BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiến pháp sửa đổi cần bổ sung quy định về việc suy tôn danh hiệu danh nhân

Cập nhật ngày: 24/10/2013 - 10:26
Căn cứ vào sự đóng góp của danh nhân đối với dân tộc để lựa chọn suy tôn danh nhân với các danh hiệu: Quốc Tổ Hùng Vương, anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu và danh nhân.

ĐBQH Hoàng Tuấn Anh phát biểu

(BTN) - Thảo luận về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) ở Tổ chiều ngày 23.10, đại biểu Hoàng Tuấn Anh (Tây Ninh) đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Khoản 4 Điều 88 dự thảo Hiến pháp quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước quyết định việc suy tôn danh nhân, cụ thể là bổ sung cụm từ “suy tôn danh hiệu danh nhân” sau cụm từ “danh hiệu vinh dự nhà nước”.

Đại biểu Hoàng Tuấn Anh đưa ra lý do là để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 93-TB/TW ngày 19.9.2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về các hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân trình Chính phủ.

Tại dự thảo Nghị định (đã được tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp) trình Chính phủ (Tờ trình số 113/TTr-BVHTTDL ngày 14.7.2009), khái niệm “danh nhân” được quy định như sau: “Danh nhân là người nổi tiếng, có đóng góp to lớn đối với Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau trong tiến trình lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương cho đến ngày nay”.

Căn cứ vào sự đóng góp của danh nhân đối với dân tộc để lựa chọn suy tôn danh nhân với các danh hiệu: Quốc Tổ Hùng Vương, anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu và danh nhân.

Quốc Tổ Hùng Vương là danh hiệu các vị vua thời dựng nước đầu tiên của dân tộc ta, là biểu tượng về cội nguồn và tinh thần dân tộc, được suy tôn ở cấp độ đặc biệt.

Anh hùng dân tộc là danh nhân tiêu biểu kiệt xuất, giữ vai trò quyết định trong những thời điểm lịch sử quan trọng, có đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc ghi dấu những mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; là người mà tài năng và đức độ trở thành biểu tượng bất tử được lưu truyền, suy tôn từ đời này qua đời khác.

Danh nhân tiêu biểu là người có đóng góp to lớn, xuất sắc trên một hoặc một số lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học hoặc các lĩnh vực khác có tầm ảnh hưởng sâu rộng thúc đẩy và tạo nên những chuyển biến lớn trong từng giai đoạn lịch sử, đưa xã hội tiến lên, đất nước phát triển; có đạo đức cao đẹp, được nhân dân suy tôn và ghi danh trong sử sách, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Danh nhân là người có đóng góp to lớn trên một hoặc một số lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử; có đạo đức trong sáng, được nhân dân suy tôn và ghi danh trong sử sách, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Tuy nhiên, khi lấy ý kiến về dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước về quyết định suy tôn danh hiệu danh nhân tại Hiến pháp sửa đổi để có cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định này.

Đại biểu Hoàng Tuấn Anh còn đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Khoản 4 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước quyết định công nhận các biểu tượng quốc gia, cụ thể bổ sung cụm từ “công nhận biểu tượng văn hoá quốc gia” sau cụm từ “danh hiệu vinh dự nhà nước”.

DUY BÌNH

(Lược ghi)