BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đọc “Trăng soi nghiên bút - thơ và tôi” của Minh Phương

Cập nhật ngày: 06/11/2011 - 01:04

Tập thơ dày 120 trang với 102 bài thơ dài ngắn khác nhau, tác phẩm thứ 7 của Minh Phương (NXB Thanh Niên, tháng 10.2011) với cách chọn tựa đề luôn có “và…”, giọng thơ thoáng buồn, phảng phất cung điệu hoài cổ, ít chọn lọc song gây được sự đồng cảm cho người đọc. Đó là nét nổi bật, gần với tính cách luôn quan tâm đến bè bạn của Minh Phương, dù có lúc anh đang ở Campuchia!

Nỗi buồn nhẹ mơn man chợt xuất hiện khi Minh Phương cất lên “Khúc tấu nơi đất khách” với những ngậm ngùi: “Đêm nay trăng đầy bên cánh rừng San Tuk/ Tiệc rượu bày chén rót, chén cạn, chén vơi/ Nào uống, uống đi lẳng lặng mà nghe/ Khúc tấu rằng:/ …Rừng núi mênh mông/ Người mang tâm sự trải trên đất…” (trang 79). Cái con người của “đất khách” ấy, tất nhiên là lắm nỗi nhớ đa mang, quyện trói tâm hồn. Anh nhớ mẹ: “Con xa nhà mẹ từng buổi chiều ra ngõ/ Từng sợi buồn vui ôm cả trong lòng…” để rồi người thơ phải đau đớn thốt lên, khi “Xa mẹ cõi lòng quặn đau như thắt”, “Mẹ ơi/ Chốn xưa giờ đã nát nhàu tim con”…( trang 45). Và cái trình tự sau mẹ, một hình ảnh của người đàn bà khác lại làm nhà thơ bồn chồn khắc khoải: “Vòng tay em nở màu tim tím/ Sắc yêu thương sắc đợi sắc chờ/ Lời thơm em rót ngày Đông- Hạ… /Anh nhớ em đau nam chữa bắc/ Dẫm cuộc tình cây lá mong manh” (Chùm thơ không đề, trang 112). Tôi thấy ngộ và thích câu thơ “Anh nhớ em đau nam chữa bắc”, cái hàm ngôn ẩn chứa sau cụm từ “đau nam chữa bắc” nó ma mị lắm, bởi anh nhớ em, và đã chữa… bằng ai đó? Thơ nó thực và hư là thế!

Trong công việc, Minh Phương có khi chưa thật suôn sẻ, khiến anh phải trôi giạt sang tận Campuchia để mưu sinh. Tình yêu đôi lứa với Phương dường như cũng không bằng phẳng: “Xuống bến trăng đau/ Múc vầng trăng cũ/ Nhớ sợi tơ trời…/… Chòng chành mái chèo/ Đổ xuống bến trăng” (Chia nửa vầng trăng đau, trang 108). Bài thơ có khi giống một sự minh hoạ. Bởi tự cái tựa đề đã nói cả nội dung. Người đọc không còn cái thú bất ngờ và khám phá nữa!

Tôi lại đồng cảm cùng Minh Phương khi đọc trang 81, bài thơ Hồn lúa và cánh đồng: “Xoá dấu thời gian mượn hồn chim sáo/ Nghe đất trời chuyển màu xanh/ Nỗi đau vũ điệu đàn cò trên cánh đồng khô hạn/ Ngôn ngữ diệu huyền thời kinh tế/ Dòng sông học lãng quên”, hoà và nhập vào từng con chữ, có khi man mác buồn, có khi “dằn xóc” bởi những cảm nhận dễ mủi lòng của người làm thơ. Cảm cái tâm sự: “Tôi vuốt mặt che đời nhiều ngang trái/ Nghĩ phận mình loài cây cỏ nhỏ nhoi” (trang 80). Con người vốn dĩ được so sánh với lau sậy, cây lau sậy biết suy nghĩ. Chợt thầm mong ở những tác phẩm sau (Minh Phương còn một tập bản thảo thơ đang đợi in), hãy nén lòng mà chọn ra phân nửa “vốn liếng” sẵn có, trau chuốt hơn, có lẽ cái lung linh vi diệu của thơ Minh Phương sẽ thuyết phục nhiều hơn người đọc…

TrẦn Hoàng Vy