Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Di Hữu Xã của làng xưa Ninh Thạnh (Tiếp theo và hết)
Thứ tư: 10:28 ngày 26/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước khi trở lại với các vật xưa của làng Ninh Thạnh, xin điểm lại đôi nét về địa danh Ninh Thạnh.

Ban thờ thần đình Thái Vĩnh Đông.

Sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (NXB Chính trị quốc gia, 2008) cho biết, lúc đầu Ninh Thạnh là: “thôn thuộc tổng Hoà Ninh, h. Tân Ninh, p. Tây Ninh, t. Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 19… Ðến Pháp thuộc, vẫn thuộc tổng cũ trong hạt thanh tra Tây Ninh. Từ 1.1879 gọi là làng. Ðến tháng 3.1891 thì được sáp nhập thêm thôn Vĩnh Xuân vừa giải thể”. Do cái tên chùa Vĩnh Xuân còn lại mà ta biết ngôi Di Hữu Xã ở kề bên nằm trên phần đất thuộc thôn Vĩnh Xuân từ trước năm 1891, nay là khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh.

Trở lại với các di vật xưa, xin nói tiếp về bản “Tiểu sử Ðức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh” được lưu giữ trong hộp sắc phong thần, vua Bảo Ðại phong cho làng Ninh Thạnh. Cuối bản Tiểu sử có ghi là: “Mùa xuân Quý- Sửu (1973)/ Ban cúng tế miếu Quan lớn Trà Vong/ ấp Thái Vĩnh Ðông/ xã Thái Hiệp Thạnh/ Tây Ninh”. Cuối cùng là dấu mộc son vẫn còn tươi rói.

Về nguồn gốc của bản Tiểu sử này, cũng được ghi rõ: “Tài liệu trên đây của ông Phan Thành Lợi là cháu ông Phan- Văn- Trị (thường gọi là ông Cử Trị) cùng ông Quốc Biểu thuật lại ở am ông Nhứt- Thiện trên đỉnh núi Bà Ðen trong đêm trung thu năm 1927”. Phan Văn Trị (1830- 1910) là danh nhân văn hoá miền Nam, nổi tiếng là kẻ sĩ thanh bạch có lòng yêu nước thương dân.

Ông đậu cử nhân khoa Kỷ Dậu (1849) dưới triều vua Tự Ðức, nhưng không làm quan mà về ở ẩn và dạy học, có thời gian dạy ở tổng Bình Cách, Tân An (nay là Long An) (sách Danh nhân Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, 1988). Do vậy, câu chuyện ông kể về Huỳnh Công Giản- quê gốc ở làng Nhật Tảo- thuộc Long An là rất đáng tin cậy.

Chuyện rằng: “Ðức Quan lớn Trà Vong sinh trong một gia đình nông nghiệp, thân sinh Ngài là đức ông Huỳnh Công Cẩn, quê ở Nhật Tảo (Tân An)/ Tên thật của ngài là Huỳnh Công Giản sinh năm Nhâm Dần, tức là năm 1722 và tử tiết vào tháng 2 Nhâm Dần năm 1782/ Ngài có một người em trai là đức ông Huỳnh Công Nghệ.

Thuở nhỏ hai anh em đi học chữ nho, đến năm 17 tuổi trong một đêm trăng sáng vào mùa xuân, tại nhà thầy sau khi được thầy giảng dạy về đạo đức luân lý, nho giáo, Ngài liền ứng khẩu một bài thơ, vì thất lạc chỉ còn truyền lại mấy câu sau đây: “Chí làm trai- Sanh làm tướng- Chết làm thần/ Cuộc đời thành bại do ở trời”. Từ đó về sau, Ngài không học chữ nữa và tìm thầy học võ. Ðến năm 27 tuổi thấy tỉnh Tây Ninh còn rừng núi âm u, Ngài bàn tính với em đến mở mang quy dân lập ấp…”.

Chú ý rằng năm 27 tuổi, Huỳnh Công Giản mới đến Tây Ninh quy dân lập ấp. Tính ra đó là năm 1749. Ðến nay là vừa đúng 270 năm. Vậy thì người dân đã tìm đến khai phá mở mang miền đất này đã gần 100 năm trước khi triều Nguyễn đến thiết lập các đơn vị hành chính. Như: “mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), sau khi khôi phục được đất Gia Ðịnh, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chánh và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay…” (Nguyễn Ðình Tư- Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa Nay số 96- 2001). Sự kiện này muộn sau Huỳnh Công Giản là 30 năm.

Và: “Mùa thu năm 1836, đặt phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Ðịnh” (Nguyễn Ðình Ðầu- Tổ chức Hành chính tỉnh Tây Ninh 1836-1970- cùng tạp chí đã kể trên). Cũng là 87 năm sau những bước chân nông dân đi mở mang miền đất mới.

