Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ cuối)
Thứ tư: 08:44 ngày 19/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là ngày 12 tháng 6 năm 2021 (hoặc 20 ngày sau ngày bầu cử).

Câu 196. Bầu cử thêm là gì? Việc bầu cử thêm được thực hiện như thế nào?

Trong cuộc bầu cử đầu tiên tại một đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó thì Ban bầu cử đại biểu Quốc hội phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm đại biểu Quốc hội khoá XV ở đơn vị bầu cử đó.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên tại một đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp đó nhiệm kỳ 2021-2026 chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử này thì Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp tương ứng phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Uỷ ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai. Đơn vị bầu cử đó được xác định là đơn vị bầu cử thiếu đại biểu (tức là sau khi đã tổ chức bầu cử thêm mà vẫn không bầu được đủ số đại biểu đã được ấn định cho đơn vị bầu cử đó).

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử thêm được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên.

Câu 197. Bầu cử lại là gì? Việc bầu cử lại được thực hiện như thế nào?

Bầu cử lại là việc bầu cử được thực hiện ở các đơn vị bầu cử mà tại cuộc bầu cử đầu tiên, số cử tri đi bỏ phiếu tại đơn vị bầu cử chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri hoặc việc bầu cử được thực hiện ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong cuộc bầu cử đầu tiên và kết quả bầu cử bị hUỷ bỏ theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ vào biên bản do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chuyển đến, đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử lại đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri hoặc kết quả bầu cử lần đầu bị hUỷ bỏ do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định ngày bầu cử lại đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc kết quả bầu cử lần đầu bị Hội đồng bầu cử quốc gia huỷ bỏ do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử lại được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên.

Câu 198. Trong trường hợp phải tổ chức bầu cử thêm, bầu cử lại thì thời hạn gửi biên bản xác định kết quả bầu cử cũng như việc mốc tính thời hạn gửi biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện như thế nào?

Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là biên bản duy nhất xác định kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội ở từng đơn vị bầu cử của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do vậy, trong trường hợp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có những đơn vị bầu cử phải tiến hành bầu cử thêm hoặc đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu phải tiến hành bầu cử lại, thì Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa lập Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố mình (theo Mẫu số 22/HĐBC-QH) mà khẩn trương có báo cáo bằng văn bản gửi Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị xem xét, quyết định việc bầu cử thêm, bầu cử lại ở đơn vị bầu cử. Nội dung báo cáo cần nêu cụ thể số lượng đơn vị bầu cử, tổng số cử tri, số cử tri tham gia bỏ phiếu tại địa phương; các đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri của đơn vị bầu cử hoặc đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải tổ chức bầu cử lại; các đơn vị bầu cử có số người trúng cử ít hơn số đại biểu Quốc hội được bầu do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định, phải tổ chức bầu cử thêm,...

Trường hợp Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định bầu cử thêm, bầu cử lại ở đơn vị bầu cử, thì thời hạn để gửi Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến các cơ quan, tổ chức hữu quan vẫn thực hiện theo quy định tương ứng của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng mốc tính thời hạn là kể từ ngày hoàn thành việc bỏ phiếu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh (tức ngày bầu cử lại, ngày bầu cử thêm).

Câu 199. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gồm những nội dung gì?

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Hội đồng bầu cử quốc gia lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV trong cả nước.

Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV có các nội dung sau đây:

- Tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.

- Tổng số người ứng cử.

- Tổng số cử tri trong cả nước.

- Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri trong cả nước.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử.

- Danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV theo từng đơn vị bầu cử.

- Những việc quan trọng đã xảy ra và kết quả giải quyết.

- Những khiếu nại, tố cáo do Hội đồng bầu cử quốc gia đã giải quyết.

Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội được lập thành 05 bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Biên bản được gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trình Quốc hội khoá mới.

Câu 200. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 gồm những nội dung gì?

Sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Uỷ ban bầu cử ở từng cấp lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà mình chịu trách nhiệm tổ chức (theo Mẫu số 27/HĐBC-HĐND).

Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 có các nội dung sau đây:

- Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu của đơn vị hành chính.

- Tổng số người ứng cử.

- Tổng số cử tri của đơn vị hành chính có quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tương ứng.

-  Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của đơn vị hành chính có quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tương ứng.

- Số phiếu hợp lệ.

- Số phiếu không hợp lệ.

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử (có tỷ lệ % so với tổng số phiếu hợp lệ).

- Những việc quan trọng đã xảy ra và kết quả giải quyết.

- Những khiếu nại, tố cáo do Uỷ ban bầu cử đã giải quyết.

Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được lập thành 06 bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban bầu cử. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được gửi đến Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Câu 201. Việc công bố kết quả bầu cử, danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào thời điểm nào?

Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là ngày 12 tháng 6 năm 2021 (hoặc 20 ngày sau ngày bầu cử).

Uỷ ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là ngày 02 tháng 6 năm 2021 (hoặc 10 ngày sau ngày bầu cử).

Uỷ ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện chậm nhất là ngày 02 tháng 6 năm 2021 (hoặc 10 ngày sau ngày bầu cử).

Uỷ ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất là ngày 02 tháng 6 năm 2021 (hoặc 10 ngày sau ngày bầu cử).

Câu 202. Thời hạn giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được quy định như thế nào?

Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội. Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Uỷ ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Uỷ ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

Câu 203. Việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện như thế nào?

Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, cấp Giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khoá XV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khoá XV về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.

Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ở cấp mình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban bầu cử các cấp tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp Giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khoá mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân.

Trường hợp có đơn thư tố cáo đối với người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng chưa có kết luận, kết quả xác minh, trả lời chính thức của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thì Uỷ ban bầu cử các cấp vẫn tiến hành việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình căn cứ vào các tài liệu, kết luận hiện có. Các nội dung tố cáo chưa có kết luận hoặc chưa được giải quyết được chuyển cho Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới để tiếp tục xem xét, gỉải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp cơ quan chức năng đã có kết luận kiểm tra khẳng định người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có vi phạm và bị xử lý kỷ luật với hình thức từ khiển trách trở lên thì Uỷ ban bầu cử cần xem xét, đánh giá cụ thể về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật, không phù hợp với tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân là phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Uỷ ban bầu cử không công nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người này.

Trường hợp sau khi người trúng cử đã được xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân mà cơ quan chức năng mới có kết luận khẳng định người này có vi phạm pháp luật, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Hội đông nhân dân, không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới sẽ xem xét, quyết định việc tự mình báo cáo để Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp báo cáo để cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người có vi phạm theo quy định tại Điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Câu 204. Thế nào là bầu cử bổ sung? Việc bầu cử bổ sung được thực hiện khi nào?

Bầu cử bổ sung là việc tổ chức bầu cử trong thời gian giữa nhiệm kỳ của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân để bầu thêm số đại biểu thiếu hụt so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu trong nhiệm kỳ (500 đại biểu) hoặc so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở đầu nhiệm kỳ của đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 02 năm và thiếu trên 10% tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.

Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Hội đồng nhân dân thiếu trên một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.

- Đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính hiện có có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Câu 205. Việc niêm phong, quản lý phiếu bầu cử sau khi kiểm phiếu được thực hiện như thế nào?

Sau khi kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, Tổ bầu cử tiến hành niêm phong phiếu bầu cử theo từng loại phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó chia riêng số phiếu bầu cử hợp lệ và số phiếu bầu cử không hợp lệ.

Toàn bộ số phiếu đã được niêm phong phải được Tổ bầu cử cho vào hòm phiếu và làm thủ tục niêm phong hòm phiếu có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý các loại phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử ở địa phương mình. Trong thời gian quản lý phiếu bầu cử theo quy định của pháp luật về lưu trữ (ít nhất là 05 năm), nếu không có ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền thì tuyệt đối không được mở và kiểm tra phiếu bầu cử đã được niêm phong.

Câu 206. Việc lưu trữ, xử lý phiếu bầu và các tài liệu do Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử chuyển đến được xử lý như thế nào?

Sau khi kết thúc bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử có trách nhiệm bàn giao các loại phiếu bầu cử, biên bản, tài liệu liên quan đến công tác bầu cử đến Uỷ ban nhân dân cấp tương ứng để bảo quản và lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Thời gian lưu trữ ít nhất là 05 năm đối với phiếu bầu cử và 10 năm đối với các tài liệu khác.

Câu 207. Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, việc quản lý con dấu được thực hiện như thế nào?

Các mẫu dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử đã được thiết kế để dùng lâu dài trong tất cả các cuộc bầu cử nhằm tiết kiệm chi phí. Do đó, sau khi kết thúc cuộc bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm bàn giao con dấu của tổ chức mình cho các cơ quan hành chính nhà nước để lưu giữ, quản lý, tiếp tục sử dụng cho cuộc bầu cử tiếp theo. Cụ thể như sau:

- Các Tổ bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và Uỷ ban bầu cử ở cấp xã bàn giao các con dấu của tổ chức mình cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử.

- Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và Uỷ ban bầu cử ở cấp huyện bàn giao con dấu của tổ chức mình cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp (qua Phòng Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử.

- Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban bầu cử ở cấp tỉnh bàn giao con dấu của tổ chức mình cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục