Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
30.4- khúc ca khải hoàn sau cuộc trường chinh vạn dặm
Bài 3: Lịch sử sang trang
Thứ sáu: 21:44 ngày 03/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi chợt nảy ra một ý rằng những gì tôi có trong két sắt an toàn ở Công ty Rand là bảy ngàn trang tài liệu minh chứng cho sự nói dối của bốn vị Tổng thống và chính quyền của họ trong vòng 23 năm để che giấu các kế hoạch và hành động của vụ giết người hàng loạt.

“Tôi sẽ không là một phần của cái máy nói dối này, sự che giấu này, tội ác giết người này nữa. Tôi chợt nảy ra một ý rằng những gì tôi có trong két sắt an toàn ở Công ty Rand là bảy ngàn trang tài liệu minh chứng cho sự nói dối của bốn vị Tổng thống và chính quyền của họ trong vòng 23 năm để che giấu các kế hoạch và hành động của vụ giết người hàng loạt. Tôi quyết định bản thân mình sẽ không tiếp tục che giấu điều đó nữa. Bằng cách nào đó, tôi sẽ công bố tập tài liệu này”.


Ngày 5.8.1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ

LƯƠNG TÂM THÔI THÚC

Tại chương 19 của cuốn sách, tác giả kể rằng, sau nhiều điều mắt thấy tai nghe và với tư cách người trong cuộc, ông thấy đã đến lúc phải công bố sự thật về cuộc chiến tranh do chính phủ Mỹ gây ra ở cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Tác giả đặt nhan đề cho chương 19 bằng tên gọi “giết chóc và cỗ máy nói dối”. “Sáng thứ ba hôm đó, tôi nằm trên giường và suy nghĩ: đây là chế độ mà tôi đang làm việc phục vụ, tôi là một phần của chế độ này đã 12 năm nay - không, đúng ra là 15 năm nay, kể cả thời gian tôi phục vụ trong Hải quân. Đó là một chế độ nói dối ở tất cả các cấp từ cao xuống thấp - từ hạ sĩ tới Tổng Tham mưu trưởng để che giấu tội ác giết người. Như tôi đã dần dần nhận thức được từ những gì tôi đọc được trong tháng đó, điều đó mô tả những gì mà chế độ đó đang làm tại Việt Nam, trên một quy mô rộng lớn hơn, liên tục trong hơn một phần ba thế kỷ qua. Và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Tôi nghĩ: tôi không muốn là một phần của chế độ đó nữa. Tôi sẽ không là một phần của cái máy nói dối này, sự che giấu này, tội ác giết người này nữa. Tôi chợt nảy ra một ý rằng những gì tôi có trong két sắt an toàn ở Công ty Rand là bảy ngàn trang tài liệu minh chứng cho sự nói dối của bốn vị Tổng thống và chính quyền của họ trong vòng 23 năm để che giấu các kế hoạch và hành động của vụ giết người hàng loạt. Tôi quyết định bản thân mình sẽ không tiếp tục che giấu điều đó nữa. Bằng cách nào đó, tôi sẽ công bố tập tài liệu này” - tác giả giải thích vì sao mình cần cất lên tiếng nói của sự thật, cho sự thật.

Phần cuối cuốn sách, tác giả mạnh mẽ đòi hỏi chính phủ Mỹ không được nhân danh nhân Mỹ để xua quân đội Mỹ đi giết người tại Đông Dương - nơi cách Mỹ nửa vòng Trái đất. “Tôi đã trích dẫn tính toán của Tiểu ban người tị nạn của Thượng nghị sỹ Edward Kennedy: “Từ năm 1965 đến năm 1970, ít nhất đã có 300.000 dân thường đã thiệt mạng ở Nam Việt Nam, hầu hết là do hoả lực Mỹ. Tổng số thương vong ít nhất là một triệu. Trong số đó… khoảng 50.000 dân thường thiệt mạng trong năm đầu Nixon cầm quyền, trong năm thứ hai là 35.000. Người Mỹ cần phải nhìn lại những sự lựa chọn, những thông báo trong quá khứ, cả những thông tin thuận chiều và trái chiều, để thấy được người ta đang nhân danh nhân dân Mỹ làm cái gì, để từ đó cự tuyệt không đồng loã với những hành động đó. Họ phải nhận ra và buộc Quốc hội và Tổng thống tuân theo lẽ phải là quân Mỹ dừng ngay việc giết chóc ở Đông Dương, và rằng cả những sinh mạng mà chúng ta mất đi và những sinh mạng mà chúng ta đã lấy đi cũng không thể khiến nước Mỹ có quyền dùng hoả lực và không lực để quyết định ai sẽ thống trị hay ai sẽ chết ở Việt Nam, Campuchia và Lào”.

