Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định về khôi phục sản xuất trong dịch bệnh Covid-19, có 73 doanh nghiệp đăng ký khôi phục sản xuất và bổ sung lao động. Trong đó có 29 doanh nghiệp đăng ký khôi phục sản xuất, 44 doanh nghiệp doanh nghiệp bổ sung lao động.
Công nhân sản xuất trong điều kiện “3 tại chỗ” tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KTT) và cụm công nghiệp (CCN) bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng theo hình thức “3 tại chỗ”.
Doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch phục hồi sản xuất
Trước tình hình trên, để duy trì "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế- nhất là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2104 về phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ðây được xem là giải pháp cần thiết của tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, bảo đảm chuỗi cung cấp hàng hoá tại các KCN, KTT, CCN trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, tính đến nay, tỉnh có 6 KCN nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 3.969 ha. Trong đó, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập, với tổng diện tích đất được duyệt là 3.385,96 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 2.540,1 ha, diện tích đã cho thuê 1.552,09 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 61,14%.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 KKT cửa khẩu, gồm KKT cửa khẩu Mộc Bài (21.284 ha) và KKT cửa khẩu Xa Mát (34.197 ha). Trong KKT cửa khẩu Mộc Bài có 1 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích đất được duyệt là 108,11 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 72,54 ha, diện tích đã cho thuê 55,76 ha- đạt 76,87%.
Luỹ kế, trên địa bàn các KCN, KKT cửa khẩu có 364 dự án (267 dự án có vốn đầu tư nước ngoài- FDI, 97 dự án trong nước), với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7.604,63 triệu USD và 18.685,04 tỷ đồng (tổng cộng tương đương 8.580,07 triệu USD).
Trước thời điểm dịch Covid lần thứ 4 bùng phát tại các KCN trên địa bàn tỉnh, có 268 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh với khoảng 133.693 lao động (130.538 lao động trong nước và 3.155 lao động nước ngoài). Khi dịch bệnh xuất hiện trong KCN, còn 156 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ” với khoảng 27.000 lao động.
Tính đến thời điểm hiện nay, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định về khôi phục sản xuất trong dịch bệnh Covid-19, có 73 doanh nghiệp đăng ký khôi phục sản xuất và bổ sung lao động. Trong đó có 29 doanh nghiệp đăng ký khôi phục sản xuất, 44 doanh nghiệp doanh nghiệp bổ sung lao động. Tổng số lao động dự kiến được đưa vào sản xuất theo các phương án được duyệt khoảng 29.000 người, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên 185 doanh nghiệp với khoảng 56.000 người, chiếm hơn 40% số lao động thời điểm bình thường.
Trên địa bàn tỉnh có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động (CCN Bến Kéo, thị xã Hoà Thành; Tân Hội 1, huyện Tân Châu; Thanh Xuân 1, huyện Tân Biên; Ninh Ðiền và Hoà Hội, huyện Châu Thành) với diện tích đất công nghiệp 146,62 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 129,79 ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 88,52% so diện tích đất công nghiệp; thu hút được 20 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.070,07 tỷ đồng, có 17 dự án đang hoạt động.
Các doanh nghiệp trong CCN tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động với các ngành nghề: may mặc, khí hrydro, sorbitol, sản xuất gạch, chế biến tinh bột mì, dệt sợi, xử lý phế liệu rắn...
Từ khi dịch bệnh bùng phát, có 2 CCN với tổng số 4 doanh nghiệp dừng hoạt động (CCN Bến Kéo và CCN Thanh Xuân), hiện các doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng phương án khôi phục sản xuất kinh doanh và chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng 3 CCN còn lại hoạt động cầm chừng với 6 doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 1.100 lao động; 7 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Ðến nay, có 11 doanh nghiệp với khoảng 2.400 lao động trong các CCN tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Bảo đảm duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa là một trong những giải pháp mà tỉnh chú trọng đến tại các doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn ðịnh sản xuất theo lộ trình
Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, đa số các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” gặp khó khăn về bố trí chỗ ăn, nghỉ cho người lao động trong nhà máy. Do trước đây khi xây dựng các công trình sản xuất, các chủ đầu tư không tính đến phương án cho người lao động lưu trú tại nhà máy (trừ nhà quản lý, chuyên gia người nước ngoài). Do đó, một số doanh nghiệp bố trí tạm thời cho người lao động nghỉ tại khu vực sản xuất, khó bảo đảm về điều kiện sinh hoạt lâu dài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", chuyển qua phương thức "1 cung đường, 2 điểm đến" cũng rất khó thực hiện đúng theo quy định, vì người lao động ở nhiều địa phương, khó có thể tập hợp hoặc bố trí chỗ ở tại một địa điểm bên ngoài.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi sử dụng lao động ngoài tỉnh; lao động chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19; chi phí sản xuất phát sinh nhiều so với kế hoạch tài chính ban đầu của công ty (chi phí ăn nghỉ tại chỗ, xét nghiệm định kỳ, vận chuyển hàng hoá tăng mạnh).
Thời gian qua, việc áp dụng quy định về hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hoá của các địa phương không thống nhất, gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Trước những khó khăn nêu trên, tỉnh có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Theo đó, đối với lao động ngoài tỉnh, Tây Ninh đề xuất Chính phủ có cơ chế cho phép người lao động đã tiêm vaccine đủ 2 mũi hoặc người đã điều trị khỏi bệnh Covid (trong 3 tháng gần nhất), có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại giữa các địa phương để trở lại làm việc trong điều kiện “bình thường mới”.
Ðối với lao động trong tỉnh, tạo điều kiện cho người lao động tại các vùng xanh được đi làm hằng ngày bằng phương tiện cá nhân nếu đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid sau 14 ngày hoặc người đã điều trị khỏi bệnh Covid. Ðồng thời ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ tài xế, lực lượng lao động làm việc tại các nhà máy sản xuất (bao gồm lực lượng lao động không thực hiện “3 tại chỗ”).
Các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh, gia hạn nợ cho doanh nghiệp; xem xét cắt, giảm thủ tục không cần thiết đối với thủ tục cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài: giấy khám sức khoẻ; quy định hợp pháp hoá lãnh sự các văn bằng, chứng chỉ.
Với những giải pháp mà tỉnh đưa ra, cùng sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương nơi có KCN, KTT và CCN, hy vọng các doanh nghiệp sẽ có những phương án tối ưu phục hồi sản xuất theo lộ trình mà tỉnh đề ra, để hoạt động cung ứng hàng hoá tiếp tục được duy trì và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”.
Thế Nhân