BAOTAYNINH.VN trên Google News

Độc quyền điện, xăng, Bộ Công thương nhận lỗi

Cập nhật ngày: 14/06/2012 - 03:51

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh minh họa internet)

Là thành viên thứ ba của Chính phủ đăng đàn trong phiên chất vấn ngày 14.6, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận được nhiều chất vấn xung quanh các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, xử ký hàng tồn kho, tăng sức mua, giúp DN trả nợ, tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, một số vấn đề khác liên quan đến công nghiệp dầu khí, xăng điện và hiệu quả hoạt động của 1 số tập đoàn lớn cũng được nhiều đại biểu đặt câu hỏi quan tâm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về việc phá bỏ thế độc quyền của điện và xăng dầu và trách nhiệm của Bộ đối với vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, điện và xăng là 2 lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia.

Đối với ngành điện, Bộ Công thương phải xử lý các nhu cầu về phụ tải gia tăng lớn, mỗi năm tăng khoảng 15%. Nhưng nếu tiếp tục độc quyền như hiện nay, điện sẽ thiếu sự cạnh tranh lành mạnh và liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Vừa qua, Bộ đã ban hành các chinh sách để xóa bỏ thế độc quyền doanh nghiệp.

Sau 1 thời gian thí điểm, từ 7/2012 sẽ chính thức phát triển thị trường điện cạnh tranh, các DN sẽ được chào giá và căn cứ vào đó Trung tâm điện lực quốc gia sẽ lựa chọn. Đến năm 2014 tiến hành phát triển thị trường bán buôn cạnh tranh. Và đến năm 2022 sẽ phát triển thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

Về xăng, dầu, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có 12 đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu, có cả ngoài quốc doanh, chứ không phải chỉ có nhà nước. Với 12 DN này đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sử dụng của người dân. Trước đây hầu hết các hoạt động xăng dầu đều do Dầu khí đảm nhận, nên hiện nay thị phần của doanh nghiệp này luôn chiếm khoảng trên 60%.

“Tôi cũng xin nhấn mạnh là nếu không có tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì sẽ rất khó khăn. Vì có những giai đoạn, họ phải sẵn sàng chịu lỗ để duy trì mạng lưới hoạt động. Nếu chúng ta kiên trì thực hiện theo nghị định 84, thị trường sẽ vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Về việc để thế độc quyền lâu như vậy, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận: “Bộ Công thương đúng là chưa làm hết trách nhiệm, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị với TƯ để tránh độc quyền với DN. Thời gian tới, trong quá trình tái cơ cấu, Bộ sẽ có tham mưu phù hợp hơn. Hiện Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ tách khâu phân phối và sản xuất ra. Vừa qua, cũng đã thành lập 3 Tổng công ty phát điện riêng, theo mô hình công ty mẹ, công ty con là Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2 và Tổng công ty Phát điện 3”.

Cũng liên quan đến giá xăng, nhiều đại biểu đặt câu hỏi băn khoăn về việc vì sao khi giá thế giới tăng cao thì giá trong nước tăng ngay, còn khi hạ thì lại chậm chạp. Ở đây liệu có vấn đề lợi ích nhóm hay không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, hiện nay giá xăng đang được điều hành theo nghị định 84. Theo đó, một trong những yêu cầu là các doanh nghiệp đầu mối khi có biến động giá thế giới, trên cơ sở giá của 30 ngày trước đó sẽ điều chỉnh. Lý do chọn 30 ngày là do xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn phải dựa vào nguồn nhập khẩu, nên cần có thời gian dự trữ trong 30 ngày.

“Chính vì thế, có thể lô hàng đến Việt Nam hôm nay đã được đặt hàng nhập khẩu trước đó cả tháng. Nhưng đúng như đại biểu đã nói là giá xăng hiện nay điều chỉnh chưa kịp thời, tăng khá và giảm mức độ. Nhưng cái này là do vận hành theo Nghị định 84. Chúng tôi sẽ nghiêm túc cùng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng để xem xét”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Về phát triển thuỷ điện, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỵ (Bình Định) đề nghị người đứng đầu Bộ Công thương cho biết thực trạng của thuỷ điện Sông Tranh và giải thích vì sao quy hoạch thuỷ điện nhiều nhưng thực hiện không bao nhiêu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, câu chuyện phát triển thuỷ điện nhỏ luôn được xã hội và nhân dân quan tâm. Vì thế, Bộ đã nhiều lần có báo cáo gửi đại biểu và cử tri cả nước. Đối với 1 đất nước như Việt Nam, sông suối nhiều, ngoài chức năng thuỷ điện lớn, thì thuỷ điện còn tham gia vào việc chống lũ về mùa mưa và cấp nước về mùa khô. Do đó, việc triển khai các công trình thuỷ điện vừa giải quyết năng lượng điện, vừa tham gia chống lũ, chống hạn.

Vừa qua, các công trình thuỷ điện đều giải quyết được nhu cầu này. Việt Nam hiện nay đang dẫn dần trở thành nước nhập khẩu năng lượng, thì phát triển thuỷ điện chi phí rẻ hơn rất nhiều, lại cải thiện được môi trường. Quy hoạch phát triển thuỷ điện là rất quan trọng.

Về cơ bản các công trình thuỷ điện đang triển khai đều dựa trên các quy hoạch đã được duyệt. Đến nay đã đưa vào vận hành 195 dự án, công suất xấp xỉ 2000MW, sản xuất là 36% sản lượng điện quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ số lượng đã và đang triển khai mới đáp ứng được 40% số dự án và 75% về công suất so với quy hoạch.

Đối với một số mặt tiêu cực phát sinh từ xây dựng nhà máy thuỷ điện như: môi sinh môi trường, rừng đầu nguồn, đền bù, di dân tái định cư,…Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trách nhiệm của Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành, địa phương là làm sao tìm được giải pháp phát huy mặt tích cực của thuỷ điện, hạn chế mặt tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Vừa qua, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, nhất là ở các tỉnh miền trung và loại bỏ 52 công trình không có tính khả thi.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để khắc phục các mặt tiêu cực hiện nay, các giải pháp cần làm là: Rà soát lại toàn bộ hệ thống, yêu cầu các các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các vấn đề về phát điện, điều tiết hồ chứa đã được các cấp ngành phê duyệt. Hiện nay đã có 5 quy hoạch liên hồ chứa được Chính phủ phê duyệt.

Riêng thuỷ điện Sông Tranh 2, nhân dân, dư luận và chính phủ rất quan tâm. Chính phủ cũng đã chỉ đạo EVN, Bộ Công thương nghiêm túc chỉ đạo vấn đề này. Công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 được xây dựng theo phương pháp bê tông đầm lăn, đây là phương pháp được nhiều nước trên thế giới sử dụng từ năm 1980 đến nay. Riêng ở Việt Nam có 12 công trình sử dụng phương pháp này. Trong đó có công trình lớn như: thuỷ điện Sơn La…

“Về chất lượng thì khẳng định là chưa có cơ sở nói là chưa an toàn. Nếu phát hiện không an toàn thì chúng tôi sẽ kiên quyết dừng. Về việc chưa kiểm tra hết các công trình thuỷ điện là do lực lượng còn mỏng. Nhưng đây một phần là trách nhiệm của Bộ Công thương. Chúng tôi xin hứa muộn nhất là trước 2014 sẽ hoàn tất vấn đề này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Theo VTC