Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi mê coi sách lúc còn bé tí, khi chưa… biết chữ. Tôi thường lấy truyện tranh của anh chị trong nhà, hí hoáy tô màu rồi liến thoắng bịa đặt nội dung với giọng thuyết minh ngọng nghịu làm cả nhà cười ngất. Việc coi/ đọc dần được nâng lên theo từng cấp học.
Ở tiểu học, tôi tìm đọc truyện tranh Lucky Luke, tủ sách Tuổi Hoa; lên bậc trung học tôi “làm quen” với các đại tiền bối Xuân Diệu, Huy Cận, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ; các tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn…
Sinh thời, cha tôi cũng có một tủ sách lớn, nhưng đa phần là Kinh thi, Luận ngữ; sách của các triết gia nước ngoài… mà với tuổi tác và trình độ còn “con nít mặt búng ra sữa” thì làm sao tôi “nhằn” nổi! Và vì không đủ tiền mua- mà thư viện tỉnh lại quá xa- nên tôi chỉ có thể nhịn tiền của mẹ cho ăn quà mỗi ngày để trích ra “tậu” mỗi tuần một cuốn mà tôi tâm đắc nhất dành làm của riêng mang về nhà đọc kỹ lại. Còn lại tất cả các loại hình sách, truyện khác tôi đều đọc “cọp” ở các quầy, các tiệm sách tư nhân trong thị trấn.
Trước 1975, học trò chỉ đến trường một buổi, buổi còn lại quá rảnh rỗi, tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà mà lũ trẻ chúng tôi hoặc ôn bài- nói nào ngay chỉ lướt qua độ vài mươi phút thôi, hoặc phụ giúp cha mẹ những việc lặt vặt trong nhà- cũng tranh thủ làm… chiếu lệ, việc thường xuyên hơn cả là rủ nhau tụ tập bày những trò chơi rất đa dạng của tuổi nhỏ.
Riêng tôi thường dành phần lớn thời gian để “mài đũng quần” trên băng ghế hoặc ngồi bệt dưới sàn gạch trong các tiệm sách xung quanh chợ. Đầu tiên, tôi trổ tài… lấy lòng o bế các cô, các dì chủ tiệm bằng cách mỗi lần đến tôi đều mang theo một bọc đựng các loại “cây nhà lá vườn”: khi thì mớ khoai mì, khoai lang, vài trái bắp mẹ tôi đã nấu chín, khi thì trái ổi hay mãng cầu để nài nỉ mời họ “ăn lấy thảo” cho được! Kế đến, tôi lau chùi các kệ sách, các ghế ngồi, dù trước đó đã sạch tươm bóng láng.
Việc sau cùng thích thú và quan trọng nhất là tôi công khai lật mở các quyển sách mà trước đó mình “để ý”, say mê đọc ngấu nghiến quên thôi cho đến khi nữ chủ tiệm kêu lên “tối rồi, đóng cửa dìa bây ơi”! Cá biệt, có cuốn tiểu thuyết trinh thám dài kỳ “Bàn tay máu” của Phi Long được nhiều người tìm đọc nhưng in, phát hành mỗi tuần chỉ một tập mỏng tang kéo dài cả năm trời, tôi cũng phải hạ quyết tâm kiên trì theo đuổi việc đọc “cọp” cuốn ấy đến khi kết thúc truyện.
Sau này khi ra đời, đi làm, tôi bỏ luôn thói coi “cọp” báo, mà thường dành ra một phần tiền lương hằng tháng mua các tạp chí văn học, đổ tiền không ít vào các tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung, Lã Phi Khanh…
Thập niên 1960, thời mà có thể nói sinh hoạt thơ ca như được thuận mùa trăm hoa đua nở. Tỉnh nào cũng có thi văn đoàn, bút nhóm văn nghệ, vì không cần thủ tục pháp lý nào khi thành lập. Còn các cây viết tập tễnh làm “văn thi sĩ” hầu hết ở trong giới học sinh, sinh viên.
Thậm chí, chỉ có một “mống” thôi, người ta cũng thành lập bút nọ nhóm kia với hàng lô hàng lốc những bút danh bút hiệu rất “kêu”, tất nhiên chỉ là… giả mạo. Thế nên, “đất” thơ ca cho họ dụng võ ngày càng mở rộng và lực lượng đọc báo “cọp” càng phát triển hùng hậu.
Hồi ấy, tất cả các nhật báo, tuần báo, tạp chí… đều tập trung tại Sài Gòn và hầu hết đều của tư nhân. Riêng nhật báo (nhiều nhất trong các loại báo) khoảng 50 tờ, thường là 4 hoặc 8 trang tuỳ theo số “vốn lận lưng” hiện có của chủ báo.
Tờ nào cũng có các chuyên mục rải đều theo từng trang: Thời sự, Bình luận, Điện ảnh, Kịch trường, Sân khấu, Thơ, Truyện, Tuổi học trò, Tuổi mới lớn, Phụ nữ và Gia đình...v.v… Cuối cùng- báo nào cũng như báo nấy- không thể thiếu vì đó cũng là một phần “sinh mạng” của báo- là chen chúc xen kẽ các ô nhãn hàng quảng cáo đủ loại từ thượng vàng đến hạ cám.
Các tờ báo bán chạy nhất được độc giả thường xuyên hằng ngày mua đọc đăng các truyện chưởng dịch thuật theo dạng feuilleton (đăng từng ngày) từ… Hồng Kông của Kim Dung; các tiểu thuyết tâm lý xã hội nhiều bi luỵ uẩn khúc phải mang đầy màu sắc 4T (tình, tiền, tù, tội) của các nhà văn tên tuổi nhất lúc bấy giờ.
Về kỹ thuật ấn loát thì phần lớn thủ công; máy in, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu nên vài tờ báo in ra có chỗ lem nhem, font chữ lộn xộn không đồng đều và đầy lỗi chính tả (vì nhiều người sắp chữ chì bằng tay, chia ra từng trang, từng cột mục; thư ký toà soạn kiểm tra, sửa chữa không xuể). Các báo đều ra vào buổi chiều, vì vậy toà soạn phải tập trung thực hiện các công đoạn in ấn vào lúc 3, 4 giờ sáng. Sáng ra còn phải đem trình duyệt với cơ quan thẩm quyền… để nhà phát hành kịp phân phối và điều xe chở chuyển về các tỉnh.
Nhật báo, tuần báo hay tạp chí nào cũng có dành một số trang cho thơ, văn (dành cho đủ lứa tuổi). Hồi đó, bài viết trên một mặt giấy gửi qua đường bưu điện, nếu được chọn đăng cũng không có chế độ trả nhuận bút (trừ truyện ngắn) và báo biếu.
Cũng không có một thông tin nào của báo từ khi gửi bài đến khi được đăng nên bọn tôi- các “cây bút nhí” đều sử dụng “chiêu” coi báo “cọp”; vì bài gửi cho nhiều báo thì tiền đâu để mua theo dõi tất cả, dù thời điểm ấy giá bán chỉ 2 đồng/tờ (chỉ gấp đôi gói xôi đậu).
Mỗi chiều, mấy gã thiếu niên bọn tôi (tuyệt nhiên không có nữ) đứng chờ trước các sạp báo ở đầu chợ “canh me” xe báo từ Sài Gòn về. Lúc ấy báo còn ngổn ngang vì chưa được xếp thứ tự theo trang, để trên tấm bạt trải dưới đất, bọn tôi phụ sắp xếp báo với cô, chị chủ sạp.
Phần quan trọng, hồi hộp nhất là khi tranh thủ lật, lật, và lật… tất tần tật các loại báo mình đã gửi bài, chỉ lật tìm duy nhất trang “Văn hoá- Văn nghệ”. Bữa nào có bài được “lên sóng” thì vui mừng tủm tỉm cười. Ngược lại thì tiu nghỉu bấm bụng mua một tờ tuần báo hay tạp chí quen thuộc nào đó…
Đừng nghĩ tâm trạng những người coi sách báo “cọp” như tôi không hề biết áy náy xấu hổ! Phần vì trót đam mê, phần nữa vì “mặt dày”, nên đôi khi tôi tự an ủi rằng mình chỉ mượn đọc “chùa” thôi chứ có phá phách hay trộm cắp chi đâu.
Dần dà, mưa dầm thấm lâu nên hành vi tạm gọi là trơ trẽn ấy bỗng nhiên được hoá giải thành chuyện bình thường. Sau rốt, các chủ tiệm cũng phần nào cảm thông cho “hoàn cảnh” của lũ học trò lưng dài vai rộng còn ăn bám cha mẹ nên cũng không nỡ càm ràm gây khó.
Giờ internet đã phổ biến từ làng quê ra thành thị, việc đọc sách báo vô cùng tiện lợi; nhưng đôi khi tôi vẫn tha thiết nhớ về một thời “trẻ trâu” hồn nhiên yên lành ngày xưa cùng chuyện coi sách báo “cọp” mà với tôi là dấu ấn đậm nét và thú vị nhất trong cuộc đời mình…
HÀ NHỮ UYÊN