BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí

Cập nhật ngày: 07/04/2011 - 07:25

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực mở rộng để thẩm tra sơ bộ Dự án Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 

Cần quy định rõ được nổ súng trong trường hợp cần thiết

Ngày 6.4, tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực mở rộng để thẩm tra sơ bộ Dự án Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Uông Chu Lưu; đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn tản mạn và chủ yếu là các văn bản do Chính phủ và các Bộ ban hành, nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế, thiếu những quy định cụ thể nên hiệu lực pháp lý chưa cao, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng hạn chế.

Để đáp ứng yêu cầu về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và góp phần phát triển kinh tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, Dự thảo Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được xây dựng gồm 6 chương, 41 điều.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất với ý kiến cho rằng việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết nhằm tạo ra cơ sở pháp lý có hiệu lực và hiệu quả cao trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể trong pháp lệnh như các hành vi bị nghiêm cấm, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng, việc nghiên cứu chế tạo vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các trường hợp được nổ súng… cần được quy định rõ ràng, chi tiết hơn.

Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kiến nghị: “Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy phải quy định theo nhóm đối tượng như công an, quân đội, kiểm lâm và một số ngành khác. Trường hợp nào được nổ súng, trường hợp nào bắn cảnh cáo, trường hợp nào bắn bị thương và trường hợp nào bắn tiêu diệt. Ranh giới này phải có khái niệm và làm rõ. Tôi có thể nêu ví dụ gần đây nhất là vụ Vườn quốc gia Yok Đôn, đối tượng tấn công, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của anh em. Khi anh em nổ súng thì không may gây chết người. Bây giờ anh em lại chuẩn bị ra tòa. Vì vậy, tôi đề nghị vấn đề này phải quy định rõ, cụ thể và chi tiết".

(Theo VOV)