Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiều 19.10, ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị giám sát tình hình thực hiện thu ngân sách địa phương, giai đoạn 2017-2020.
Ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Tại hội nghị, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình thu ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020. Thời gian qua, tổng thu ngân sách Nhà nước (bao gồm thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) là 34.373 tỷ đồng, đạt 108,8% so kế hoạch.
Trong đó, thu nội địa là 30.061,5 tỷ đồng, đạt 104,2% so kế hoạch, chiếm tỷ trọng 87,5% tổng thu; thu xuất nhập khẩu là 4.248,6 tỷ đồng, đạt 154,5% so kế hoạch, bình quân hằng năm giảm 9%, chiếm tỷ trọng 12,4% tổng thu.
Giai đoạn 2017-2020, có 9/16 khoản thu đạt và vượt kế hoạch, gồm: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh; thu tiền sử dụng đất nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền sử dụng đất; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.
Mặc dù tổng thu ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2017-2020 đều đạt so với dự toán theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, nhưng tình hình thu ngân sách vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, có 7/16 khoản thu không đạt so với dự toán gồm: thu từ doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương và địa phương quản lý; thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; thu tiền thuê đất; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thu tại xã; thu khác ngân sách.
Thời gian qua, việc phân cấp ngân sách Nhà nước làm tăng tính chủ động, tích cực của chính quyền địa phương trong việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách cho từng cấp ngân sách nhằm bảo đảm sự phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Với kết quả đạt được từ việc thực hiện phân cấp ngân sách trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh đề ra phương hướng phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp trong thời kỳ ổn định 2022-2025 cụ thể như sau: phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách phải bảo đảm nguồn lực cho chính quyền địa phương thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp; chủ động trong việc quản lý, điều hành của các cấp ngân sách địa phương; bảo đảm khai thác, huy động tốt nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; tuỳ nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách mà tăng, giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia tỷ lệ phần trăm cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Qua đó, UBND tỉnh kiến nghị: cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh; khẩn trương bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp để chuẩn bị đất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới.
Theo báo cáo kết quả khảo sát tình hình thực hiện thu ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020 của HĐND tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn những khoản thu tiềm năng, như các khoản thu từ đất.
Hiện nay, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trong dân còn khá lớn, vì vậy nếu được tăng cường vận động, đôn đốc, nhắc nhở chuyển mục đích sử dụng và có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng đất sai mục đích thì sẽ là một tác động tích cực để người dân thực hiện đúng quy định pháp luật và góp phần tăng thu cho ngân sách.
Thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước trong giai đoạn vừa qua tăng đột biến do một số địa phương (Gò Dầu, Trảng Bàng, Tân Biên) phát sinh các trường hợp thuê đất thực hiện dự án đầu tư và nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân cũng tăng do nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng; nguồn thu từ hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng vãng lai ngoài tỉnh được kiểm soát và theo dõi thu thuế hằng năm.
Đối với việc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, nhìn chung, việc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã làm tăng tính chủ động, tích cực cho ngân sách tỉnh trong quản lý, điều hành, bảo đảm sự điều hoà, cân đối thu, chi ngân sách cho các địa phương. Việc thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cơ bản phù hợp với phân cấp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân số, trình độ quản lý của từng địa phương, qua đó giúp các huyện, thị xã, thành phố tăng tính chủ động trong khai thác nguồn thu trên địa bàn để tăng thu ngân sách, quản lý chi ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, qua khảo sát, các địa phương phản ánh một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: các khoản thu được phân chia 100% cho ngân sách địa phương là những sắc thuế có số thu thấp và không bền vững dẫn đến địa phương khó khăn trong điều hành; một số chính sách, chế độ mới phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách; nhiều nhiệm vụ chi được điều chỉnh tăng lên, một số định mức chi chưa phù hợp, còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu chi (mức chi quốc phòng - an ninh), dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc điều hành ngân sách, chưa bảo đảm các nội dung chi, mức chi theo các chế độ, chính sách đã ban hành, việc chi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn hạn chế.
Hiện nay, thành phố Tây Ninh đang đầu tư, huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị của Thành phố theo các tiêu chí đô thị loại II, tuy nhiên, tỷ lệ điều tiết để lại cho thành phố Tây Ninh từ nguồn thu thuế, thu từ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh do tỉnh quản lý thu là 10%, trong khi các huyện khác là 20% đến 25% là chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển đô thị của địa phương. Hầu hết các địa phương đều đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết giữa cấp tỉnh và cấp huyện.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét, qua giám sát, nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đánh giá sâu các nguồn lực thu được, các đơn vị chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh. Trong các nguồn thu có những nguồn lực chưa đạt theo kế hoạch dự toán.
Trong quản lý và tổ chức thực hiện thu, các đơn vị cần quản lý chặt chẽ các nguồn thu đúng, thu đủ; sự phối hợp giữa các ngành, cấp trên với cấp dưới để giải quyết thủ tục hành chính chưa thật sự đồng bộ, cho nên có những vấn đề còn bị vướng mắc, chậm tạo ra nguồn thu và tổ chức thu, đặc biệt là trong thủ tục đất đai.
Qua đánh giá, hiện nay, các địa phương cơ bản cân đối thu chi bảo đảm, nhưng mong muốn tăng quyền tự chủ. Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các cơ quan chuyên môn có phân tích, đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của các huyện trong thời gian vừa qua.
Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các đơn vị đề ra phương hướng để tiếp tục thực hiện phân cấp nguồn thu gắn trách nhiệm thực hiện với nhiệm vụ chính trị mà hiện nay tỉnh đang tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ sở; bên cạnh đó, có nguồn lực bảo đảm để tăng tính chủ động cho các địa phương; phải hài hoà giữa nhiệm vụ và nguồn lực, bảo đảm tính ổn định trong quá trình thực hiện thu ngân sách.
Nhi Trần