Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu nhiều ý kiến góp phần làm sáng tỏ trong việc đánh giá và dự báo tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước…
Trong các ngày (21-24.10) Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2011, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015; đánh giá thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2012. Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu nhiều ý kiến góp phần làm sáng tỏ trong việc đánh giá và dự báo tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian qua và những năm tới, thể hiện qua một số nội dung chính như sau:
Các đại biểu thống nhất đánh giá kinh tế nước ta đã đạt được kết quả cơ bản quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân 5 năm đạt 7%, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đưa nước ta gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ cam kết với quốc tế; kết quả giảm nghèo nhanh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Trong năm 2011, trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2010 và 2 tháng đầu năm 2011, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành kịp thời các chủ trương, giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội và đã đưa nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8% - 6%, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực.
Những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, cùng chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thảo luận tại tổ |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội, tuy kết quả đạt được là quan trọng nhưng chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới tiếp tục còn diễn biến phức tạp, khó luờng. Đó là những khó khăn do tác động mặt trái của việc thực thi các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành cần phải được tập trung khắc phục. Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu. Tăng cường thanh tra, giám sát tính an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách để giảm bội chi ngân sách, dự phòng tăng chi bảo đảm an sinh xã hội... Kiểm tra và xử lý tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, dừng đầu tư đối với dự án qua kiểm tra xét thấy không hiệu quả và có biện pháp xử lý dứt điểm. Tiếp tục các biện pháp giảm nhập siêu, cùng với các biện pháp tăng xuất khẩu cần kiểm soát hiệu quả để giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.
Các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, xem xét để lại cho các địa phương nghèo, khó khăn các khoản vượt thu để đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn; cần tổ chức huy động có hiệu quả nguồn vốn trong xã hội để tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm, khắc phục ngay việc đầu tư tràn lan không hiệu quả; xem xét lại việc chỉ đầu tư hạ tầng du lịch ở một số tỉnh; xem xét lại nguồn thu xổ số kiến thiết của các địa phương ngoài việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế nên giao cho địa phương được đầu tư vào một số lĩnh vực khác, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông; xem xét lại việc quy định hai giá khi nhà nước thực hiện thu hồi đất đai; xem xét lại một số nội dung bất cập trong việc triển khai, thực hiện Nghị định 92/2009/NĐCP của Chính phủ ở cơ sở; sớm có hướng dẫn chi tiết trong việc thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Đoàn ĐBQH Tây Ninh nhận định: Năm 2011, trước tình hình nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành rà soát cắt, giảm, giãn tiến độ các dự án đang thực hiện; hoãn khởi công các dự án mới, điều chuyển vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình, dự án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ còn chưa triệt để; đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về vấn đề này, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc rà soát cắt, giảm các dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) chưa nghiêm túc; nhiều dự án khởi công mới không thuộc danh mục sử dụng vốn TPCP năm 2011. Năm 2011, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới vào danh mục, tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tới 333 dự án được khởi công mới không thuộc danh mục sử dụng vốn TPCP. Còn tình trạng điều chỉnh mục tiêu, tăng quy mô và tổng mức đầu tư của một số dự án, tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư vốn TPCP, vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn ở một số bộ, ngành, địa phương dẫn đến dự án bị đình trệ, kéo dài.
Duy Quang