế sẽ tạo dựng, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững...

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các đại biểu tham quan phòng truyền thống của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là một mối quan hệ lớn được bổ sung trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Giải quyết tốt quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế sẽ tạo dựng, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Giải quyết các mối quan hệ lớn

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt 8 mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, gồm:

(1) Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; (2) Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) Quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; (5) Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; (6) Quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; (7) Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (8) Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Tại Đại hội XII, Đảng bổ sung mối quan hệ thứ 9: “Quan hệ giữa Nhà nước và thị trường”. Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, “mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường” được bổ sung thêm yếu tố “xã hội” và hoàn thiện thành “mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”. Báo cáo chính trị Đại hội XIII bổ sung quan hệ lớn thứ 10: quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, dân chủ và chuyên chính có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, dân chủ là mục tiêu còn chuyên chính là công cụ bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. C.Mác khẳng định, giai cấp vô sản sau khi giành được cách mạng cần “tạo ra một chế độ dân chủ và nhờ đó trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền thống trị chính trị của giai cấp vô sản”. Điểm khác biệt căn bản giữa chế độ dân chủ với chế độ chuyên chế là “dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì pháp luật, mà luật pháp tồn tại vì con người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định dân chủ thống nhất hữu cơ với chuyên chính: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên cửa phải có khoá. Thế dân chủ cũng phải có chuyên chính để giữ lấy dân chủ”. Người cũng chỉ rõ: “Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự, vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân”. Nhân dân là chủ, có quyền làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, phải tuân theo pháp luật.

Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa dân chủ với kỷ cương, pháp luật ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, bất cập.

Ở nhiều nơi, trong nhiều công việc của xã hội có tình trạng vừa thiếu dân chủ vừa thiếu kỷ luật, kỷ cương. Tình trạng dân chủ quá trớn, cực đoan, tự do tuỳ tiện, coi thường kỷ cương, pháp luật, vi phạm các thể chế, quy định dân chủ và quyền tự do dân chủ của người khác còn diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng.

Nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương, pháp chế thể hiện lần đầu tiên trong Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Cương lĩnh nêu: “Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”; “dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hoá bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm.

Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”. Đại hội IX (2001), Đảng xác định “phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”, Cương lĩnh năm 2011 tiếp tục khẳng định: “dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.

Cương lĩnh chỉ rõ “Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Đại hội XII (2016), Đảng nêu quan điểm “phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”.

Dân là gốc

Tại Đại hội XIII, Đảng bổ sung một mối quan hệ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tình hình hiện nay. Đó là, mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, khăng khít “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Quan điểm của Đảng về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong văn kiện Đại hội XIII được thể hiện như sau:

Trước hết, khẳng định dân chủ chính là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu và động lực để phát triển đất nước. “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp theo, Văn kiện Đại hội XIII xác định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chính là nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ.

“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ ba, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Trên cơ sở đó, “xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”.

Thứ tư, thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Tăng cường pháp chế có thể được hiểu gồm 2 nội dung: xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, chính xác, toàn diện, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội và tăng cường ý thức chấp hành pháp luật một cách nghiêm minh của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức đều phải thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Trật tự kỷ cương xã hội là những giá trị tinh thần có tính liên kết, tích hợp và tương tác để bảo đảm một quốc gia vận động không ngừng, bảo đảm cho nhân cách con người phát triển.

Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.

Thực hành dân chủ được mở rộng và phát huy làm cho pháp chế được tăng cường và kỷ cương trong xã hội được tôn trọng. Ngược lại, thực hành dân chủ hình thức hoặc quá trớn hay độc đoán, chuyên quyền khiến kỷ cương xã hội rối loạn.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục