Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cơ cấu lại lâm nghiệp góp phần bảo vệ và phát triển rừng trồng
Thứ năm: 20:25 ngày 06/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, công tác triển khai thực hiện cơ cấu lại lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rừng được bảo vệ, phát triển ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng.

Từ năm 2013 đến nay, diện tích rừng được đầu tư bảo vệ trên địa bàn tỉnh là 368.125 lượt ha, bình quân 52.589 ha/năm; chăm sóc 9.197 lượt ha, bình quân 1.533 ha/năm. Toàn bộ diện tích rừng nói trên đều được giao khoán cho hộ gia đình và nhóm hộ nhận khoán bảo vệ.

Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép ngày càng kéo giảm, với số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giảm bình quân hàng năm từ 20-25%.

Rừng sản xuất ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành- Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy chữa cháy và chống phá rừng các năm qua luôn được quan tâm chỉ đạo tích cực.

Diện tích khoanh nuôi đã phát triển thành rừng trên 8.045 ha; công tác giải quyết tình trạng lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích được thực hiện quyết liệt, chuyển đất sang trồng rừng mới 2.020,3 ha, bình quân 404,06 ha/năm. Độ che phủ của rừng tăng từ 15,7% năm 2013 lên 16,3% ước thực hiện đến cuối năm 2019, bao gồm cả độ che phủ cây cao su trên địa bàn là 40,3%...

Về nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 322 công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ với tổng công suất hoạt động là 274.521m3/năm. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, sản lượng gỗ khai thác, tỉa thưa từ rừng trồng, cây trồng phân tán của tỉnh, đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến.

Công nghệ chế biến gỗ ngày càng hiện đại, giá trị lâm sản qua chế biến được nâng cao, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Việc khai thác cây phụ trợ là cây keo trồng xen trên diện tích trồng rừng đặc dụng và phòng hộ đã giải quyết đáng kể cho nhu cầu gỗ chế biến và sử dụng của nhân dân địa phương, giảm sức ép vào rừng (bình quân tỉa thưa trên 30.000m3/ năm).

Thời gian qua, ngoài thu nhập tiền công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, người lao động làm nghề rừng còn được khai thác, tỉa thưa cây phụ trợ trong rừng trồng và cây trồng phân tán bình quân 80-90 m3/ha/lần (5-7 năm/lần), giá trị thu nhập cây trồng phụ trợ 1 ha rừng trồng phòng hộ, đặc dụng bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha/năm và rừng sản xuất trên 25 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài thu nhập từ gỗ, hộ gia đình nhận khoán còn thu nhập từ cây nông nghiệp (cây mì) trồng xen trong rừng trồng 3 năm đầu và giá trị mang lại từ khai thác mủ cây cao su trong quy hoạch lâm nghiệp, bình quân 30 triệu đồng/ha/năm.

Tính đến nay việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh tạo được nguồn tài chính hỗ trợ thêm cho công tác quản lý bảo vệ rừng góp phần tăng thu nhập với mức chi trả bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Thu nhập của lao động làm nghề rừng bình quân khoảng 35-40 triệu đồng/năm.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục