Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhà văn hoá Nguyễn Phú Trọng: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả
Bài 4: Không ảo tưởng, nôn nóng và giản đơn
Thứ hai: 22:12 ngày 04/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Đất nước ta đang thực hiện sâu rộng công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, trong đó nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Càng đi vào kinh tế thị trường trong thời đại văn minh này, chúng ta càng nhận rõ phải phát triển văn hoá, chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc xây dựng xã hội mới. Khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là nền kinh tế ra đời gắn với tước đoạt, cạnh tranh và cướp bóc tàn khốc, kinh tế thị trường ở nước ta đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đi đôi với phát triển lực lượng sản xuất, chúng ta còn phải xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, xây dựng quan hệ giữa con người với con người tốt đẹp, xã hội giàu tình thương và lòng nhân ái, theo đạo lý Việt Nam” - trích đoạn trong một bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên tờ Thời báo Tài chính, năm 1994. Những điều tác giả nêu ra cách nay tròn 30 năm, tình hình đã thay đổi nhiều nhưng vấn đề cốt lõi vẫn còn đó.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh tụ Cách mạng Cuba, Đại tướng quân đội Raúl Castro Ruz trong chuyến thăm La Havana ngày 30.3.2018. Ảnh: Portal Cuba.cu

Tăng trưởng kinh tế - tiền đề phát triển văn hoá

Tác giả luận giải, nước ta phát triển kinh tế thị trường nhưng phải hạn chế bóc lột. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá, thực hiện công bằng xã hội, khuyến khích làm giàu nhưng đó phải là làm giàu hợp pháp và gắn với xoá đói, giảm nghèo. Hơn nữa, ngay khi kinh tế chưa phát triển cao đã phải chăm lo chính sách xã hội, giữ gìn đạo đức và bản sắc văn hoá Việt Nam. Đây là một đặc trưng rất quan trọng của chủ nghĩa xã hội, thể hiện bản chất nhân đạo, tính ưu việt của chế độ xã hội mới.

Nếu tăng trưởng kinh tế là điều kiện, tiền đề của phát triển văn hoá, thực hiện công bằng xã hội thì phát triển văn hoá, thực hiện công bằng xã hội lại là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, tăng trưởng kinh tế không tự nó giải quyết được tất cả các vấn đề văn hoá, xã hội, càng không chờ đến lúc kinh tế phát triển cao mới quan tâm đến những vấn đề văn hoá, xã hội. Trái lại, chính việc giải quyết tốt những vấn đề văn hoá, xã hội là điều kiện quyết định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không ảo tưởng sớm có ngay một xã hội tốt đẹp trong lúc kinh tế còn kém phát triển, Đảng ta chủ trương phải kết hợp ngay từ đầu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm dần những khó khăn trong đời sống của nhân dân, từng bước xây dựng một xã hội trong đó nhân dân thực sự làm chủ các công việc nhà nước, mọi người sống nhân ái, có văn hoá, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, xoá bỏ mọi áp bức, bất công, ai cũng có điều kiện để vươn lên, để cống hiến, trưởng thành và xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Cần có quan niệm đúng và thực hiện tốt yêu cầu về công bằng xã hội. Công bằng xã hội thể hiện không chỉ ở việc phân phối các kết quả sản xuất mà cả ở khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất, nguồn lực đầu tư ở điều kiện phát triển năng lực của mỗi thành viên trong cộng đồng. Nhà nước tạo điều kiện để người lao động được làm chủ một phần tư liệu sản xuất (như nông dân được giao ruộng đất, công nhân, viên chức có cổ phần, cổ phiếu trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân...), được bồi dưỡng các kiến thức văn hoá, được đào tạo về nghề nghiệp, chăm sóc y tế, có cơ hội phát huy năng lực, sở trường trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Đồng thời, Nhà nước bảo vệ và khuyến khích mọi công dân làm giàu hợp pháp, được hưởng thụ tương xứng với công sức, tiền của bỏ vào sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nguyên tắc ai làm việc có hiệu quả hơn người đó có thu nhập cao hơn, cống hiến nhiều hơn thì có thu nhập lớn hơn và ngược lại.

Phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng, đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng phúc lợi xã hội, chăm sóc những người có công với nước, xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ những người nghèo, vùng nghèo - tác giả nêu.

Tại thời điểm cách nay tròn 30 năm, tác giả sớm nhìn thấy “mặt trái của kinh tế thị trường”: “Mới bước đầu đi vào kinh tế thị trường, ở nước ta đã có không ít những hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh những người làm giàu chính đáng, có một số người giàu lên nhanh chóng do làm ăn phi pháp với những thủ đoạn chụp giật, do lối sống thực dụng, ích kỷ, tất cả vì tiền chi phối. Trong khi đó, nhiều gia đình có công với nước, đã mất mát hy sinh nhiều trong kháng chiến nay vẫn quá khó khăn, người làm ăn lương thiện phải sống chật vật. Đời sống nhân dân ở một số vùng, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu căn cứ cách mạng trước đây còn rất khó khăn”.

Văn hoá và công bằng xã hội

Theo tác giả, giải quyết cho được những vấn đề trên không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về văn hoá, về xã hội, đem lại và tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nó thể hiện bản chất nhân đạo của chế độ ta, là truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc ta. Đây không phải là chủ nghĩa bình quân. Không nên nhầm lẫn việc thực hiện công bằng xã hội với chủ nghĩa bình quân. Chủ nghĩa bình quân làm triệt tiêu động lực của sự phát triển, còn công bằng xã hội, xoá đói, giảm nghèo tạo ra động lực cho sự phát triển. Chủ nghĩa bình quân muốn nhanh chóng xoá bỏ bóc lột, thực hiện công bằng lý tưởng trên cái nền kinh tế còn lạc hậu, đã từng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Công bằng xã hội được bảo đảm vững chắc trên cái nền của xã hội vận động theo đúng quy luật, áp dụng phân phối theo nguyên tắc hợp lý: làm theo năng lực, hưởng theo lao động, ai làm tốt được đãi ngộ cao, ai không làm hoặc làm dở thì phải chịu hậu quả. Trong xã hội còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế thì còn phải có nhiều hình thức phân phối nhưng vẫn phải lấy phân phối theo lao động làm nền tảng. Các chính sách tiền lương, thu nhập, điều tiết, phúc lợi xã hội... đều phải dựa trên nền tảng này. Không thể để tình trạng có những người không làm việc vẫn được trả lương, làm ít hưởng nhiều hoặc làm nhiều hưởng ít, người có công không được thưởng, người có khuyết điểm không bị phạt... Đặc biệt, phải tập trung chống cho được tệ nạn tham nhũng, bởi vì tham nhũng đang là một bất công xã hội nghiêm trọng nhất, tệ hại nhất hiện nay. Bằng cách lạm dụng quyền lực, bằng hành động tham ô, sách nhiễu, đòi hối lộ, nhận hối lộ dưới nhiều hình thức trắng trợn và tinh vi, bọn tham nhũng đang đục khoét tài sản quốc gia, cướp đoạt thành quả lao động của nhân dân. Nhũng nhiễu gây phiền hà và bất bình trong nhân dân, bôi nhọ thanh danh, uy tín của Đảng và Nhà nước, tiếp tay cho các thế lực thù địch phá hoại chế độ ta. Nếu không khắc phục có kết quả nạn tham nhũng thì sẽ là nguy cơ thật sự. Đương nhiên, phải có chính sách, cơ chế, biện pháp cụ thể, đồng bộ, kiên quyết và cơ bản, mới có thể khắc phục và diệt trừ tận gốc tệ nạn này.

“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng - thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để đảm bảo với môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Hồ Chí Minh, Fidel và nhân dân hai nước chúng ta đã lựa chọn và đang kiên trì, kiên định theo đuổi”. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong chuyến thăm Cộng hoà Cuba, năm 2012.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục