Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương: Chương trình xây dựng nông thôn mới có thể xem là một cuộc cách mạng trong việc xây dựng nông thôn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc.
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương |
Thảo luận tại hội trường kỳ họp 2 - Quốc hội khoá XIII về tình hình KT-XH năm 2011, kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012 và 5 năm 2011-2015, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng: Để có bài toán hợp lý cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn tới, mà cụ thể là mục tiêu trước mắt cho năm 2012, cần đánh giá chính xác lại thực trạng kinh tế của nước ta hiện nay.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương phát biểu: “Chúng ta tuy có tiềm năng rất lớn về đầu tư. Thế nhưng, chúng ta đang phải vật lộn với một loạt rào cản đầu tư cố hữu đồng thời còn có nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, tức là tình trạng bất lực, không thoát khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp. Trong thời gian qua, chúng ta đã chú ý quá nhiều đến sự gia tăng của đầu tư hơn là các vấn đề như chất lượng, hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh. Qua đó cho thấy chúng ta đã phải đánh đổi mục tiêu tăng trưởng bằng lạm phát và một đồng tiền yếu. Do môi trường kinh tế vĩ mô đã trở nên kém ổn định. Vì vậy, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cũng như khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong nước cũng bị hạn chế. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng vốn đầu tư nước ngoài…
Về chương trình xây dựng nông thôn mới: Đây có thể xem là một cuộc cách mạng trong việc xây dựng nông thôn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc. Vì vậy tôi kiến nghị Chính phủ hỗ trợ mạnh hơn nữa và có sự chỉ đạo thường xuyên đối với bộ ngành, các cấp xử lý những tồn tại bất cập đó là: Sự đồng thuận từ trên xuống dưới chưa nhịp nhàng. Công tác tuyên truyền đã có một bước tiến nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Còn lúng túng trong việc xác định cái gì dân làm, cái gì doanh nghiệp hỗ trợ, cái gì Nhà nước hỗ trợ, cái gì đoàn thể quần chúng cùng chung tay làm. Cần điều chỉnh các tiêu chí sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, cũng như bản sắc tập quán văn hoá của từng địa phương, thực tế có những tiêu chí thì đạt được nhưng cũng có những tiêu chí cần phải có thời gian như tiêu chí thu nhập của dân, tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động... Năm nay làm thì sang năm mới có thu nhập, thậm chí vài ba năm sau mới có, hay tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động là vấn đề khó không thể làm ngay là được liền.
Bên cạnh đó nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội ở nông thôn thường được thực hiện theo các phong trào, chương trình, dự án riêng lẻ như phong trào “điện - đường - trường - trạm”, “giao thông nông thôn”, “kiên cố hoá kênh mương”... Đồng thời, các địa phương chưa thực hiện được quy hoạch tổng thể mà thường các bộ, ngành có hướng dẫn quy hoạch riêng. Các quy hoạch chuyên ngành thường được tiến hành riêng rẽ với chu kỳ khác nhau, nguồn vốn khác nhau, trình tự và hướng dẫn chuyên môn khác nhau. Vì vậy, các quy hoạch đó thường có nhiều bất cập, không tương ứng với quy hoạch chung…
Duy Quang