Bản tiểu sử kể tiếp, rằng khi anh lập thành luỹ ở Trà Vong, thì em- Huỳnh Công Nghệ lại xây đồn đắp luỹ ở vùng Sóc Om bên sông Vịnh, nay thuộc về xã Hảo Ðước. Người phía Ðông, kẻ phía Tây tạo nên thế “ỷ giốc” sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Trận đánh tháng 2.1782 thì nhiều sách báo đã viết, nhưng còn một chi tiết nữa của bản tiểu sử này chưa được nhắc tới. Ðó là Huỳnh Công Nghệ: “Sau khi kéo viện binh đến, đánh tan quân giặc, ông bèn tử tiết theo anh…”.

Người đã mất nhưng hồn thiêng không mất. Dân trong vùng, qua những câu chuyện linh ứng của ngài như nhập đồng, báo mộng, vật chết những tên giặc cướp hoặc gian phi, bất chính… đã luôn tin tưởng Quan lớn Trà Vong như: “một vị thần hộ mạng có uy lực vô hình”. Vậy nên chỉ: “3 tháng sau dân chúng lập miếu thờ Ngài và tôn thần từ đó”. Dĩ nhiên, đến nay đã không thể biết ngôi thờ tự đầu tiên là ở đâu, trong hơn chục ngôi miếu, đền thờ ở các huyện Tân Biên, Châu Thành và TP. Tây Ninh. Em Huỳnh Công Nghệ cũng được người dân lập miếu thờ tại Gò Duối, xã Long Thành Nam và bên bờ rạch Bảo, huyện Bến Cầu.

Rốt cuộc lại thì vô tình mà hộp sắc phong thần cho ông Ðỗ Hữu Vị đã góp công lưu giữ tài liệu quan trọng này. Bây giờ là lúc xem xét kỹ hơn ông Ðỗ Hữu Vị là ai?

Sách Ðất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa của tác giả Lê Nguyễn (NXB Văn học, 2017) dành cả một mục 4, chương IV viết về ông, với tiêu đề:- Ðỗ Hữu Vị người Việt Nam biết lái máy bay đầu tiên. Theo đó, ông là: “Con trai của Tổng đốc Ðỗ Hữu Phương, người từng là một trong hai “công thần” bậc nhất của thực dân Pháp tại miền Nam”.

Ông sinh vào tháng 2 năm 1883 tại Chợ Lớn, được gia đình cho sang Pháp du học từ khá sớm. Năm 1904, Ðỗ Hữu Vị được thu nhận vào trường Saint- Cyr, một trường võ bị bậc nhất của Pháp… Ðến tháng 12.1910, ông gia nhập vào không quân. Học giả Phạm Quỳnh từng có bài viết về ông trên tạp chí Indochine, cho rằng: Ông Vị là một trong những phi công quân sự đầu tiên của nước Pháp và chắc chắn là phi công đầu tiên của toàn vùng Viễn Ðông. Ông từng lập nhiều thành tích với nước Pháp trong không quân và đặc biệt là trong thế chiến 2 chống Ðức. Ông bị trúng đạn tử thương vào ngày 9.7.1916, khi chỉ huy một đại đội bộ binh quân Pháp…

Câu chuyện sắc phong cho ông Ðỗ Hữu Vị về làm thành hoàng Ninh Thạnh cũng gặp nhiều phản ứng của người dân. Vào năm 1968, ông Vương Văn Phú, Hội trưởng Hội cúng tế đình- miễu Ninh Thạnh có bản viết tay, giải trình rằng: “Hội đồng hương chánh xã Ninh Thạnh do ông Nguyễn Văn Tánh làm Hương cả thỉnh sắc ông Ðỗ Hữu Vị về làm thần” thay thế ông thần cũ. Từ đó đến sau, trong làng lộn xộn, dân chúng không yên…

Có lẽ là tại linh thần Ðỗ Hữu Vị không hạp với đất nước, nên tôi thương lượng với UBHC xã Ninh Thạnh và theo lời yêu cầu của dân chúng địa phương, nên ngày 16.3 âl năm Ðinh Mùi (25.4.1967), nhân dịp lễ khánh thành đình mới, ông Phú rước sắc “thần hoàng bổn cảnh” cũ về an toạ nơi ngôi cũ tại đình… Kể từ ngày rước sắc thần cũ về đến nay dân chúng làm ăn phát đạt - xóm thêm đông dân và bình an vô sự”.

Vậy là hộp sắc phong ấy phải nương nhờ nơi miếu thờ Quan lớn Trà Vong- chính là ngôi Di Hữu Xã của làng xưa Ninh Thạnh. Ðộ khoảng trên 10 năm trở lại đây, ngôi này lại trở thành đình Thái Vĩnh Ðông, thờ ông thần “tân trào” như đã kể trên.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục