Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đánh đổi cải cách lấy chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%
Thứ bảy: 09:17 ngày 17/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một mặt, Chính phủ đang rất muốn đẩy nhanh công cuộc đổi mới, mặt khác để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, các chuyên gia cho rằng phải đánh đổi bằng cách trì hoãn cải cách.


VERP nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% có thể đạt được nhưng có thể làm trì hoãn những cải cách thể chế - Ảnh: N.AN

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Đẩy nhanh cải cách vì một nhà nước kiến tạo” do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngày 16-6.

Những nút thắt của tăng trưởng

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện VERP, cho rằng tình hình thế giới ngày càng khó đoán định hơn, có thể tác động lớn đến Việt Nam.

Đơn cử như việc Mỹ đưa ra chính sách bảo hộ thương mại, rút lui khỏi TPP, sẽ đặt ra câu hỏi cho Việt Nam trong vấn đề tiếp tục cải cách như thế nào.

Những vấn đề như cơ hội tăng trưởng ở ASEAN/khu vực sẽ đem lại thuận lợi cho Việt Nam hay sẽ tạo ra sự chuyển dịch về vị thế cạnh tranh? Cơ hội thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gọi tắt là cách mạng 4.0, cũng đòi hỏi cần phải có những thay đổi chính sách, thể chế.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1 dù đạt thấp, Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 như đã đề ra.

Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay của nền kinh tế là tình trạng ngân sách thâm hụt triền miên và nợ công tăng lên, đặc biệt trong cơ cấu chi ngân sách thì chi thường xuyên tăng nhanh.

“Thâm hụt ngân sách nhiều sẽ khiến cho đầu tư bị hạn chế, tác động đến tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nếu không giải quyết căn cơ sẽ tạo ra nhiều áp lực, khiến nhà đầu tư có thể chuyển hướng đầu tư ngắn hạn vì không biết rủi ro thị trường đến đâu”, ông Thành nhận định.

Đánh giá về cải cách thể chế gần đây, báo cáo cũng chỉ ra bộ máy hành chính nhà nước chưa được chuyên nghiệp hóa, can thiệp thiếu nguyên tắc và thiếu nhất quán vào các hoạt động của thị trường.

Trong khi những vấn đề như ô nhiễm môi trường, công nghệ chưa được kiểm soát tốt thì nhiều chính sách lại can thiệp quá lớn vào hoạt động kinh doanh, tạo cản trở cho doanh nghiệp.

Đánh đổi cải cách lấy tăng trưởng

Trong bối cảnh đó, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2017.

Theo đó, kịch bản đầu tiên là theo mục tiêu đã định, kinh tế sẽ tăng trưởng đạt 6,7%, lạm phát đạt mức 3,2%.

Kịch bản thứ hai là tăng trưởng kinh tế tự nhiên, mức tăng GDP của cả năm sẽ là 6,37% và lạm phát ở mức 2,35%.

Tiến sĩ Thành cho rằng kịch bản mục tiêu chỉ đạt được khi Chính phủ thực hiện đúng cam kết như trong Chỉ thị được ban hành sau phiên họp tháng 6 vừa qua về đạt mục tiêu tăng 6,7%, cũng như sự nỗ lực lớn của các bộ ngành.

Tuy nhiên, với kịch bản này, lạm phát có thể tăng do phải sử dụng quá nhiều nguồn lực, và các nỗ lực cải cách cũng có thể bị trì hoãn.

Đơn cử như muốn cải cách doanh nghiệp Nhà nước, một mặt, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, mặt khác Nhà nước vẫn phải sử dụng khối này như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ), khuyến nghị vẫn cần phải kiên định với việc khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn, xây dựng mô hình từ Nhà nước chỉ huy can thiệp sang kiến tạo và phát triển.

Trọng tâm là cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư, giúp người dân và doanh nghiệp làm ăn trong môi trường  cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần phải xây dựng môi trường thể chế để người dân, doanh nghiệp không gặp rủi ro về chính sách.

Các quy định, hành lang pháp lý đưa ra, theo ông Dũng, phải đoán định được, gắn với cắt giảm chi phí, xóa bỏ độc quyền, mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia để tận dụng tốt các nguồn lực xã hội…

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục