Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái…” tại Hoà Thành:
Hoãn rồi... huỷ !
Thứ sáu: 21:22 ngày 17/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau 3 lần hoãn, chiều ngày 15.3.2017, TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình huyện Hoà Thành (BQLDA Hoà Thành) với các bị cáo Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hoà, Đỗ Tú Toàn ra xét xử. Tuy nhiên, sau đó Toà tuyên huỷ án sơ thẩm, giao hồ sơ về Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh điều tra theo thủ tục chung.

Luật sư và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham dự phiên toà.

Mở đầu phiên xử phúc thẩm thứ tư, chủ toạ- thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên– TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh thông báo kiểm sát viên Nguyễn Văn Tùng thay bà Phạm Thị Hồng Đào giữ quyền công tố. Mặc dù các bị cáo không có ý kiến gì, nhưng luật sư Phương Văn Thêm (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh– một trong 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoà) cho rằng việc thay đổi kiểm sát viên trong một thời gian ngắn (sau phiên toà ngày 8.3.2017) không thể không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công tố. Vì vậy, luật sư Thêm đề nghị kiểm sát viên tóm tắt nội dung vụ án để… HĐXX kiểm chứng (?!). Tuy nhiên, đề nghị này không được HĐXX chấp nhận.

Trả lời xét hỏi của HĐXX, đại diện BQLDA Hoà Thành cho biết, kể từ khi công trình trụ sở Huyện uỷ - UBND huyện được bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, chủ đầu tư chưa thanh toán cho đơn vị thi công thêm khoản tiền nào, ngoài số tiền trên 16,8 tỷ đồng đã thanh toán trước đó. Về số tiền tạm ứng 5,5 tỷ đồng, đại diện BQLDA Hoà Thành xác định là chưa được thu hồi.

Nội dung này cũng được ông Phạm Xuân Tùng - đại diện UBND huyện, nguyên đơn dân sự trong vụ án xác nhận là đúng, đồng thời cho biết, sau khi UBND tỉnh có quyết định đồng ý quyết toán, UBND huyện họp với các đơn vị liên quan có phương án thu hồi 5,5 tỷ đồng. Ông Tùng khẳng định, biên bản cuộc họp này là “chứng cứ có thật, không phải giả mạo, không sai lệch”.

Thực hiện theo yêu cầu của vị đại diện VKS, ông Tùng đọc nguyên văn phần kết luận của biên bản: “Cuộc họp đánh giá việc thu hồi hoàn trả cho ngân sách huyện 5,5 tỷ đồng từ các nguồn phải trả cho Công ty Phát triển đô thị là khả thi”, và xác nhận phương án thu hồi là có căn cứ.

Về số tiền 5,5 tỷ đồng chi trả sai đối tượng cho Công ty Phương Hậu, ông Lâm Tấn Dũng- Đội thi công Công ty Phát triển đô thị xác nhận là do ông đề nghị BQLDA Hoà Thành chi trả thẳng cho Công ty Phương Hậu, dù giữa Công ty này và BQLDA không có liên quan với nhau.

Bị cáo Cao Sơn Nhân khai rằng, ông Dũng mua vật tư từ Công ty Phương Hậu, nên việc BQLDA Hoà Thành chi trả 5,5 tỷ đồng cho Công ty là đúng. Bị cáo Nhân cũng khẳng định, số tiền 5,5 tỷ đồng hiện nay chưa thu hồi được “nhưng sau phiên toà này sẽ thu hồi được”.

Bị cáo Hoà xác định đây là số tiền kết dư ngân sách của huyện, không phải nguồn tiền xây dựng cơ bản. Việc bị cáo Hoà làm thủ tục chi là theo chỉ đạo cấp trên. Số tiền trên chuyển vào tài khoản BQLDA Hoà Thành, mục đích là chi cho công trình Huyện uỷ – UBND, đẩy nhanh tiến độ thi công, về nguyên tắc là đúng.

Đại diện Phòng Tài chính huyện Hoà Thành cũng xác nhận, biên bản cuộc họp tại UBND huyện chỉ bàn phương án thu hồi nợ, và rất khả thi. Vì vậy, khi được HĐXX hỏi, đại diện Phòng Tài chính huyện trả lời hành vi tạm ứng 5,5 tỷ đồng của BQLDA Hoà Thành đến nay “chưa gây hậu quả, không có thiệt hại”.

Sau phần xét hỏi, đại diện VKS cho biết, ngày 2.12.2016, UBND tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 3079/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; ngày 15.12.2016, UBND huyện Hoà Thành có Biên bản số 34/BB-UBND thống nhất phương án thu hồi tiền tạm ứng ngân sách 5,5 tỷ đồng; ngày 14.3.2017, Sở Tài chính có Công văn số 502/STC-TCĐT phúc đáp giấy triệu tập đương sự của TAND cấp cao và kết quả xét hỏi đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch Hoà Thành là những chứng cứ mới sau phiên toà sơ thẩm, được đại diện UBND huyện, Sở Tài chính nộp tại phiên toà, cần phải được xác định, làm rõ thiệt hại như thế nào.

“Quan trọng hơn, tại phiên toà hôm nay, đại diện nguyên đơn dân sự khẳng định chưa có thiệt hại, xác định số tiền 5,5 tỷ đồng có thể thu hồi được”. Căn cứ vào các chứng cứ này, vị đại diện VKS quyết định thay đổi nội dung kháng nghị trước đây với lý do những chứng cứ mới không thể xem xét tại phiên toà phúc thẩm. VKS thay đổi nội dung kháng nghị từ tăng nặng hình phạt sang đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, chấp nhận một phần kháng nghị của VKS về yêu cầu kháng nghị huỷ toàn bộ bản án do có tình tiết mới cần làm rõ để điều tra xét xử lại.

Bào chữa cho bị cáo Nhân, luật sư Nguyễn Văn Hiệp (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, công trình trụ sở Huyện uỷ- UBND và các trường học do UBND tỉnh cung cấp vốn đầu tư xây dựng, 2 phiên họp của thường trực Huyện uỷ và UBND huyện thống nhất chủ trương tạm ứng tiền ngân sách huyện để chi cho các công trình xây dựng.

Sau đó, lãnh đạo UBND huyện duyệt, chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch tạm ứng ngân sách huyện nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Bị cáo Nhân chỉ là người đề nghị tạm ứng theo yêu cầu của đội thi công nên không phải là người chịu trách nhiệm chính, chỉ là người thừa hành nhiệm vụ.

Việc thu hồi trả ngân sách chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan. Mặt khác, thời điểm này, bị cáo Nhân được điều động về làm Bí thư xã Long Thành Trung vào tháng 7.2012, trong khi đến tháng 9.2013 hồ sơ dự toán điều chỉnh bổ sung quyết toán mới được UBND tỉnh phê duyệt nên cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Nhân không quyết toán công trình, không thu hồi tiền tạm ứng là “oan”.

Số tiền 2 tỷ đồng ứng cho Công ty Hiệp Phát và số tiền 500 triệu đồng của công trình 797 đã thu hồi xong. Riêng số tiền 5,5 tỷ đồng, UBND huyện đã có phương án thu hồi khả thi. Theo luật sư Hiệp, căn cứ Luật Ngân sách và các văn bản khác mà cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Nhân cố ý làm trái là không đúng quy định pháp luật, vì chi sai tiền từ ngân sách, đối tượng chính chịu trách nhiệm là các cơ quan có thẩm quyền, còn bị cáo Nhân chỉ là người thừa hành… Vì vậy, luật sư Hiệp đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nhân không phạm tội “Cố ý làm trái…”, huỷ án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Bào chữa cho bị cáo Hoà, luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng tội “Cố ý làm trái...” phải có dấu hiệu của hành vi cố ý và phải xảy ra hậu quả, nhưng trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là UBND huyện xác định chưa gây thiệt hại nên chưa có căn cứ buộc tội, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoà không phạm tội.

Cùng bào chữa cho bị cáo Hoà, luật sư Phạm Hữu Quốc (Đoàn Luật sư Ninh Thuận), luật sư Trần Thành Chiến, luật sư Phương Văn Thêm (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) đều cho rằng, bị cáo Hoà không có hành vi làm trái, mà làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, đến nay không gây hậu quả, chưa có thiệt hại xảy ra, trong khi hiện nay, UBND huyện đã có phương án thu hồi số tiền 5,5 tỷ đồng khả thi.

Bào chữa cho bị cáo Dân, luật sư Lý Thanh An (Đoàn Luật sư Tây Ninh) khẳng định, luật sư “có cơ sở vững chắc, hành vi của bị cáo Dân không thể xử lý hình sự”, vì chưa gây thiệt hại về vật chất và phi vật chất. Bị cáo Dân chỉ thực hiện việc ký rút tiền, không chi tiền trong khi đó luật quy định là “chi sai” mới phạm tội. Mặt khác, số tiền 2 tỷ đồng mà cấp sơ thẩm quy kết cho bị cáo Dân đã được thu hồi trước khi vụ án khởi tố. Vì vậy, luật sư An đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Dân không phạm tội.

Bào chữa cho bị cáo Toàn, luật sư Trương Quốc Phòng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, án sơ thẩm xác định Toàn không trực tiếp vi phạm mà chỉ là người giúp sức, bản thân bị cáo Toàn chỉ thực hiện theo lệnh của cấp trên nên đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội, huỷ án sơ thẩm, đình chỉ vụ án.

Sau khi nghị án, thay mặt HĐXX, chủ toạ phiên toà Huỳnh Thanh Duyên nhận định, Toà án cấp sơ thẩm không làm rõ được thời điểm ông Dũng ứng số tiền 5,5 tỷ đồng, cũng như BQLDA thanh toán khối lượng thi công cho ông Dũng vào thời gian nào mà quy kết các bị cáo không thu hồi tiền tạm ứng, vi phạm Nghị định 48/NĐ-CP của Chính phủ là chưa có căn cứ.

Ngày 19.9.2013, UBND huyện phê duyệt dự toán 3 công trình phụ, nhưng đến năm 2015, UBND huyện có tờ trình xin chủ trương của tỉnh quyết toán khối lượng theo hợp đồng chính và khối lượng hợp đồng phát sinh. Trong khi trước đó, bị cáo Nhân và bị cáo Dân đã điều chuyển công tác từ tháng 4 và tháng 7.2012, không còn giữ chức vụ gì ở BQLDA. Toà sơ thẩm đã không làm rõ các bị cáo có quyền và trách nhiệm gì vào thời điểm này, mà vội vàng quy kết là chưa có cơ sở vững chắc.

Mặt khác, cấp sơ thẩm cho rằng, các bị cáo ứng tiền cho Công ty Phương Hậu sai đối tượng, trong khi việc chi tiền này do có đề nghị của ông Dũng. Thời điểm này, cả Công ty Phát triển đô thị và ông Dũng thừa nhận tạm ứng 5,5 tỷ đồng và không khiếu nại gì đối với việc chi tiền cho Công ty Phương Hậu.

Chủ toạ phiên toà cho rằng, hành vi của bị cáo có sai, nhưng hậu quả có xảy ra hay không chưa được làm rõ, trong khi tội “cố ý làm trái…” có “hậu quả” là dấu hiệu bắt buộc. Thời điểm điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, công trình trụ sở Huyện uỷ – UBND vẫn chưa được quyết toán.

Tháng 12.2016, UBND tỉnh mới phê duyệt quyết toán, trong khi tại thời điểm xét xử sơ thẩm vẫn chưa xác định thiệt hại có xảy ra và có gây hậu quả nghiêm trọng hay không? Nếu thực tế có gây ra thiệt hại cho UBND huyện thì cấp sơ thẩm phải xác định cụ thể số tiền thiệt hại, số tiền thất thoát, sau khi quyết toán xong, cần thiết phải có giám định tài chính. Việc này chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.

Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện UBND huyện xuất trình được 2 chứng cứ mới như đại diện VKS nhận định, trong khi đó vấn đề này toà án cấp sơ thẩm chưa làm rõ mà xét xử là chưa có cơ sở vững chắc.

HĐXX cũng nhận định rằng, nguồn tiền tạm ứng là tiền kết dư ngân sách cuối năm cho mượn, chứ không phải là nguồn vốn xây dựng cơ bản. Nguồn tiền này có phải được giải ngân cho xây dựng cơ bản và có điều chỉnh theo Nghị định số 48/NĐ-CP hay không cũng chưa được làm rõ.

Trong khi đó, tại phiên toà, đại diện UBND huyện cho rằng huyện sẽ thu hồi số tiền trên trên cơ sở nhà thầu quyết toán công trình xong, số tiền tạm ứng sẽ trả lại, sau đó BQLDA sẽ hoàn trả vào ngân sách huyện. Tại các tờ trình bị cáo Nhân nêu rõ, BQLDA sẽ làm thủ tục hoàn trả ngân sách sau khi UBND tỉnh cấp vốn bổ sung, nhưng vấn đề này cấp sơ thẩm chưa làm rõ. 

Chủ toạ phiên toà kết luận: “Việc điều tra của cấp sơ thẩm không đầy đủ, cấp sơ thẩm không xem xét toàn diện vụ án, còn nhiều thiếu sót mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục được. Việc thiếu sót trên sẽ ảnh hưởng đến tội danh, hình phạt đối với các bị cáo.

Vì vậy, HĐXX xét thấy cần thiết phải huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho VKSND tỉnh điều tra lại theo thủ tục chung nên chấp nhận kháng nghị VKS, chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, huỷ Bản án sơ thẩm số 18/2016/HSST ngày 24.6.2016 của TAND tỉnh Tây Ninh, giao hồ sơ về VKSND Tây Ninh điều tra theo thủ tục chung”.

ĐỨC TIẾN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục