BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoà Đông A hôm nay

Cập nhật ngày: 18/10/2011 - 05:26

Chuyến đi dự lễ Đôn Ta ở ấp Khmer Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên thật thích. Được trở lại những con đường vắng xuyên rừng Hoà Hội, Phước Vinh mà lên những trảng Bà Điếc, đồi Thơ… những cái tên đã thành ký ức ăn sâu của các chiến sĩ văn nghệ một thời kháng chiến. Nếu không phải rẽ ngang vào Hoà Đông A thì sẽ còn qua những Lò Gò, Đà Ha, Cầu Khỉ để vào các di tích căn cứ văn nghệ năm xưa, giờ chỉ còn được nhận ra bởi một nhà bia, hoặc một tấm bia.

Con kênh ở Hoà Đông A

Những âm vang Khmer đã rộn rã ở trong kia, dưới những vòm me, vòm cây thốt nốt. Đang trưa, chẳng có cặp gái trai nào ra múa lâm thôn, nhưng tiếng nhạc vẫn bổng trầm thiết tha mời gọi giữa sân chùa. Trên ngôi Sa La, các bà các chị đã ngồi kín chỗ với các nhà sư đang chuẩn bị làm lễ cúng Đôn Ta. Mấy gian lớp học của mươi năm trước, giờ đã được cải tạo lại cho các nhà sư làm nơi tiếp khách. Giờ chỗ ấy lại trở nên rực rỡ nhất với gian tiền sảnh có diềm mái chạm nổi hoa văn. Các bờ nóc mái cũng được trang trí tượng hình rắn thần. Đặc biệt nữa là mỗi cột hiên còn có tượng các nàng tiên nữ Áp- sa- ra giương tay như đang nâng bổng mái nhà. Trường tiểu học Hoà Đông A bây giờ đã được xây trên phần đất đối diện chùa. Đất trường do bà Mon Thêm hiến cho ngành Giáo dục huyện xây trường mới ở bên ngoài chùa, khang trang hơn và không bị ảnh hưởng đến học sinh mỗi mùa vui lễ hội.

Thăm hỏi, tặng quà sư sãi xong, các đoàn đại biểu xã, huyện, tỉnh, Bộ đội Biên phòng lại cùng nhau về nhà của các già làng. Ở Hoà Hiệp, năm nào cũng vậy, bà con Khmer hai “sóc” xưa là Chàng Rục và Sóc Thiết cứ lấy nhà già làng Chàng Rục Đóc Sóc Kha làm nơi tổ chức lễ vui chung. Đón tiếp, trao quà, hàn huyên xong là đại biểu được mời ăn bữa cơm chung với bà con Khmer trong ấp. Vì thế, đàn bà con gái Khmer cũng đã tụ hội về đây từ sáng sớm. Lễ hội! Cũng phải chuẩn bị dăm ba món, vừa dâng cúng ông bà, vừa là cái cớ đẩy đưa những chén rượu mời. Món ăn của người Kinh, người Khmer đều có cả, trong đó không thể thiếu món chiêm lo- canh bún. Các bà, các chị đang quậy hẳn một nồi to như nồi nấu bánh tét. Khói thơm nghi ngút bốc lên từ nồi canh sóng sánh, vàng ươm. Gặp lại cả hai già làng: Đóc Sóc Kha và Chót Mao tại tiệc. Ông Chót Mao đã cao tuổi nên đi đứng chậm chạp hơn xưa, nhưng vẫn không quên nâng chén mời tới từng bàn. Năm nay, chuyện vui quá lớn đến với người dân ở Hoà Đông A. Đó chính là con kênh dẫn nước lòng hồ đã chảy ngang qua ấp, ngay trước nhà của Đóc Sóc Kha. Chẳng cứ người Khmer, mà ngay người Kinh ở các huyện cũng khó mà hình dung tại làm sao mà nước thuỷ lợi lòng hồ lại có thể ngược lên rừng. Vì ngay sát đây đã là Vườn quốc gia, liền kề với những cánh rừng chiến khu xưa, dằng đặc một dải biên cương Tổ quốc. Nay thì dòng kênh lấp lánh nước, thẳng băng chạy dọc Hoà Đông A. Kênh lớn hẳn hoi, rộng khoảng từ 7 đến 10 mét, vách ta- luy lót đá tô vữa xi măng trơn láng. Mặt bờ kênh cũng rộng không kém, đã trở thành con đường đất đỏ cho các em học sinh Khmer đạp xe đến trường và bà con đánh xe bò chở nông sản thật thong dong. Bà con kể, kênh này dài lắm, bắt đầu từ ở trạm bơm dưới xã Mỏ Công bên quốc lộ 22B, vòng qua xã Hoà Hiệp lại chạy xuôi về các xã Phước Vinh, Hảo Đước. Có lẽ chính nhờ con kênh này, mà cả một vùng đồng đất bao la của xã biên giới Hoà Hiệp giờ đây, nơi thì lúa xanh, chỗ là rẫy mì tốt ngợp… xa xa kia là những vườn cao su, xanh như một luỹ thành. Tha thẩn trong những con đường, ngõ xóm Hoà Đông A, thật khó tìm ra cái nhà nào còn tạm bợ, tranh, tre, nứa lá như vài năm trước. Cũng không còn giã gạo chầy tay trong cối gỗ. Những chỗ đang đào ao, đắp đất nền cũng chỉ thấy cỗ máy đào hì hụi ngoạm răng gầu cạp đất. Gầm sàn ngôi nhà sàn nào cũng dựng vài ba chiếc xe máy.

Nhà sàn ở Hoà Đông A

Bên cạnh những chòm cây thốt nốt, hay chuối mít xoài dừa… những cây thường thấy trong các vườn nhà Khmer, giờ còn thấy lênh khênh cả những vườn cau. Chuối xùm xoà trước ngõ một nếp nhà sàn gỗ ngói thô mộc hiền hoà. Cao vống một vườn cau sẫm xanh sau ngôi nhà trệt làm bật lên màu tường gạch mới đỏ au. Tất cả đã góp làm thành một bức tranh về nông thôn mới ở một ấp vùng sâu Hoà Đông A.

TRẦN VŨ