Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều người biết rằng Đôn Thuận xưa nay thuộc huyện Trảng Bàng (nay là thị xã), còn trước nữa, khi mới lập phủ Tây Ninh thì thuộc về Quang Hoá. Nhưng trên thực tế, suốt thời phong kiến (cựu trào nhà Nguyễn), Đôn Thuận đã luôn trực thuộc huyện Tân Ninh (huyện phía Bắc trong hai huyện của phủ Tây Ninh). Chỉ đến thời Pháp thuộc, Đôn Thuận mới được đặt về hạt thanh tra Quang Hoá sau đổi tên là quận Trảng Bàng…
Xe bò Tây Ninh
Sau một vài biến động, đến năm 1943, Đôn Thuận mới được đổi về thuộc tổng Hàm Ninh Hạ, quận Trảng Bàng. Chỉ có thể lý giải chuyện này là do tính chất trọng yếu của miền đất phía Tây Nam tỉnh. Hoặc là do đã có chỉ dụ của vua ngay từ thời kỳ đầu lập phủ, mà “quân lệnh lại như sơn” nên không ai dám thay đổi nữa.
Chú ý rằng, trong bản tấu gửi về triều đình, các quan Kinh lược Đại sứ trong đoàn kinh lý Nam kỳ đã viết về tính chất trọng yếu của vị trí này. Đó là: “đặt đồn bảo ở bên sông Đục (Sài Gòn nay) để làm thế ỷ giốc với thành Quang Hoá, trong có thể làm phên giậu giữ vững cho Gia Định, ngoài có thể tăng thêm thanh thế cho Trấn Tây (Campuchia ngày nay)”.
Cũng vì thế, do không nắm giữ được Đôn Thuận, các chế độ của Pháp và thân Mỹ chiếm đóng tại Sài Gòn sau này đã luôn ở thế bị động. Đôn Thuận đã không trở thành phên giậu cho Sài Gòn mà ngược lại đã trở thành căn cứ địa của lực lượng cách mạng suốt hai thời kháng chiến, nên xuất hiện câu thành ngữ mới: “Bời Lời còn, thì Sài Gòn mất”; đó là nỗi lo mất ăn mất ngủ của thực dân đế quốc và chế độ tay sai.
Địa linh thì ắt có nhân kiệt. Để có được căn cứ địa anh hùng và lừng lẫy này, trước hết phải nhắc đến công lao chiến đấu giữ đất, giữ quê của người Đôn Thuận. Bài viết của ông Phan Minh Tánh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương (Sđd, trang 28- 57) đã lý giải được nguyên nhân quan trọng bậc nhất ấy.
Bài có đoạn: “Tính từ ngày đơn vị vũ trang trên vùng đất Trảng Bàng đặt chân đến TP. Sài Gòn để cùng nổ những phát súng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp tại mặt trận cầu Tham Lương, đến khi tỉnh Tây Ninh tham gia kết thúc chiến dịch mùa xuân đại thắng năm 1975, Đảng bộ và quân dân xã Đôn Thuận đã trải qua 10.804 ngày xông pha trong bão táp của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hy sinh và vượt qua nhiều cột mốc thời gian để chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển căn cứ địa Bời Lời…”.
Tác giả cũng tự đặt câu hỏi: “Đôn Thuận đã vận dụng những “cách” gì, “mưu” gì, “kế” gì để tiêu diệt sinh lực định và phát triển lực lượng ta?”. Để rồi tự trả lời, trong 4 điều ông đã đúc kết thì quan trọng nhất: “Một là, chiến công nổi bật của Đôn Thuận, của căn cứ địa Bời Lời trong đấu tranh vũ trang, trước hết là đã “quân sự hoá nhân dân”, đã “kháng chiến hoá xã hội”, đã biến rừng Bời Lời thành căn cứ địa…”.
Đến đây, cũng cần làm rõ căn cứ địa Bời Lời nay là đâu? Sách Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2014, cho biết: Di tích căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh ở: “Tại Bời Lời thuộc ấp Trảng Sa”; còn di tích lịch sử căn cứ Trảng Bàng ở vùng tam giác sắt lại: “Toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận (xưa là Đôn Thuận)”.
Tuy vậy, rừng Bời Lời, theo Địa chí Tây Ninh, mục Di tích lịch sử văn hoá (trang 677) lại viết: “Rừng Bời Lời rộng gần 200km2 thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận”. Còn trong “Lý lịch di tích lịch sử văn hoá Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh lại cho rằng: “Căn cứ địa Bời Lời rộng khoảng 150km2…”.
Diện tích này là 15.000 ha, bằng cả ba xã Bến Củi, Truông Mít và Đôn Thuận (trước 2004) cộng lại. Vậy có thể xác định rằng khi nói đến căn cứ địa Bời Lời, là người ta nhắc đến toàn bộ xã Đôn Thuận thời quá khứ.
Từ đây, Đôn Thuận kể như đồng nghĩa với Bời Lời. Chính trên mảnh đất có quy mô một xã này, chính quyền cách mạng đã xây dựng nên một “xã hội của chế độ mới thu nhỏ” (Trần Lưu Quang- lời giới thiệu sách).
Theo Phan Minh Tánh trong bài viết phân tích, có cả xây dựng căn cứ địa trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá giáo dục, y tế và xã hội. Xã hội kháng chiến Đôn Thuận, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có: “Hơn 9.000 lượt người xây dựng hàng rào chiến đấu ở Trảng Cỏ, Bời Lời, Bà Nhã với hơn 26km chiều dài, cắm trên 136.000 mũi chông, làm hơn 46.219 hố đinh, đào hơn 37.000m giao thông hào, 25.862m địa đạo, 246 hầm chống tăng, 19.863 hầm chống pháo, cắm 8.726 cọc chống máy bay trực thăng, 7.801 lượt người tham gia phá lộ cắt đường giao thông của địch, 18.763 lượt phục vụ dân công hoả tuyến (Sđd trang 37).
Quân dân Đôn Thuận đã lập nên biết bao những chiến công hiển hách suốt hai thời kháng chiến, trong đó có cả bắn rơi máy bay, phá huỷ hàng trăm xe tăng, xe bọc thép v.v…”.
Hơn 10 năm trước, ai qua ấp Bùng Binh, Đôn Thuận còn thấy một chiếc xe bọc thép chiến lợi phẩm đặt ngay trước trụ sở UBND xã. Nay cái xe ấy đã được chuyển về trung tâm thị xã Trảng Bàng.
Nhắc chuyện này để ai đó không quên những chiếc xe bò của người dân Đôn Thuận. Ông Trần Hữu Phước, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam đã có cả một bài viết 10 trang về “Các liên đoàn xe bò trên tuyến lửa Bời Lời- Trảng Bàng trong những tháng năm bão táp”.
Theo đó: “Tổ chức liên đoàn xe bò được thành lập… từ sau cao trào Đồng Khởi; trải qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 giữa lúc quân dân ta lao vào hoả tuyến “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”; trong và sau tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968…”.
Xe bò Đôn Thuận huy động lương thực và nhu yếu phẩm từ vùng địch về căn cứ cách mạng. Xe bò hỗ trợ đoàn hậu cần 82, 83 của Miền. Xe chở vũ khí và tiền từ miền Tây, theo đường sông tới bến An Hoà để đi tiếp về căn cứ Trung ương Cục.
Trong một cuộc gặp gỡ hiếm hoi, ngày 16.12.2019 tại trụ sở xã Đôn Thuận, các thành viên của liên đoàn đã gặp nhau và ôn lại chuyện xưa. Theo đó: “Liên đoàn xe bò ấp Sóc Lào có 36 cỗ xe, từ lâu đã bị mối mọt gặm nhấm mục nát. Liên đoàn xe bò ấp Trảng Cỏ có 25 chiếc, nay chỉ còn giữ được một cỗ xe duy nhất…”. Vậy là vẫn còn một chiếc, để có thể đối chiếu và so sánh mang tính biểu tượng với cái xe bọc thép của địch bỏ lại trên chiến trường Đôn Thuận những năm xưa.
Xin khép lại bài này bằng ý kiến của ông Nguyễn Đình Soái, nguyên Chỉ huy Đội tự vệ chiến đấu (tiền thân của LLVT huyện, nguyên Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng): “Bời Lời là biểu tượng cho khí phách anh hùng, cho ý chí trung kiên, nghĩa dũng của các thế hệ người Trảng Bàng yêu nước.
Cuộc kháng chiến lần thứ nhất đi qua, cuộc kháng chiến lần thứ hai chống đế quốc xâm lược Mỹ kế tiếp, căn cứ địa, chiến khu, mật khu Bời Lời, nơi chỉ cách trung tâm sào huyệt của giặc không đầy 50km mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của quê hương Trảng Bàng bất khuất".
TRẦN VŨ