BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIII:  Cần công khai minh bạch việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 09/06/2012 - 05:48

Ngày 7.6.2012, Quốc hội làm việc ở hội trường để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh có ý kiến về một số vấn đề như sau:

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại kỳ họp Quốc hội

Về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đại biểu Tâm đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế trình và cho rằng việc trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, những kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 là rất quan trọng, là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, vẫn có một số chỉ tiêu chủ yếu không đạt, trong đó đáng chú ý có 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng thực hiện thấp so với kế hoạch, chưa tạo đà cho 4 năm còn lại của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; cùng với chỉ tiêu tạo việc làm mới thấp hơn mức kế hoạch, số liệu về lượng hàng tồn kho và số doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng lên cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho năm 2012; nhất là quá trình tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đang trong giai đoạn chuẩn bị, nền kinh tế nước ta chưa tạo được bước đột phá về công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để tăng năng suất, hiệu quả đầu tư; nguồn vốn huy động cho sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng trong điều kiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề xuất ý kiến: Cần khẳng định lựa chọn mục tiêu điều hành trong thời gian sắp tới là phải kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát. Như thế thì Chính phủ cần điều hành theo hướng linh hoạt hơn trong chính sách tài khoá tiền tệ để vừa đảm bảo được mục tiêu ổn định lạm phát, tránh nguy cơ nóng vội, cực đoan để nới lỏng quá mức và gây ra tình trạng lạm phát quay trở lại.

Trong tổ chức thực hiện điều hành các chính sách, đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ cần phải có phân tích, thu thập thông tin và đánh giá sâu sắc hơn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là tình hình các doanh nghiệp bị phá sản ngừng hoạt động; cùng với những tác động của tình hình đó đối với việc làm thu nhập của người lao động trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích đó, Chính phủ có biện pháp hỗ trợ theo nhóm đối tượng, cụ thể chỉ hỗ trợ cho các nhóm doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng do sự tác động của các chính sách tài khoá tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua thì mới tập trung vào hỗ trợ. Còn đối với những doanh nghiệp yếu kém thực sự thì phải có hướng giải quyết để đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu kinh tế.

Trong thu thập thông tin về tình hình doanh nghiệp, ĐB Tâm đề nghị: “Chính phủ cần hết sức lưu ý về chất lượng thông tin, bởi vì hiện nay hệ thống thu thập thông tin của chúng ta cũng còn nhiều vấn đề bất cập, thông tin giữa các bộ, ngành và các cơ quan thông tin thường là không chính xác, không thống nhất với nhau. Chẳng hạn như chúng ta thấy số liệu lao động hiện nay mỗi nguồn thông tin cung cấp một số liệu thông tin khác nhau, cụ thể là giữa ngành Lao động, với ngành Thống kê và giữa các cơ quan thực hiện chính sách xã hội. Tương tự như vậy, tình hình doanh nghiệp cũng có tình trạng như thống kê số liệu báo cáo do đó chất lượng thông tin sẽ ảnh hưởng tới việc chúng ta quyết định và thực thi chính sách”.

Khi thực hiện các chính sách về tiền tệ, đại biểu đề nghị “Chính phủ phải hết sức lưu ý trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ cho lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán. Bởi vì trong thời gian trước đây chúng ta thấy khi nới lỏng các chính sách tiền tệ thì lĩnh vực bất động sản và chứng khoán phát triển rất nóng và gây nên tình trạng “bong bóng”. Đến thời điểm này thì hậu quả đối với nền kinh tế của chúng ta đã thấy rất rõ ràng, và mục tiêu mà chúng ta mong muốn tạo ra được nhiều nhà ở, công ăn việc làm cũng như thu hút đầu tư từ thị trường chứng khoán cho doanh nghiệp. Các mục tiêu cơ bản này không được thực hiện mà chỉ là một cơ hội để trục lợi đầu cơ cho một số đối tượng mà thôi”.

Đối với vấn đề nới lỏng chính sách chi tiêu của ngân sách trong thời gian tới, ĐB Tâm đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện việc tăng cường chi tiêu từ đầu tư công của ngân sách Nhà nước là phải bám sát mục tiêu, những nhiệm vụ về phân bổ ngân sách Nhà nước trong đầu tư công mà Quốc hội đã giao trong thời gian trước đây, trong đó chú ý đến việc phải xác định rõ tiêu chí, cơ sở để triển khai thực hiện, tránh tình trạng nới lỏng quá mức và đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của quyết định đầu tư trong đảm bảo cân đối nguồn lực tránh tình trạng thất thoát, tham nhũng lãng phí như đã xảy ra.

Đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho rằng cần phải thông tin công khai minh bạch. Đặc biệt, trong quá trình triển khai về thủ tục, về đối tượng, Chính phủ phải công khai rõ ràng để cho các đối tượng thụ hưởng biết, đồng thời tham gia giám sát quá trình thực hiện, tránh tình trạng chạy chọt, xin cho cũng như tác động của các nhóm lợi ích để hưởng lợi từ các chính sách này…

DUY QUANG

(Lược ghi)