BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai

Cập nhật ngày: 15/03/2012 - 07:01

Sáng 15.3.2012, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Trưởng đoàn ĐBQH Lê Minh Trọng làm Trưởng đoàn giám sát, tham gia đoàn giám sát có ông Nguyễn Văn Bênh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh…

Tại Tân Châu, từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực đến năm 2011, UBND huyện đã ban hành 5.065 quyết định hành chính trong quản lý đất đai. Trong đó, số quyết định bị khiếu nại là 87. Nội dung khiếu nại chủ yếu là khiếu nại đối với các quyết định thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ (khiếu nại về nghĩa vụ tài chính) và chuyển mục đích sử dụng đất. Huyện đã ban hành 635 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, số quyết định bị khiếu nại là 76. Chủ yếu là khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp sử dụng đất sai mục đích theo Quyết định 875 của UBND tỉnh. Ngoài ra còn có một số trường hợp lấn chiếm đất, bị xử lý và khiếu nại.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc ở Tân  Châu

Về giải quyết tranh chấp đất đai, UBND huyện đã ban hành 163 quyết định. Trong đó, số quyết định bị khiếu nại là 43. Nguyên nhân chủ yếu là do pháp luật quy định quyền tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra toà án của người được giải quyết khiếu nại lần đầu là khá thoáng, người dân cố tình khiếu nại mặc dù chẳng có tình tiết gì mới hoặc có thể là vô căn cứ.

Tại Hoà Thành, từ ngày 1.7.2004 đến ngày 31.12.2011, Hoà Thành tiếp nhận xử lý, giải quyết 3.880 đơn thư các loại, có 633 đơn về đất đai, bao gồm: 76 vụ tranh chấp, 152 vụ khiếu nại và 2 vụ tố cáo, trong đó có 7 vụ khiếu nại quy hoạch, bồi thường, giải toả (1 vụ khiếu nại đông người tại đường 797 thị trấn Hoà Thành), 3 vụ khiếu nại đòi đất Nhà nước quản lý sau năm 1975; 144 về cấp giấy CNQSDĐ và các nội dung khác liên quan về đất. Đã có 74/5.071 quyết định hành chính về quản lý đất đai bị khiếu nại, được UBND huyện thụ lý giải quyết bằng quyết định giải quyết khiếu nại. Hầu hết nội dung tranh chấp là việc tranh giành, lấn chiếm đất chưa có giấy CNQSDĐ. Nội dung khiếu nại chủ yếu là khiếu nại các quyết định hành chính về quản lý đất đai, cấp giấy CNQSDĐ sai chủ, sai tên, sai tứ cận, sai diện tích, và quy hoạch giải toả đất phổ biến; có 2 vụ tố cáo chủ yếu về việc làm trái pháp luật của cán bộ thực thi pháp luật về đất đai, làm thiệt hại quyền lợi người dân.

Đối với huyện Gò Dầu, từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực đến nay, toàn huyện phát sinh 123 trường hợp khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; trong đó có 121 đơn khiếu nại và 2 đơn tố cáo. Nội dung chủ yếu là khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; khiếu nại về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật...

Nhìn chung, các quy định của pháp luật về giải quyết KNTC của công dân liên quan đến các quyết định hành chính về đất đai được các huyện triển khai, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc; các quyết định hành chính về đất đai do UBND các huyện ban hành cơ bản là đảm bảo đúng trình tự pháp luật, đúng thẩm quyền và có căn cứ pháp lý. Việc đùn đẩy trách nhiệm giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đã giảm. Kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương…

Tuy nhiên, qua giám sát vẫn còn nhiều trường hợp giải quyết khiếu nại chưa bảo đảm thời gian quy định do năng lực chuyên môn của một ít cán bộ ở các cơ quan tham mưu còn hạn chế, có sai sót trong việc kiểm tra, và thu thập thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác; vẫn còn tình trạng một số vụ việc giải quyết khiếu nại lần đầu chưa bảo đảm về trình tự thủ tục; các biện pháp chế tài để triển khai thực hiện các kết luận, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chưa đủ mạnh, làm cho kết luận, quyết định giải quyết chưa được thực hiện nghiêm; công tác hoà giải ở cấp cơ sở mặc dù được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, chưa kiểm tra thực hiện sau hoà giải; việc quản lý mục đích sử dụng đất chưa chặt chẽ; Việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật nói chung, luật khiếu nại, tố cáo nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cộng đồng dân cư chưa thường xuyên; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật chưa thống nhất về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của toà án và cơ quan hành chính còn chưa rõ ràng làm cho các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết...

Trưởng đoàn ĐBQH, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng - Trưởng đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được của các đơn vị, đồng thời đề nghị các đơn vị khắc phục những tồn tại hạn chế để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn; đảm bảo đất được sử dụng đúng mục đích; đảm bảo quy trình, thủ tục trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chú trọng nâng cao chất lượng hoà giải ở cơ sở; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhất là cán bộ địa chính, hạn chế sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhằm hạn chế thấp nhất việc khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân; chú trọng vai trò của các tổ chức đoàn thể để giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả hơn… Đoàn cũng ghi nhận các kiến nghị của các đơn vị để tập hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xử lý…

Kim Chi