Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Lê Duẩn - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc trong công cuộc thống nhất non sông
Bài cuối: “Độc lập, tự do, từ nay vĩnh viễn”
Thứ bảy: 08:37 ngày 12/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kết luận Hội nghị Bộ Chính trị đợt II (tháng 1.1975), Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhấn mạnh: “Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976…”.

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trình bày kế hoạch chiến lược năm 1975 và nói: “Kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975”.

Xuân 75 và ba đòn chiến lược

Chỉ hơn 2 tháng sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của ta đã nổ ra từ ngày 4.3.1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc với thắng lợi hoàn toàn ngày 30.4.1975. Về các chiến dịch đó, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đều có sự chỉ đạo ở tầm chiến lược cao.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội (29.3.1982)

Trong Điện của Bộ Chính trị (18 giờ ngày 27.3.1975) gửi đồng chí Năm Công (Võ Chí Công) và Hai Mạnh (Chu Huy Mân), Bí thư thứ nhất Lê Duẩn viết: “Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Ta phải tập trung lực lượng từ hai phía, từ Thừa Thiên - Huế đánh vào và từ Nam Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở Đà Nẵng, không cho chúng rút chạy để co cụm về giữ Sài Gòn... Các binh đoàn chủ lực phía Bắc đã có kế hoạch hành quân nhanh nhất để kịp thời hợp đồng với cánh quân phía Nam. Các anh hành động ngay, không chậm trễ”.

Trong Điện của Bộ Chính trị (10 giờ ngày 29.4.1975) gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn viết: “Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị:

1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.

2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Uỷ ban quân quản do tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch”…

Trong Điện của Bộ Chính trị (ngày 30.4.1975) khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn viết:

“Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc nguỵ quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng…”.

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, từ lúc khởi đầu cho đến khi toàn thắng, miền Bắc luôn giữ vai trò to lớn, đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Tập II bộ sách Lê Duẩn tuyển tập chọn lọc và giới thiệu nhiều tác phẩm tiêu biểu của đồng chí nói về nhiệm vụ của miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch, vừa chiến đấu vừa sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn, động viên cao độ sức người và sức của cho cuộc chiến đấu ở miền Nam.

Dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng hoà bình

Tháng 12.1973, phát biểu tại hội nghị Trung ương lần thứ 22 về nhiệm vụ khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Phải nắm vững, nhất là phải biết vận dụng quy luật phổ biến về cách mạng xã hội chủ nghĩa vào điều kiện một nước nhỏ lạc hậu.

Chủ nghĩa xã hội không phải là sản phẩm của nguyện vọng chủ quan, không phải là kết quả của tư duy trừu tượng chung chung, mà trước hết nó là một vấn đề khoa học, phát triển theo những quy luật nhất định.

Nếu không nắm được quy luật của nó thì sẽ rơi vào tình trạng mù quáng tự phát, và kết quả là không thể xây dựng nổi chủ nghĩa xã hội mặc dù chủ quan ta rất muốn”. Trên cơ sở sự phân tích đó, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đề cập tới các vấn đề về mối quan hệ giữa cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, về công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và về xây dựng chế độ mới - chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội.

Trong “Mấy vấn đề về cán bộ và tổ chức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa”, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn viết: “Muốn đặt và giải quyết đúng vấn đề cán bộ, cần xuất phát đầy đủ từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Cách mạng đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, về số lượng và chất lượng cũng như về cơ cấu luôn luôn tương xứng với nhiệm vụ chính trị, một đội ngũ cán bộ có khả năng đáp ứng đầy đủ nhất yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong mỗi thời kỳ”.

Về mối quan hệ giữa tổ chức và cán bộ, đồng chí viết: “Tổ chức do con người lập ra, con người là nhân tố chủ yếu cấu thành tổ chức, tổ chức không hoạt động nếu không có con người. Là sản phẩm của con người, tổ chức do đó không thể không phụ thuộc vào con người, vào những đức tính và năng lực hoạt động của con người.

Song, đến lượt nó, khi tổ chức đã trở thành một đối tượng tồn tại hợp quy luật, bám rễ chặt trong cuộc sống thì chính tổ chức quyết định lại con người”. “Phải trên cơ sở tổ chức, trên tính chất, chức năng, nhiệm vụ, kết cấu, nhu cầu hoạt động của tổ chức mà đề cập và xử lý vấn đề cán bộ. Giải quyết đúng đắn những vấn đề tổ chức là cơ sở để giải quyết đúng đắn vấn đề cán bộ”.

“Thực chất công tác cán bộ là công tác tổ chức và chính do nhu cầu của tổ chức, do cần phải bảo đảm hiệu quả lớn nhất cho sự lãnh đạo và quản lý mà phải làm tốt công tác cán bộ, coi đây là mặt quan trọng hàng đầu của công tác tổ chức”.

Về đảng cầm quyền, tại Hội nghị lần thứ 23 của Trung ương (12.1974), đồng chí Lê Duẩn nói: “Là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, Đảng là bộ phận tích cực nhất của xã hội, là trung tâm động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.

Nhưng tổ chức của Đảng có những mặt thiếu năng động, cá biệt có những bộ phận không lành mạnh, trì trệ. Số tổ chức cơ sở yếu kém không làm được vai trò hạt nhân lãnh đạo tương đối nhiều. Số đảng viên không đủ tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Một nhược điểm lớn hiện nay là năng lực của nhiều cán bộ, đảng viên chưa tương xứng với nhiệm vụ, trình độ hiểu biết còn thấp, khả năng tổ chức thực hiện bị hạn chế. Một số ít sa sút về phẩm chất, đạo đức, tham ô, hủ hoá, kèn cựa địa vị, chuyên quyền độc đoán”.

Đồng chí chỉ rõ: “Trong xây dựng Đảng, phải coi trọng cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; kết hợp chặt chẽ ba mặt đó thành một thể thống nhất nhằm bảo đảm cho đường lối chính trị được xác định đúng đắn, được thấu suốt trong toàn Đảng và được thực hiện thắng lợi”.

Ngày 15.5.1975, Bí thư thứ nhất đọc diễn văn mừng chiến thắng tại Hà Nội, trích:

“Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trang sử mới vô cùng rực rỡ của Tổ quốc ta bắt đầu. Một nhiệm vụ mới vô cùng vĩ đại và làm phấn chấn lòng người đang chờ đón 45 triệu đồng bào ta là thực hiện đầy đủ Di chúc của Bác Hồ vĩ đại: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Chúng ta hãy bắt tay vào công cuộc xây dựng và lao động sáng tạo làm cho nước Việt Nam ta tiến bộ, phồn vinh, nhân dân ta ấm no, hạnh phúc”…

“Một dân tộc đã làm nên những chiến công hiển hách ấy xứng đáng được hưởng hoà bình, tự do và hạnh phúc. Dân tộc ấy cũng nhất định có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng để khắc phục mọi khó khăn, vươn lên những đỉnh cao của thời đại, biến đất nước nghèo nàn, lạc hậu bị chiến tranh tàn phá nặng nề và trên đó đế quốc Mỹ đã gieo biết bao tội ác, thành một nước văn minh, giàu mạnh, thành trì bất khả xâm phạm của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương và Đông Nam Á”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục