BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH đơn vị Tây Ninh lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Tố cáo 

Cập nhật ngày: 24/03/2018 - 12:00

BTNO - Sáng 23.3, đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý Luật Tố cáo (sửa đổi). Ông Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương cho biết, Luật Tố cáo (sửa đổi) có 9 chương, 68 điều. Để Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) được hoàn chỉnh, việc lấy ý kiến của các đơn vị liên quan là rất cần thiết, giúp cho luật này được hoàn thiện hơn.

Việc chỉnh lý, sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.

Nhiều đại biểu cho rằng, để tiếp nhận được thông tin tố cáo đa chiều, không nên giới hạn hình thức thể hiện của tố cáo là trực tiếp bằng văn bản hay bằng lời nói. Luật cũng nên quy định thêm việc tiếp nhận thông tin tố cáo trên các trang mạng xã hội khi có đầy đủ các chứng cứ xác thực.

Đối với các thông tin tố cáo lạc danh, cơ quan chức năng cũng nên tiếp nhận và xác minh, điều tra làm rõ khi tin tố cáo lạc danh có đủ chứng cứ, cơ sở.

Về thời hiệu tố cáo, việc quy định thời gian như hiện nay rất ngắn, đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp. Vì vậy, đại biểu đề nghị Luật cần tăng thêm thời hiệu tố cáo để việc xác minh, điều tra được đảm bảo chính xác, ngăn ngừa nguy cơ bỏ sót, lọt hành vi vi phạm.

Tại điều 48 quy định về bảo vệ người tố cáo, phạm vi bảo vệ chưa đủ, vì theo như dự thảo Luật, mới chỉ “bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo khi có căn cứ về vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe của những người này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc, hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi công tác, nơi làm việc. Cần quy định thêm việc bảo vệ an toàn đối với cháu nội, cháu ngoại của người tố cáo, bởi cháu nội, cháu ngoại cũng là một trong những người thân rất quan trọng của người tố cáo, nên cần phải được bảo vệ.

Đại biểu cũng cho rằng, tại khoản 4, Điều 34 của dự thảo Luật quy định: “Thời hạn tạm đình chỉ giải quyết tố cáo là 60 ngày làm việc. Khi căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này không còn, việc tố cáo được tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật” là mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, vì trên thực tế có nhiều trường hợp tuy đã hết 60 ngày, nhưng căn cứ tạm đình chỉ vẫn còn.

Tại điều 50 quy định về Cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo vẫn còn chung chung, Luật chưa nêu rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính, cơ quan phối hợp trong việc bảo vệ người tố cáo, do đó sẽ khó khăn khi triển khai các biện pháp bảo vệ. Luật nên xem xét và bổ sung cụ thể từng cấp độ an toàn, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bảo vệ, thời gian bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin tố cáo.

Luật cũng cần có quy định chế tài cụ thể đối với người tố cáo không có cơ sở nhằm làm nhục, hạ uy tín người khác để đảm bảo thông tin tố cáo chính xác.

Ông Huỳnh Thanh Phương ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu. Văn phòng đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Hoa Lư