Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Môn Lịch sử thành môn học tự chọn - hiểu thế nào cho đúng?
Bài 1: Môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018
Thứ tư: 07:30 ngày 20/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ chuyện môn học, việc môn Lịch sử thành môn học tự chọn đang có diễn biến phức tạp, vượt ra ngoài phạm vi lĩnh vực giáo dục: nhiều người nhân cơ hội này bắt đầu đả phá chế độ, mỉa mai, bươi móc, chửi bới… không chỉ ngành Giáo dục.

Học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10, năm học 2021-2022

Dư luận cả trong và ngoài ngành Giáo dục, cả trên báo chí chính thống lẫn mạng xã hội đang sôi sục trước thông tin môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn, không còn là môn học bắt buộc như từ trước đến nay.

Có rất nhiều điều cần làm rõ xung quanh câu chuyện này, nhưng cần khẳng định không có chuyện xoá môn Lịch sử khỏi chương trình giáo dục phổ thông như nhiều người đang bàn tán trên mạng xã hội. Không chỉ chuyện môn học, việc môn Lịch sử thành môn học tự chọn đang có diễn biến phức tạp, vượt ra ngoài phạm vi lĩnh vực giáo dục: nhiều người nhân cơ hội này bắt đầu đả phá chế độ, mỉa mai, bươi móc, chửi bới… không chỉ ngành Giáo dục.

ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

Theo cấu trúc của chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình tổng thể), ở cấp THPT, có 3 đặc điểm khái quát về nội dung giáo dục ở môn Lịch sử. Thứ nhất, đó là nội dung giáo dục lịch sử với tính cách là một môn khoa học: dựa trên thành tựu cập nhật của giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam và thế giới, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của sử học (trung thực, khách quan, toàn diện, cụ thể), hướng tới hình thành thế giới quan khoa học, tư duy phê phán, thực chứng, biện chứng của người học.

Thứ hai, Lịch sử là môn học dạy làm người, góp phần phát triển các phẩm chất của công dân Việt Nam toàn cầu: yêu nước, nhân ái, trung thực, khoan dung, dũng cảm, chăm chỉ, cởi mở tiếp nhận cái mới và sống hoà thuận với thế giới xung quanh, trọng danh dự của bản thân và tôn trọng sự khác biệt, yêu hoà bình… Thứ ba, Lịch sử là môn học có định hướng ứng dụng cao theo đúng tinh thần “ôn cố tri tân”, biết học Lịch sử để làm gì, có thể ứng dụng tri thức Lịch sử vào cuộc sống như thế nào.

Dạy và học Lịch sử theo định hướng tiếp cận năng lực được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử: thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách chân thực, khách quan quá trình hình thành, phát triển của các sự kiện, quá trình lịch sử, đồng thời đặt quá trình phát triển đó trong sự tương tác với các nhân tố liên quan trong suốt quá trình vận động của chúng.

Giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh mà chú trọng việc hướng dẫn học sinh nhận diện và khai thác các nguồn sử liệu, từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử để tìm kiếm sự thật lịch sử một cách khoa học, xây dựng và phát triển những năng lực chuyên môn của môn Lịch sử.

Để thực hiện mục tiêu giáo dục của chương trình môn Lịch sử, cần coi trọng và phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội ngay từ cấp tiểu học đến các cấp THCS, THPT ở những mức độ và hình thức khác nhau.

Cần ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học lịch sử, khuyến khích học sinh tự tìm đọc, thu thập tư liệu lịch sử trên mạng Internet, trong thư viện để thực hiện các nghiên cứu cá nhân hoặc theo nhóm, có khả năng trình bày, thảo luận kết quả nghiên cứu; xây dựng kỹ năng sử dụng các phương tiện CNTT để hỗ trợ cho việc tái hiện, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.

Dạy học lịch sử theo định hướng phát triển năng lực chú trọng đến vấn đề: phát hiện và giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, coi trọng việc sử dụng các phương tiện trực quan như hiện vật lịch sử, tranh ảnh lịch sử, bản đồ, biểu đồ, sa bàn, mô hình, phim tài liệu lịch sử.

Học sinh cần được hướng dẫn phương pháp tự học, biết cách tìm tòi, khai thác các nguồn sử liệu, đồng thời biết cách phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam và thế giới.

Mở rộng không gian dạy học, không chỉ trong lớp học mà còn trên thực địa (di tích lịch sử và văn hoá), bảo tàng, khu triển lãm...; tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại, kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động trải nghiệm trên thực tế. Việc kết hợp các thành tựu của khoa học giáo dục hiện đại với việc sử dụng một cách tích cực các phương pháp của sử học là chìa khoá thành công của quá trình dạy học lịch sử.

Sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) là nền tảng quan trọng để hình thành năng lực chuyên môn Lịch sử. Trong đó, nhà trường xây dựng và phát triển kiến thức, kỹ năng cho học sinh; gia đình và xã hội tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng lịch sử vào những tình huống thực tiễn của cuộc sống.

Giáo viên là người chủ động thiết lập và duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục lịch sử thông qua các mô hình phối hợp như: tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh có sự tham gia của phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội, tổ chức các hoạt động “Cha mẹ lắng nghe con kể chuyện lịch sử”, “Cha mẹ cùng con khám phá lịch sử đất nước, lịch sử địa phương”...

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ

Việc đánh giá kết quả giáo dục cần được thực hiện trên các phương diện: phẩm chất, năng lực chung và các năng lực chuyên môn Lịch sử; đánh giá quá trình, đánh giá cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp, đánh giá cấp quốc gia... Trong đánh giá kết quả học tập, căn cứ vào yêu cầu cần đạt được xác định trong chương trình môn học để xác định phương thức, phương pháp và nội dung đánh giá.

Cần chú ý rằng, đánh giá năng lực và phẩm chất không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá. Bên cạnh nội dung lý thuyết, coi trọng việc đánh giá các kỹ năng thực hành (làm việc với các nguồn sử liệu, bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát; thu thập, xử lý và hệ thống hoá thông tin, sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời, sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập...).

Ngoài ra, cần đa dạng hoá các hình thức và phương pháp đánh giá như: bài thi/bài kiểm tra theo hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan; kiểm tra miệng, quan sát, thực hành, bài tập, các dự án/sản phẩm học tập, nghiên cứu... Về phương thức đánh giá, bao gồm cả đánh giá định tính, đánh giá định lượng và sự kết hợp định tính với định lượng, trên cơ sở đó tổng hợp việc đánh giá chung năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể. Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, củng cố các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái; góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại...

Chương trình môn Lịch sử hệ thống hoá, củng cố kiến thức ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.

Chương trình môn Lịch sử góp phần giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, các phẩm chất, năng lực của người công dân Việt Nam, công dân toàn cầu phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; giúp học sinh tiếp cận và nhận thức rõ vai trò, đặc điểm của khoa học lịch sử cũng như sự kết nối giữa sử học với các lĩnh vực khoa học và ngành nghề khác, tạo cơ sở để học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai; học sinh phát triển năng lực lịch sử (tìm hiểu, nhận thức và tư duy lịch sử; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học) trên nền tảng kiến thức cơ bản và nâng cao về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam thông qua hệ thống chủ đề, chuyên đề về lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, văn minh. 

 

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh