Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đổi thay trên vùng đất chiến trường xưa
Chủ nhật: 20:45 ngày 21/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ một vùng đất bom cày đạn xới trong kháng chiến chống Mỹ, ngày nay, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng đã đạt tất cả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; đời sống kinh tế- xã hội phát triển từng ngày.

Một góc nhà xưởng của Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA Tây Ninh trên xã Hưng Thuận.

Trở lại chiến trường xưa

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, trên địa bàn các xã Lộc Hưng, Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã), từng là chiến trường ác liệt. Cuối năm 1969, để tăng cường lực lượng bảo vệ Sài Gòn, Mỹ- ngụy đóng thêm nhiều đồn bót, liên tục đánh phá các xã Đôn Thuận, Lộc Hưng, Gia Lộc, An Tịnh.

Ban ngày chúng tung quân đi càn quét; ban đêm, biệt kích tổ chức phục kích cán bộ cách mạng. Tại xã Lộc Hưng- nơi từng là Căn cứ của Huyện uỷ và Huyện đội Trảng Bàng, Phân khu uỷ Khu I và bộ đội chủ lực, địch tập trung đánh phá có tính chất huỷ diệt, liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân để gom dân ra dọc tỉnh lộ 6 lập ấp chiếc lược. Tại xã Đôn Thuận, kết hợp với rải chất độc hoá học, địch tiếp tục cho máy bay B52 ném bom “rải thảm” và xe ủi phá rừng Bời Lời.

Trước tình hình đó, Huyện uỷ và Huyện đội Trảng Bàng luân phiên tổ chức đánh địch, tạo thế đứng bám trụ vững chắc, khôi phục lại địa bàn. Đại đội 1 (Trảng Bàng) được  phân công hoạt động tại các xã Gia Lộc, Lộc Hưng, An Tịnh và Gia Bình.

Lực lượng công binh và đặc công phối hợp cùng lực lượng thị trấn Trảng Bàng đánh vào hậu cứ địch. Các trận đánh hiệu suất cao của Trung đoàn 16 ở Cây Cầy Vàng, tập kích từng cụm thiết đoàn Mỹ ở Cầu Xe, diệt gọn từng trung đội Mỹ, trừng trị tên trưởng ấp khét tiếng ác ôn, phá rã hệ thống phòng vệ dân sự, từng bước khôi phục lại địa bàn Lộc Hưng. Đúng 16 giờ ngày 29.4, Trảng Bàng là huyện thứ hai của tỉnh được giải phóng.

Xây dựng nông thôn mới và hơn thế nữa

Sau ngày miền Nam giải phóng, Trảng Bàng cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, bắt tay xây dựng lại quê hương. Trong công cuộc đổi mới, năm 2004, xã Hưng Thuận được thành lập trên cơ sở tách ra từ các xã Lộc Hưng, Đôn Thuận.

Ngày nay, trên địa bàn xã Hưng Thuận còn một phần khu di tích lịch sử cách mạng Bời Lời. Ông Nguyễn Thành Duyên- 79 tuổi, hiện ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, nguyên Bí thư xã Đôn Thuận nhớ lại, trong kháng chiến chống Mỹ, quân địch đóng chốt ở ấp Cầu Xe. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra. Xe tăng của Mỹ bị quân ta bắn cháy nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Sau ngày giải phóng, nhiều người dân mới lần lượt trở về xây dựng lại nhà cửa, làm ăn sinh sống. Những cánh rừng bị bom cày đạn xới được bà con khai khẩn, cải tạo lại đất đai để trồng lúa, mì, cao su, gầy dựng cuộc sống mới. Thời điểm đó, cuộc sống còn khó khăn.

“Hồi đó, trồng lúa trồng chỉ dựa vào thời tiết, chứ không có nước tưới. Vì vậy, tới mùa thu hoạch, chỉ lấy được chút đỉnh, không đủ ăn. Bà con chủ yếu ăn củ mì và củ nầng đào trong rừng” - cựu Bi thư xã hồi tưởng.

Mãi đến khi công trình thủy lợi Dầu Tiếng xây dựng xong và đưa vào hoạt động, kênh Đông dẫn nước về khắp các cánh đồng, người nông dân xứ Trảng mới bắt đầu đổi thay cuộc sống. Từ chỗ mỗi năm trồng được một vụ lúa, người dân canh tác tăng lên 3 vụ lúa/năm. Nhờ đó, nhiều người trở nên khá giả. Những ngày cuối năm 2020, vợ chồng ông Duyên vừa xây dựng căn nhà tường mới, khang trang, với chi phí 1,6 tỷ đồng.

Ông Duyên chỉ đường Trảng Cỏ năm xưa này trở thành đường bê tông nhựa bằng phẳng, rộng rãi.

Đường giao thông trong xã cũng đổi thay không ngừng. Chỉ vào con đường nhựa rộng 8 mét trước cửa nhà, ông Duyên bồi hồi nhớ lại. Trong kháng chiến, con đường này gọi là đường Trảng Cỏ, là đường xe bò, hẹp, sình lầy. Sau ngày miền Nam giải phóng con đường được tỉnh, huyện đầu tư nâng cấp mở rộng hai, ba lần.

Đến nay, đường Trảng Cỏ trở thành đường bê tông nhựa bằng phẳng, rộng rãi. Con đường này dẫn vào khu Di tích căn cứ cách mạng Bời Lời nên được đặt tên là đường Cách Mạng Miền Nam. Hằng ngày, trên đường, xe ô tô tải chở hàng hóa nông sản tấp nập đi lại.

Hệ thống trường học ở xã cũng được đầu tư đúng mức. Ông Duyên nhớ tiếp, năm 1973, ở ấp Cầu Xe có trường tiểu học bị bom đạn Mỹ ngụy đánh sập, làm chết 11 học sinh. Sau ngày đất nước thống nhất, nơi này được đầu tư xây dựng một bia tưởng niệm với biểu tượng Búp Măng Non. Đồng thời, xây dựng trường tiểu học cách vị trí trường TH cũ vài trăm mét, lấy tên nữ anh hùng Đặng Thị Hiệt- nguyên Bí thư xã Đôn Thuận.

Chợ Cầu Xe cũng vừa được xây dựng trong những năm sau ngày Trảng Bàng giải phóng. Mặc dù ngôi chợ mang tên ấp Cầu Xe, nhưng quy mô là chợ xã, có đủ loại hàng hoá từ lương thực, thực phẩm đến những mặt hàng thiết yếu khác.

Trường TH Đặng Thị Hiệt được xây dựng mới.

Trước đây, toàn bộ người dân ở đây đều sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Sau ngày quê hương giải phóng, người dân hùn tiền mua trụ, mua dây, ngành điện kéo điện về sử dụng theo mô hình điện tổ. Những năm gần đây, ngành điện sửa chữa, nâng cấp lưới điện quốc gia, giúp người dân chẳng những có điện thắp sáng, xem ti vi mà còn sử dụng máy bơm nước sinh hoạt và nhiều loại máy móc gia dụng khác.

“Hiện nay, nhiều người dân cất nhà lầu, mua sắm xe hơi. Quê hương thay đổi 100%”, ông Duyên cười khà khà, nói.

Ước vọng tương lai

Ông Phạm Văn Ram- Bí thư xã Hưng Thuận cho biết: “Tính đến nay, xã Hưng Thuận đã đạt tất cả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hiện giờ chỉ còn chờ tổ chức lễ công bố nữa thôi”. Ông Ram cho biết thêm, không chỉ đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới mà nhưng năm gần đây, kinh tế- xã hội của Hưng Thuận phát triển mạnh.

Năm 2019, trên địa bàn ấp Bùng Binh, Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA Tây Ninh đầu tư xây dựng khu nhà xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ và vật liệu trang trí nội thất cao cấp,   hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn I với diện tích nhà xưởng 50 ha, giải quyết việc làm hàng trăm người. Giai đoạn II, Công ty sẽ mở rộng quy mô lên vài trăm ha và thu hút 3- 4 ngàn công nhân.

Ở ấp Lộc Trung, có Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Danh xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các loại nhựa gắn cửa xe ô tô, cửa kính và các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật khác. Hiện xã có 5 trang trại bò sữa, 2 trang trại nuôi cá ba sa, rô đồng, 1 trại nuôi cá sấu và 1 xưởng sản xuất đồ gốm. Đặc biệt, trong tương lai, Hưng Thuận sẽ được đầu tư xây dựng trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp với tổng diện tích hơn 259 ha.

Sau bao năm chính quyền và nhân dân Hưng Thuận nỗ lực xây dựng quê hương, đến nay, vùng đất nổi tiếng với những trận chiến đấu khốc liệt, đã trở thành xã nông thôn mới với đầy đủ điện, đường, trường, trạm và đời sống kinh tế không ngừng phát triển.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục