Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nền nông nghiệp “mới”: Kỳ vọng của nông dân
Bài 1: Nhiều thay đổi tích cực
Thứ tư: 06:20 ngày 15/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp, Tây Ninh đã có nhiều nét mới. Trong cái “mới” đó có giá trị tích cực và có cả những hạn chế cần đánh giá lại cũng như thận trọng xem xét triển khai, thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Xin tạm gọi nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp “sạch”, nông nghiệp hiện đại đang được tỉnh tập trung thực hiện theo chuỗi giá trị đã có hiệu quả bước đầu là “nông nghiệp mới”. Sau 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp, Tây Ninh đã có nhiều nét mới. Trong cái “mới” đó có giá trị tích cực và có cả những hạn chế cần đánh giá lại cũng như thận trọng xem xét triển khai, thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Phân loại trứng gà ở một doanh nghiệp chăn nuôi tại Tân Biên. Ảnh: Hoàng Anh

Sự chuyển biến về chất

Theo UBND tỉnh, việc cơ cấu lại nông nghiệp nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung. Trong đó, tỉnh cơ cấu lại việc sử dụng các nguồn lực, công nghệ sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất và đặc biệt là các chủ thể sản xuất kinh doanh nhằm tăng giá trị, phát triển bền vững và đi đúng xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 5 năm (2013-2017), giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản tăng bình quân 2,36%/năm. Cơ cấu cây trồng chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến.

Diện tích lúa giảm trung bình 0,2%/năm (giảm khoảng 8.100 ha đất trồng lúa một, hai vụ kém hiệu quả); diện tích mía giảm trung bình 8,6%/năm; diện tích cao su giảm trung bình 0,5%/năm. Bù lại, năng suất và sản lượng bình quân của các cây trồng trên tăng so với thời điểm năm 2013 trở về trước.

Ðáng chú ý là diện tích cây ăn trái từ 15.610 ha thời điểm năm 2013 đã tăng lên trên 20.000 ha vào năm 2017, tốc độ tăng bình quân khoảng 8,3%/năm. Ðiều đó cho thấy, ngành nông nghiệp đã và đang chuyển đổi mạnh một số cây trồng cho hiệu quả thấp (lúa, cao su, mía...) sang các loại cây ăn trái với quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao (nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, mít, khóm...), đem lại giá trị tăng thêm 3 - 4 lần.

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp “sạch”, nông sản an toàn cho người dùng. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 5% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP với 17 cơ sở trồng rau an toàn được chứng nhận GAP trên diện tích 69 ha; có trên 7 ha sử dụng công nghệ trồng rau, dưa lưới, hoa lan trong nhà màn, nhà lưới; trên 500 ha cây ăn trái, 1.986 ha lúa chất lượng cao được chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và nhà đầu tư.

So với 5 năm trước, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín. Tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 60% so với tổng đàn.

Ngành chăn nuôi chuyển biến mạnh từ nội tiêu sang mở cửa thị trường khu vực và thế giới mặc dù đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh bởi thịt nhập khẩu. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh. Hiện đã có 50% sản phẩm heo thịt, gà thịt, trứng công nghiệp được liên kết sản xuất sạch, an toàn - chiếm tỷ trọng 36,7% trong giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh.

Về thuỷ lợi, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại, đầu tư theo hướng phát triển hạ tầng thuỷ lợi gắn với chuyển đổi cây trồng cạn, cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là dự án trọng điểm tưới - tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông phục vụ gần 17.000 ha đất nông nghiệp cũng như cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân hai huyện Châu Thành, Bến Cầu.

Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng với diện tích 6.500 ha tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Gò Dầu.

Dự kiến đến năm 2020, tỉnh sẽ có 137.390 ha lúa, 50.000 ha mì, 95.000 ha cao su, 15.000 ha mía, 25.000 ha rau thực phẩm, 27.000 ha cây ăn trái. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn (rau củ quả, trái cây, lúa) được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng tối thiểu vài thương hiệu nông sản đặc thù; phấn đấu tỷ lệ chăn nuôi trang trại và gia trại đạt trên 70% tổng đàn; bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng đạt 100 triệu đồng/ha/năm.

Ðáng chú ý là tỉnh đã định hướng quy hoạch vùng cây ăn trái ở xã Suối Dây (huyện Tân Châu) với diện tích gần 2.000 ha, chuyên canh xoài, nhãn, mít, chuối, bưởi…

Hay như phát triển vùng sản xuất lúa chuyển đổi sang trồng cây ăn trái thuộc khu vực 4 xã Truông Mít, Phước Ninh, Phước Minh, Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu) với diện tích trên 3.500 ha; vùng chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái thuộc xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) với diện tích 800 ha, chủ yếu trồng sầu riêng, chôm chôm, nhãn và bưởi.

Nhiều người bỏ lúa, trồng cây ăn trái

Từ thực trạng cơ cấu lại nông nghiệp những năm gần đây cho thấy, nông dân nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái với quy mô ngày càng lớn. Ðiều này bước đầu mang lại những kết quả tích cực nhưng cũng sớm bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể như xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) có khoảng 1.200 ha nhãn. Phần lớn diện tích trồng nhãn được chuyển đổi từ đất trồng lúa và cây trồng khác kém hiệu quả. Việc chuyển đổi này giúp nông dân bước đầu có nguồn thu nhập cao hơn trước.

Ông Nguyễn Bình An, ngụ ấp Thuận An, xã Truông Mít cho biết, gia đình ông có 8 công đất (8.000m2). Trước đây, ông trồng lúa và đậu phộng, nhưng hiệu quả không cao nên chuyển sang trồng nhãn. Mỗi năm hai vụ nhãn, năm đầu ông thu hoạch được 7 tấn/ha, năm thứ 2 khoảng 14 tấn/ha… Với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư, nông dân thu về lợi nhuận gấp khoảng 5 lần so với trồng lúa.

Ông Lê Văn Liễu, ngụ ở ấp Thuận An (xã Truông Mít) cho biết, lúc trước, đây là vùng trồng 2 vụ lúa, 1 vụ đậu nhưng nông dân chủ yếu “nhờ” vào vụ đậu. Gần đây, thấy cây nhãn cho lợi nhuận khá nên nhiều người chuyển sang trồng nhãn và nhờ đó nhiều người thoát nghèo.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề người dân rất quan tâm đó là đầu ra. Cũng như các loại nông sản khác, giá nhãn cũng hay lên xuống thất thường. Ông Liễu cho biết, khi nhãn được giá có thể lên đến 25.000 đồng/kg, nhưng có khi “rớt” xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Hiện nông dân rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây nhãn, về cây giống, hệ thống tưới - tiêu và đầu ra. “Khu vực này còn một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, nhiều người muốn chuyển sang trồng nhãn nhưng không được vì không có đường thoát nước.

Vừa qua, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đến làm việc tại Tây Ninh và đi khảo sát thực tế một số nơi, trong đó có vùng trồng nhãn của xã Truông Mít.

Ông Cao Ðức Phát- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhận định, khu vực này trước đây trồng lúa, là vùng trũng nên nếu chuyển sang trồng cây trồng cạn phải làm thuỷ lợi. Muốn làm thuỷ lợi phải có quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, cần phải tính việc nâng cao chất lượng trái cây, kết nối với các doanh nghiệp thu mua để có đầu ra ổn định.

Ông Lê Văn Liễu bên vườn nhãn. (Ảnh: Thuý Hằng)

Theo UBND xã Truông Mít, giai đoạn trước năm 2005, đa số nông dân trên địa bàn xã trồng các loại cây hằng năm như lúa, đậu phộng, mía, mì, hoa màu; chỉ một bộ phận nhỏ trồng cây lâu năm (cao su) và cây ăn quả (sầu riêng, bưởi…) tại một số khu vực trồng lúa kém hiệu quả.

Sau giai đoạn trên, việc cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp được nâng cao, nhưng một số khâu vẫn cần lao động chân tay. Nhu cầu này không được đáp ứng do thiếu hụt lao động nông thôn.

Tình trạng đó khiến giá thuê nhân công trong sản xuất nông nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, cây trồng truyền thống thời gian qua cho hiệu quả thấp và không ổn định càng khiến người dân mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn trái, cây lâu năm.

Qua điều tra sơ bộ của UBND xã Truông Mít, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng 2.500 ha ăn trái, cây công nghiệp trên đất có mục đích sử dụng là đất lúa. Trong đó có 1.200 ha đất trồng nhãn, còn lại là cao su và một số ít cây ăn trái khác.

Người dân địa phương vẫn đang có xu hướng và nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang cây ăn trái (nhãn, sầu riêng, bưởi, quýt…), trong đó chủ yếu là nhãn tiêu da bò. Kết quả khảo sát gần đây của xã cho thấy, nông dân có nhu cầu chuyển đổi cây trồng trong vài năm tới khoảng 700 ha đất lúa.

Cũng theo UBND xã Truông Mít, việc người dân tự ý chuyển đổi cây trồng hàng loạt trên đất lúa là do nhu cầu phát triển kinh tế trong thực tế. Ðiều này gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương khi chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Hơn nữa, hầu hết vị trí đất lúa được chuyển đổi trồng cây khác trong vùng ranh giới diện tích đất trồng lúa, đất trồng lúa nước cần bảo vệ, đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt trên địa bàn xã Truông Mít đã được UBND huyện phê duyệt nhưng chưa cắm mốc.

ÐÌNH CHUNG - THUÝ HẰNG

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục