Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm gần đây, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến lợi nhuận của những loại cây trồng truyền thống như lúa, cao su, mía, mì không còn như mong đợi. Ðể tìm hướng đi mới, nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình, nhiều nông dân tự tìm tòi, học hỏi, trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thành Tâm vui mừng với thành quả bước đầu trong chuyển đổi cây trồng.
Tây Ninh có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, như quỹ đất nông nghiệp lớn (chiếm hơn 85% diện tích đất tự nhiên- tương đương 370.000 ha), khí hậu nóng ẩm quanh năm, địa hình tương đối bằng phẳng, cùng với sông Vàm Cỏ Ðông và hệ thống thuỷ lợi lòng hồ Dầu Tiếng bảo đảm nguồn nước tưới thường xuyên cho hàng trăm ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản nhiệt đới.
Những năm gần đây, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến lợi nhuận của những loại cây trồng truyền thống như lúa, cao su, mía, mì không còn như mong đợi. Ðể tìm hướng đi mới, nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình, nhiều nông dân tự tìm tòi, học hỏi, trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Cây “tỷ phú”
Khoảng 3 năm trở lại đây, đời sống nhiều nông dân tại ấp 7, xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu có những thay đổi đáng kể. Nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô tiền tỷ. Việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng giúp người nông dân nơi đây làm giàu trên mảnh đất của mình.
Kết thúc vụ thu hoạch sầu riêng năm 2020, chỉ với chưa đầy 2 ha, anh Trần Văn Chon (ngụ ấp 7, xã Bàu Ðồn) thu về hơn 2 tỷ đồng- một con số mà cách đây hơn 5 năm, đối với anh, chỉ là ước mơ.
Còn theo ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Ðồn, khoảng 10 năm trước, người dân trong khu vực này chủ yếu sống nhờ cây lúa, sau đó, một số người chuyển sang trồng cây cao su. Tuy nhiên gần đây, mủ cao su xuống giá, dẫn đến thu nhập thấp, nông dân không đủ trang trải cuộc sống. Với mong muốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ông Thịnh và một số hộ nỗ lực tìm hiểu về những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Sầu riêng là cây trồng đã được nhiều người lựa chọn.
Ông Phan Hoài Thịnh cho biết, HTX cây ăn trái Bàu Ðồn được thành lập vào đầu tháng 3.2020, với mục đích tập hợp những nông dân cùng phát triển cây ăn trái chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm. HTX là đầu mối liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, đáp ứng thị trường, giúp người nông dân tăng thu nhập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cho địa phương. HTX có 32 thành viên với tổng diện tích hơn 400 ha cây ăn trái. Trong đó, đa số là cây sầu riêng giống Ri-6, còn lại là các loại như bưởi, xoài, mít Thái...
Cũng theo ông Thịnh, so với các loại cây trồng khác, cây sầu riêng gần như đang đứng đầu về giá trị kinh tế mang lại trên cùng một diện tích đất. Bình quân, mỗi héc-ta sầu riêng cho lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Hiện tại, gia đình ông có trên 4 ha sầu riêng khoảng 5 năm tuổi.
Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Ðề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào tất cả các khâu từ chăm sóc đến thu hoạch. Với những chính sách đã được triển khai, nhiều diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp được thay thế bằng những loại cây ăn trái có giá trị cao hơn.
Hơn 12 năm theo đuổi cây cao su, lão nông Nguyễn Thành Tâm (63 tuổi, ngụ ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) quyết định phá bỏ hơn 3,5 ha cao su để trồng 650 cây bưởi da xanh, xen với 100 cây sa-pô-chê và 100 cây mít Thái. Sau hơn 3 năm, những quả sa-pô-chê đầu tiên ngọt lịm mang đến tín hiệu tích cực cho gia đình người nông dân này.
Theo ông Tâm, trước khi chặt bỏ vườn cao su, ông trằn trọc suy nghĩ rất nhiều. Dù giá mủ cao su không cao như trước, nhưng ông cũng kiếm được mỗi tháng trên 10 triệu đồng- một số tiền không nhỏ đối với nhiều người. Thế rồi, ông quyết định chặt bỏ một nửa diện tích cao su, thay vào đó là các loại cây ăn trái như bưởi, mít Thái, sa-pô-chê... Vườn bưởi của ông bắt đầu cho lứa trái đầu tiên, còn những cây sa-pô-chê đã cho thu hoạch. Với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg hiện nay, ông Tâm nhẩm tính, chỉ cần hết năm đầu, ông đã có thể thu hồi vốn đầu tư.
Trên địa bàn xã có 2 hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ với Nhà máy Tanifood của tổ liên kết trồng mít (4,2 ha) ở ấp Tầm Lanh và tổ liên kết trồng khóm ở ấp Chánh. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân tự chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm xen kẽ trong khu dân cư sang trồng rau màu, bưởi…
Vườn bưởi của ông Tâm cho trái đúng vào dịp tết nguyên đán.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Ðề án cơ cấu lại nông nghiệp, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh chuyển đổi trên 36.000 ha cây trồng truyền thống có hiệu quả thấp như lúa, cao su, mía… sang trồng các loại cây ăn trái quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao như nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, mít...
Trong đó, có 30.829 ha đất lúa đã được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm như rau các loại, bắp, mì, đậu các loại; trên 5.500 ha đất lúa đã được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (cây ăn trái); khoảng 2.000 ha đất trồng cây cao su, mì, mía chuyển sang trồng cây ăn trái. Ước diện tích cây ăn trái năm 2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 23.000 ha- tăng 5.700 ha so với năm 2016.
Hiện toàn tỉnh còn khoảng 72.939 ha đất trồng lúa. Kế hoạch đến năm 2025, đất trồng lúa giảm còn 67.790 ha và định hướng đến năm 2030 là 63.321 ha. Diện tích đất trồng lúa thay đổi chủ yếu do chuyển sang trồng cây lâu năm. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm với tổng diện tích khoảng 9.618 ha. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi khoảng 5.149 ha; định hướng đến năm 2030 là 4.469 ha.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018 có 10 tổ liên kết hợp tác với diện tích 425,2 ha được chứng nhận VietGAP; năm 2019 có 20 đơn vị với tổng diện tích là 850,66 ha.
Ðến nay, đã có 30 đơn vị với tổng diện tích 1.275,88 ha được chứng nhận VietGAP, sản lượng 37.605 tấn/năm. Các loại nông sản đạt chứng nhận VietGAP gồm: mãng cầu ta, bưởi da xanh, cam, quýt, xoài tứ quý, chuối già Nam Mỹ, dứa, chôm chôm, mít, sầu riêng, nhãn, thanh long, bơ, măng cụt.
Minh Dương