Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đi bộ qua sông Vàm Cỏ Đông
Thứ năm: 23:05 ngày 24/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông nói lạ! Sông Vàm Cỏ Đông quê ta rộng vài trăm mét. Độ sâu như ở cầu Bến Đình cũng hơn 20 mét. Vậy cách gì mà ông đi bộ qua sông? Bạn tôi đã sửng sốt mà nói vậy, khi tôi vừa khoe về chuyến đi bộ sang sông.

- Thưa anh, tôi đã mơ ước về chuyến đi này từ hơn một năm về trước, khi công trình cầu vượt của dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông vừa được khởi công. Ngày ấy, giữa ngổn ngang cọc thép, cọc bê tông xếp bên bờ phía ấp Trường, Hảo Đước; tôi đã hỏi một anh kỹ sư công trình.

Anh bảo:- Rồi sẽ có ngày bác được thong dong bước ngang qua sông trên chính cây cầu vượt này. Bởi nhiệm vụ chính của nó là đỡ các đường ống nước, nhưng cũng có 2 con đường phụ 2 bên để cho công nhân bảo dưỡng và người dân hai bên có thể đi qua.

Và hôm nay, một ngày tháng Giêng năm Nhâm Dần sương mờ còn lãng đãng giăng trên các cánh đồng và mặt sông, thì tôi đã có thể ung dung bước trên mặt sàn xi măng của lối đi rộng chừng mét rưỡi. Ngay bên phải tôi, lúc này đây là hai ống thép lớn nằm đường bệ ở chính giữa cầu.

Ống thép, đường kính 2.400mm có màu ghi xám, được đánh đai bởi những vòng thép sơn màu xanh dương tươi sáng. Chính cái ống thép này đây, một hôm đi qua ấp Hoà Bình, xã Hoà Hội, tôi đã thấy một chú bò đang bỡ ngỡ ngắm nhìn.

Mà chẳng riêng bò đâu! Những người dân cũng ngạc nhiên, khi thấy những ống thép khổng lồ của nền đại công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện ở quê mình, một vùng quê lúa. Bây giờ họ đã không còn lạ nữa. Bởi từng đoạn ấy đã kết lại thành đường ống đôi, nhìn từ xa đẹp như một sợi dây chuyền nằm trên vồng ngực đầy đặn thanh tân của cánh đồng lúa Đông Xuân. Đường ống thép dài 2.361 mét, thì ở bên phía Hoà Hội khoảng 2.000 mét. Cả hai bên sông lúc này đang xanh mơ màu lúa thì con gái. Hương đồng ngan ngát khắp mọi nơi mà tôi mới vừa qua.

Đi tới đoạn giữa cầu thì gặp hai anh công nhân đang giặm vá những đoạn vữa xi măng còn chưa láng mượt. Nơi này, nhịp giữa cầu còn được “trang điểm” bằng một khung sắt nhô cao màu tươi đỏ.

Anh công nhân bảo, nhịp giữa này rộng 36 mét. Các nhịp còn lại chỉ 15 mét. Tôi cúi xuống và đếm. Bên phía Hoà Hội có 7 nhịp cầu, trong đó 4 nhịp dầm chân trong nước. Tính sơ cầu dài 246 mét, trong đó phần vượt sông là 156 mét. Vậy mà tôi chỉ cần khoảng 5 phút để bước bộ qua sông. Vài anh thợ điện còn vừa đi qua bằng xe máy.

Sang đến bờ Hoà Hội, tôi men theo bờ sông về phía hạ nguồn. Thì từ đấy ngước lên mới thấy cây cầu thật đẹp. Đẹp từ những bệ móng nổi trên mặt nước cao khoảng 1 mét, bê tông đúc vuông vắn, nuột nà sáng mịn. Mỗi bệ móng nâng đỡ 3 trụ cột tròn vừa thanh thoát vừa vững chãi.

Cho đến những dầm, đà kết lại thành mặt cầu đỡ những đường ống thép trườn qua. Đặc biệt nhất là nhịp giữa với khung thép đỏ màu cờ, chia 5 bước với mỗi bước như một cánh của ngôi sao 5 cánh đỏ.

Tất cả in bóng xuống mặt sông, như thể một cô con gái nhà ai, đang yểu điệu nghiêng người xuống để soi gương. Lúc này cũng là khi sương mù đã bớt, để lộ ra những khoảng trời còn lơ mơ màu xanh nhạt, với những đám mây bông phảng phất màu hồng. Như là mây cũng vừa được phản chiếu màu của khung thép đỏ, đang nổi bật một mình lặng lẽ giữa dòng sông. 

Tôi bỗng thấy cây cầu đưa ống nước qua sông đẹp lạ đẹp lùng. Giờ đây có thể đã trở nên cây cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông đẹp nhất trên đất Tây Ninh, dù nó chưa chính thức được gọi là một cây cầu như những cây cầu khác.

Báo, Đài Tây Ninh vẫn gọi cây cầu An Phước (Lái Mai) là cây cầu mới nhất (hợp long trước Tết Nhâm Dần- 2022). Đấy là cây cầu thứ 7 qua sông Vàm Cỏ Đông trên đất Tây Ninh. Ai mà ngờ được, cây cầu thứ 8 với nhiệm vụ chính là “chở nước qua sông” này lại là cây cầu đẹp nhất.

Có thể chưa so được với “cầu Vàng” chon von trên mây trắng Bà Nà, nhưng hoàn toàn có thể sánh với các cây cầu đẹp ở các đô thị lớn. Như cầu Rồng- Đà Nẵng, hay cầu Khánh Hội trong một đại công viên ở TP. Hồ Chí Minh, mà trai gái thành phố thường đưa nhau về chụp ảnh.

Với tôi, người vừa đi bộ qua sông trên cây cầu diễm lệ này, thì quả thật “nàng” là cô con gái “thứ chín” của dòng sông- theo cách gọi quen thân của người Nam bộ. Đẹp như thế, ắt là người thuộc về “phái đẹp”. Và tôi tin, khi dịch giã tan đi, trai thanh gái lịch từ muôn nơi sẽ phải tìm về. Để được đứng chung với “nàng” trong một "pô" hình kỷ niệm. Bạn có tin là như thế hay không?

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục