Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Quy định pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ do đó đại lý làm thủ tục hải quan bị hạn chế về năng lực hoạt động khi không thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng về việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.Linh
Đây là vấn đề đang được Bộ Tài chính đề nghị các Bộ có ý kiến thống nhất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan và dịch vụ logistics.
Theo Bộ Tài chính, các quy định pháp luật về hải quan đã xác định đại lý làm thủ tục hải quan được thay mặt chủ hàng thực hiện thủ tục hải quan với cơ quan Hải quan và các thủ tục có liên quan với các cơ quan có thẩm quyền khác để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, đại lý làm thủ tục hải quan có quyền thay mặt chủ hàng trực tiếp thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hợp đồng đại lý thỏa thuận, ký kết với chủ hàng.
Tuy nhiên, tại các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành như: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Nghị định 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 27/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ mới chỉ quy định “người nhập khẩu/xuất khẩu”, “chủ vật thể” trực tiếp thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Pháp luật quản lý chuyên ngành không quy định đại lý làm thủ tục hải quan hoặc người được ủy quyền thay mặt người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chủ vật thể làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Rõ ràng, quyền đại diện, thay mặt chủ hàng của đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành giữa các văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự thống nhất và đồng bộ trong các văn bản pháp luật.
Qua nắm tình hình, Bộ Tài chính cũng nhận thấy các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa chấp nhận việc đại lý làm thủ tục hải quan thay mặt chủ hàng thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó các đại lý làm thủ tục hải quan cũng bị hạn chế về năng lực hoạt động khi không thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng về việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Tài chính đề nghị các bộ có ý kiến với đề xuất: Các bộ cần có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc hoặc được bộ ủy quyền thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chấp nhận đại lý làm thủ tục hải quan được thay mặt chủ hàng thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng đại lý. Cụ thể, chấp nhận chữ ký số, văn bản điện tử đối với trường hợp thực hiện thủ tục bằng phương thức điện tử và chấp nhận chữ ký, con dấu đối với trường hợp thực hiện thủ tục bằng phương thức thủ công, trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, các bộ rà soát quy định về thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể về người thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: Chủ hàng, đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan được chủ hàng ủy quyền thông quan qua hợp đồng đại lý.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc của đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì về công tác kiểm tra chuyên ngành tại TP.HCM (ngày 18-8), nhiều DN đã nêu ý kiến: Hiện tại các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa chấp nhận việc đại lý làm thủ tục hải quan thay mặt chủ hàng thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Tài chính có văn bản trao đổi ý kiến với các bộ để xác định tinh pháp lý của đại lý làm thủ tục hải quan khi thay mặt chủ hàng thực hiện các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn baohaiquan