Sắp tới, hai tỉnh Tây Ninh - Kampong Cham sẽ tiến hành ký kết biên bản thoả thuận hợp tác toàn diện.
Như tin đã đưa, trong 2 ngày 27-28.4.2011 tại thị xã Tây Ninh, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) và tỉnh Kampong Cham (Vương quốc Campuchia) tổ chức hội thảo quốc tế về tăng cường hợp tác kiểm soát buôn bán các loài hoang dã qua biên giới. Góp phần vào việc thành công tốt đẹp của hội thảo quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh nhà, Sở Ngoại vụ tỉnh Tây Ninh đã tích cực phối hợp các ngành liên quan chuẩn bị nội dung chương trình hội thảo, dịch thuật tài liệu từ tiếng Khmer sang tiếng Việt, tổ chức đón tiếp các vị đại biểu của tỉnh bạn và trình bày báo cáo tham luận về kết quả hợp tác phát triển giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Kampong Cham trong thời gian qua.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Lê Minh Trọng (thứ hai từ phải sang) tặng hoa chúc mừng Tỉnh trưởng Kampong Cham Hun Neng trong dịp tết cổ truyền “Năm Thoc T’rây Sắc” (năm con thỏ) – Phật lịch 2555 của dân tộc Khmer. |
Tham luận của Sở Ngoại vụ cho biết, Tây Ninh có đường biên giới dài khoảng 240 km, tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, trong đó giáp với tỉnh Kampong Cham 120 km. Trong những năm qua lãnh đạo tỉnh nhà luôn coi trọng công tác đối ngoại, hợp tác với các tỉnh của Campuchia, có chung đường biên giới, nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biên giới, thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa hai bên, qua đó cải thiện nâng cao đời sống của cư dân vùng biên giới. Đáng kể nhất là hai địa phương Tây Ninh - Kampong Cham đã phối hợp thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước về hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 giữa hai nước Việt Nam và Campuchia; theo đó hai tỉnh sẽ tiến hành cắm 52 cột mốc, từ cột mốc số 79 đến cột mốc số 130. Từ năm 2006 đến nay đã xác định được 42/52 vị trí mốc, số cột mốc xác định đã xây dựng cơ bản xong, hiện còn 10 vị trí mốc chưa xác định. Bên cạnh công tác phân giới cắm mốc, hai bên thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ cột mốc biên giới.
Về công tác bảo vệ an ninh trật tự biên giới, BCH Bộ đội Biên phòng, Công an Tây Ninh thực hiện biên bản thoả thuận, phối hợp bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới, phục vụ công tác phân giới cắm mốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn bán ma tuý và buôn bán người. Phối hợp quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh về nước từ năm 2001 đến nay.
Về hợp tác phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và kiểm soát gia cầm, trâu bò nhập lậu qua biên giới, tạo điều kiện cho nhân dân biên giới qua lại trao đổi hàng hoá. Huyện Tân Châu và Châu Thành ký kết thoả thuận mở đường mòn thông quan hàng hoá với huyện Ponhea Kraet của tỉnh Kampong Cham. Ngoài ra, Tây Ninh còn giúp bạn về trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám chữa bệnh cũng như trong công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu. Đặc biệt là đoàn y bác sĩ của tỉnh sang khám bệnh và phát thuốc, tặng quà cho 330 người nghèo thuộc tỉnh Kampong Cham với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 200 triệu đồng. Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam (tỉnh Kampong Cham, Tây Ninh, Bình Phước) đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất vào tháng 9.2010 để đánh giá tình hình kết quả hoạt động, ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong việc hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực thương mại, công, nông nghiệp, sửa chữa cầu đường, giáo dục, y tế, du lịch… góp phần thiết thực nâng cao đời sống của nhân dân hai địa phương và bày tỏ quan điểm, tư tưởng về tăng cường thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh giáp biên với những hoạt động chung thiết thực, hiệu quả và phát triển bền vững.
Tỉnh Tây Ninh hỗ trợ 50 triệu đồng góp phần xây dựng trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kampong Cham |
Được biết, trong thời gian tới hai tỉnh Tây Ninh- Kampong Cham sẽ tiến hành ký kết biên bản thoả thuận hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển.
THD