KHÁT VỌNG HOÀ BÌNH

Quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua một chương đau buồn. Nhưng, như một khát vọng chính đáng của nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, sau hàng chục năm thăng trầm, đã mở ra một chương mới trên tinh thần “không ai thay đổi được quá khứ, còn tương lai phụ thuộc vào chúng ta”.

Tháng 7.2013, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu với Tổng thống Obama bức thư của Bác Hồ gửi Tổng thống Harry S. Truman ngày 16.2.1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ.

Tháng 5.2022, nhân dịp thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ hai nước có lịch sử đặc biệt, ngay từ khi Việt Nam mới giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Truman, trong đó, đặc biệt là lá thư ngày 16.2.1946. “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”- Chủ tịch Hồ Chí Minh viết. Và, “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. Trước đó, ngày 18.1.1946, trong thư gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28.10.1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”. Năm 1969, không lâu trước khi từ biệt thế giới, trong lá thư phản hồi bức thư gửi trước đó của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bày tỏ thiện chí “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hoà bình, một nền hoà bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự... Trong thư, ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hoà bình công bằng. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài”.

Tháng 4.2023, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh thực hiện loạt bài “Họ đã sống những năm tháng như thế” ghi lại chuyện của một số người lính đã đi qua những năm tháng kháng chiến. Họ đã sống những năm tháng gian khổ nhất nhưng cũng nhiều ý nghĩa nhất. Tại thời điểm đó, hai cựu chiến binh Đinh Văn Lâm và Đàm Tuy (ngụ huyện Tân Biên) bày tỏ suy nghĩ rằng, đất nước mình có những khác biệt so với một số quốc gia khác cùng trải qua chiến tranh. Sau chiến tranh hầu như không quốc gia nào tránh được tình trạng xung đột kéo dài triền miên và đặc biệt, chết vì đói. “Chúng ta có những hạn chế, thậm chí có cả những sai lầm nhưng một phần bởi điều kiện lịch sử của đất nước. Đến hôm nay, tôi - một người đi qua chiến tranh cùng triệu triệu con người khác, thật lòng nói rằng, chúng ta sung sướng, may mắn được sống trong một đất nước hoà bình. Nước ta đã đổi mới. Chúng ta quan hệ ngoại giao đa phương, làm bạn với tất cả các nước. Nhờ buôn bán, quan hệ thương mại, chúng ta có tích luỹ để phát triển đất nước. Tôi nhớ mãi câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam theo trường phái ngoại giao cây tre: kiên cường, không cứng nhắc, dẻo dai và uyển chuyển. Chúng tôi đã già, gần 80 cả rồi, tôi muốn có vài lời gửi đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, các cháu hãy cố gắng học tập thật giỏi để góp phần xây dựng đất nước hùng cường”- ông Đinh Văn Lâm phát biểu, tháng 4.2023. “Mười bảy tuổi, tôi khoác ba lô cùng một cây gậy (để đi đường rừng) vượt Trường Sơn. Là thanh niên, thời ấy ai cũng thế, không thể ngồi yên khi non sông gấm vóc bị quân thù giày xéo, đất nước chia cắt. Gần 80 tuổi rồi, tôi xin nói ngắn gọn thôi. Chỉ những ai sống, trải qua những năm tháng đó ở chiến trường mới thật sự hiểu hết những gian nan, hiểm nguy. Ngày 30.4, tôi đã chứng kiến nhiều giọt nước mắt của người thân, của đồng chí. Đó chắc chắn là giọt nước mắt của hạnh phúc: Chiến tranh đã chấm dứt, Bắc Nam liền một dải, từ “Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, dẫu rằng không thể không có những giọt nước mắt của khổ đau, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”- ông Đàm Tuy, một người lính từng đi qua chiến tranh bộc lộ cảm xúc.

“Người Mỹ đã không bồi thường chút gì cho người Việt Nam, không gì cả. Chúng ta giàu nhất thế giới, và họ nằm trong số nghèo nhất. Chúng ta tàn ác với họ dù họ chưa bao giờ làm ta đau, và chúng ta không tìm thấy điều ấy trong tim, trong danh dự, để chìa tay giúp đỡ họ, bởi vì chính phủ Việt Nam là những người cộng sản. Và có lẽ còn bởi vì họ là người chiến thắng” - Martha Gellhorn, nữ nhà văn, nhà báo Mỹ, viết như thế trong cuốn sách The face of war (Bộ mặt của chiến tranh) năm 1986.

“Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hôm nay, bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ đã được thiết lập ở mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Vì hoà bình và thịnh vượng, oán thù nên cởi, không nên buộc.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục