Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, ngoài việc trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật trong canh tác, ngành chức năng cần có giải pháp buộc các đại lý, các công ty phải có hợp đồng cung cấp sản phẩm, trong đó phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, đồng thời cam kết sẽ bồi thường nếu như kết quả sử dụng không đạt yêu cầu.

|
Đám ruộng khổ qua của anh Bình vừa mới gieo trồng bằng hạt giống mua từ đại lý, nhưng phải chờ hơn 1 tháng nữa mới biết chất lượng giống ra sao!
Nông dân là những người luôn cực nhọc trên những cánh đồng, lại phải chịu nhiều thiệt thòi vì không có quyền quyết định giá cả nông sản do mình sản xuất ra, đồng thời cũng phải “cắn răng” khi mua phải hạt giống, phân bón kém chất lượng. Thế nhưng, thực tế chưa có một cơ sở pháp lý cụ thể nào để bảo vệ họ.
Khi xảy ra vụ 60 ha ớt “đực” ở xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hết sức băn khoăn, bởi lẽ nông dân không có hợp đồng với công ty về việc đảm bảo chất lượng hạt giống nên rất khó ràng buộc trách nhiệm của công ty. Rất may là người dân còn giữ được tờ giấy xác nhận của nhân viên công ty với nội dung giống ớt bị lẩn nên mới có sơ sở để yêu cầu công ty giải quyết.
Còn những trường hợp khác thì sao? Anh Nhân- một hộ dân trồng hàng bông tại ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho biết, anh đã làm lúa, trồng hàng bông hơn 20 năm. Theo thói quen, cứ đến thời điểm xuống giống, anh ra các đại lý hạt giống để mua.
Trong những năm qua, có nhiều vụ anh bị thất mùa do hạt giống không đảm bảo chất lượng, nhưng đành chịu chứ chẳng biết kêu ai, kiện thưa ai. Hiện anh đang trồng đậu đũa, mua hạt giống của một công ty, nhưng khi đến mùa ra trái thì có nhiều dây đậu cho trái giống... đậu đen. Anh đành nhổ bỏ chứ đợi đến khi thu hoạch có bán cũng chẳng ai mua.
Anh Nhân cho biết thêm, ngoài việc mua hạt giống không đảm bảo chất lượng, có khi anh còn mua nhầm phân “dỏm”, thuốc trừ sâu “dỏm” ở các đại lý. Lúc đó anh cũng đành chịu, phải bỏ thêm tiền mua loại khác để chăm sóc cây trồng, chứ chẳng đại lý nào thừa nhận bán sản phẩm “dỏm”.
Về phía nông dân, chỉ phán đoán phân “dỏm”, thuốc trừ sâu “dỏm” qua sự phát triển của cây trồng chứ làm gì có chứng cứ khoa học để chứng minh đó là sản phẩm “dỏm” mà kiện với thưa.
Theo anh Bình- Tổ trưởng Tổ sản xuất rau VietGAP Hưng Việt tại phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, các tổ viên trong tổ hợp tác cũng phải tự đi mua hạt giống ở các đại lý, chứ chẳng có ai làm hợp đồng mua bán hạt giống.
Ngoài ra, cũng có nhiều công ty cho nhân viên đến tận ruộng hàng bông để tiếp thị hạt giống, bán trực tiếp cho người nông dân nhưng chỉ “cam kết miệng” chứ không có một văn bản nào cả.
Anh Bình cho biết, đã có trường hợp 2 hộ nông dân gieo cùng hạt giống khổ qua của một công ty, nhưng một hộ thì khổ qua cho trái to, đẹp, còn một hộ thì khổ qua cho trái ngắn ngủn, xấu xí. Hộ không may có khổ qua xấu cũng đành chịu lỗ mà chẳng biết phải kêu ai.
Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm công ty hạt giống nên người nông dân thấy hộ nào trồng giống của công ty nào trúng mùa thì đổ xô nhau mua giống của công ty đó về trồng, chứ chẳng có cơ quan chức năng nào hướng dẫn, khuyến cáo cả. Do đó, đến khi xảy ra sự cố thì chẳng biết dựa vào ai.
Từ đó, nhiều nông dân mong muốn phải có một sự ràng buộc trách nhiệm giữa công ty sản xuất hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đối với người nông dân sử dụng sản phẩm của mình. Nếu kết quả sản xuất không đúng như cam kết thì công ty phải bồi thường thoả đáng.
Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, ngoài việc trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật trong canh tác, ngành chức năng cần có giải pháp buộc các đại lý, các công ty phải có hợp đồng cung cấp sản phẩm, trong đó phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, đồng thời cam kết sẽ bồi thường nếu như kết quả sử dụng không đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, người nông dân cần phải biết tự bảo vệ mình, cần liên kết nhau trong việc mua sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp để đủ yếu tố yêu cầu đơn vị cung cấp làm hợp đồng mua bán sản phẩm, đồng thời đủ cơ sở yêu cầu bồi thường nếu sản phẩm không đạt chất lượng.
Theo một vị chủ tịch Hội Nông dân xã, có thể Hội Nông dân đứng ra thực hiện ký hợp đồng với các công ty cung cấp sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, để tạo thuận lợi cho các hộ nông dân yêu cầu giải quyết hậu quả nếu như có sự cố xảy ra.
THẾ NHÂN