Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để bà con canh tác tốt vụ Mùa năm 2022, khi bắt đầu chuẩn bị vào vụ, nên vệ sinh đồng ruộng cẩn thận; sử dụng những giống lúa từ cấp xác nhận trở lên và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; trong quá trình canh tác tăng cường bón phân có chứa canxi silic để giúp cho cây cứng cáp, tránh hiện tượng đổ ngã khi mưa bão.
Nông dân cấy lúa bằng máy.
Vụ lúa Hè Thu năm 2022, nông dân trong tỉnh phải đối mặt với dịch rầy phấn trắng và bệnh cháy bìa lá khiến nhiều diện tích lúa bị hư hại, nông dân thất thu nặng nề. Vì vậy, các địa phương và ngành Nông nghiệp đã không ngừng nỗ lực đề ra nhiều giải pháp, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc để cùng nông dân vượt khó, hướng đến một vụ Mùa thắng lợi.
Vụ Hè Thu thất thu do dịch bệnh
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống… đều tăng cao hơn so với năm 2021, nhất là các loại phân bón và xăng dẫn đến tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận của nông dân bị giảm, hiệu quả kinh tế thấp; trong khi giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng liên tục, nhưng giá lúa hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của người sản xuất. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn liên tục khiến cho việc xuống giống vụ Hè Thu 2022 trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, một số diện tích phải gieo sạ lại hai lần.
Ông Hoàng Phú Hậu- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, HTX có 87 thành viên tham gia sản xuất 200 ha lúa, ngay từ đầu vụ Hè Thu, nhiều diện tích lúa của các thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi rầy cánh trắng, có thành viên bị thiệt hại 70% sản lượng lúa, có thành viên bị thiệt hại 95%.
Diện tích lúa bị nhiễm chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng. Tình trạng gây hại nặng làm cho bông lúa trổ không đều, trổ bị nghẹn, hạt bị lép, thậm chí là cây lúa bị chết. Ông Hậu chia sẻ: “Rầy phấn trắng đã phát sinh gây nhiễm trên trà lúa vụ Hè Thu và có khả năng gây hại trên trà lúa vụ Mùa sắp tới. Mặc dù nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc phun xịt để diệt trừ, song vẫn không giảm. Nếu tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến nguy cơ thất thu, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân”.
Ông Lưu Văn Bá, ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho biết, vụ Hè Thu gia đình ông xuống giống 1,5 ha lúa, vụ này gia đình đầu tư 20 triệu đồng cho cày ải, phân bón, lúa giống. Các vụ trước, mỗi héc-ta lúa thu hoạch được 6 tấn, vụ này bị ảnh hưởng bởi rầy cánh trắng, 1,5 ha chỉ cho thu hoạch được hơn 1 tấn lúa, bán được 6 triệu đồng, lỗ 14 triệu đồng, chưa tính công.
Ông Lý Văn Sa, ngụ ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh chia sẻ, vụ Hè Thu ông xuống giống 6 ha lúa, trong đó 3 ha thuê đất. Ngay từ đầu vụ, toàn bộ diện tích lúa mới sạ bị ngập nước, cố gắng đầu tư thêm chi phí nên ông sạ mới lại lần hai, nhưng lúa mới giai đoạn đẻ nhánh thì bị rầy phấn trắng tấn công nên thiệt hại nặng, năng suất đạt hơn 1 tấn/ha, vụ này ông bị lỗ tiền đầu tư và cả tiền thuê đất.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong vụ Hè Thu 2022 vừa qua, diện tích lúa canh tác trên địa bàn tỉnh có hai đối tượng gây hại phổ biến là bệnh cháy bìa lá và rầy phấn trắng. Theo thống kê của ngành, rầy phấn trắng gây hại trên địa bàn tỉnh khoảng 6.300 ha, trong đó, có khoảng 2.900 ha nhiễm nhẹ, 2.400 ha nhiễm trung bình, phổ biến ở các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên và thị xã Trảng Bàng.
Để quản lý đối tượng rầy phấn trắng, bà con cần lưu ý: thứ nhất, thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm, sử dụng thuốc trừ rầy với những hoạt chất đơn giản, bình thường, có thể dễ dàng mua ở các đại lý thuốc bảo vệ thực vật. Tiến hành phun xịt đồng loạt trên cùng một cánh đồng để mang lại hiệu quả hơn.
Đối tượng thứ hai là bệnh cháy bìa lá, diện tích nhiễm 3.616 ha, trong đó, mức độ nhiễm nhẹ là 3.516 ha, nhiễm trung bình 100 ha. Bệnh cháy bìa lá ảnh hưởng nặng trên diện tích lúa ở các huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Gò Dầu, Tân Biên và thị xã Trảng Bàng. Bệnh cháy bìa lá là một loại bệnh do vi khuẩn gây ra. Vết bệnh ban đầu là lá lúa có dạng sọc thấm nước ở vị trí phiến lá, ở bìa lá, sau đó liên kết lại làm cháy mép lá và kéo dần lên đỉnh lá, lá lúa sẽ chuyển sang cháy thì mất dần diện tích quang hợp, cuối cùng ảnh hưởng đến năng suất.
Để quản lý đối tượng bệnh cháy bìa lá, nông dân phải bón phân cân đối, thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện bệnh. Khi bệnh này xuất hiện, phải ngừng bón phân đạm và sử dụng những loại thuốc trừ vi khuẩn.
Nông dân chuẩn bị lúa giống cho vụ sản xuất mới
Vụ Mùa 2022, nông dân sử dụng giống lúa phù hợp
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến thời điểm hiện tại, ước sản xuất lúa vụ Mùa năm 2022 là 48.800 ha, năng suất ước đạt 53 tạ/ha, sản lượng 258.640 tấn. Các diện tích xuống giống muộn kết thúc trước ngày 15.9.2022 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo.
Bộ giống lúa chủ lực nông dân sử dụng trong vụ chủ yếu là giống xác nhận, chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận. Các giống lúa được trồng chủ yếu gồm: Giống chủ lực OM5451, Đài Thơm 8, OM18, nếp IR4625... chiếm 66,8%. Giống chất lượng cao Đài Thơm 8, OM5451, ST24, ST25… chiếm 56,2%. Giống chất lượng trung bình IR50404, OM576, OM1352… Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao và lúa thơm, đáp ứng theo yêu cầu thị trường, trong đó tỷ lệ giống lúa thơm và nhóm nếp tăng 1,3% so với cùng kỳ.
Trong vụ Mùa, nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo mô hình “1 phải - 5 giảm” trên cơ sở áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng”, trong đó, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận và sạ thưa, giảm lượng giống gieo sạ so với trước đây còn khoảng 100-150 kg/ha.
Đồng thời, người dân dần áp dụng cơ giới hoá trên cây lúa khá phổ biến, nhiều nhất là máy cày, máy xới, thiết bị sạ hàng, máy phun thuốc BVTV và máy gặt đập liên hợp. Trong đó, đã cơ giới hoá 100% khâu làm đất và thu hoạch.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong quá trình sản xuất vụ Mùa, nông dân sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp, chú trọng sử dụng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện sản xuất tại địa phương, góp phần nâng chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường; đồng thời áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật giúp giảm bớt chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm.
Tỉnh đang đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sản xuất lúa trên địa bàn 3 huyện: Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng với tổng diện tích 2.020,2 ha.
Phòng trừ côn trùng, sâu bệnh hại lúa vụ Mùa
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để bà con canh tác tốt vụ Mùa năm 2022, khi bắt đầu chuẩn bị vào vụ, nên vệ sinh đồng ruộng cẩn thận; sử dụng những giống lúa từ cấp xác nhận trở lên và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; trong quá trình canh tác tăng cường bón phân có chứa canxi silic để giúp cho cây cứng cáp, tránh hiện tượng đổ ngã khi mưa bão.
Nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện các đối tượng gây hại. Trong vụ Mùa, nên lưu ý các đối tượng như: ốc bươu vàng, rầy nâu, chuột. Đối với ốc bươu vàng, nên đánh rãnh trên khắp ruộng, cắm những cọc ở quanh mép ruộng để thu bắt trứng và diệt ốc. Đối với chuột, tiến hành diệt trừ đồng loạt trên cánh đồng để tránh chuột di chuyển từ ruộng này qua ruộng khác sẽ không có hiệu quả.
Ngoài những đối tượng này, nông dân cũng lưu ý những đối tượng gây hại khác như bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, nhất là ở giai đoạn đòng trổ.
Để bảo đảm sản xuất vụ Mùa năm 2022 đúng kế hoạch, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh các cây trồng, đặc biệt là cây lúa, hướng dẫn người dân các biện pháp giảm thiểu chi phí sản xuất do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Đồng thời, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời và có hiệu quả.
Nhi Trần - Trúc Ly