Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mặc dù chưa phải nắng nóng đỉnh điểm nhưng những ngày giữa tháng 5 vừa qua sản lượng điện tiêu thụ đã thiết lập kỷ lục mới và vượt đỉnh của năm 2018, làm cho việc vận hành hệ thống điện quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực.
Lãnh đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) thông tin tình hình cấp điện trong mùa nắng nóng 2019. Ảnh: VGP
Tuy nhiên với nhiều giải pháp cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định sẽ cung cấp đủ điện trong cao điểm mùa nắng nóng và cả năm 2019.
Sản lượng điện tiêu thụ đã vượt “đỉnh” năm 2018
Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, 5 tháng đầu năm chưa phải là thời kỳ cao điểm nắng nóng nhưng hệ thống điện đã ghi nhận lượng điện tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy.
Cụ thể, ngày 24/4 là ngày nóng nhất tháng 4/2019, công suất đầu nguồn cực đại (Pmax) toàn hệ thống đã đạt 35.703 MW, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua Pmax trong đợt nắng nóng cực đoan nhất năm 2018 (35118 MW - ngày 3/7/2018).
Số liệu cập nhật tới ngày hôm qua 17/5/2019 thì mức tiêu thụ điện toàn hệ thống lại đạt đỉnh mới cao hơn, với công suất đỉnh đầu nguồn toàn hệ thống lên tới 35.912 MW.
Cùng với đó, lượng điện năng tiêu thụ đầu nguồn toàn hệ thống điện quốc gia trong ngày 17/5/2019 lên đến 755 triệu kWh và số liệu này cũng đã phá kỷ lục, vượt qua mức đỉnh của năm 2018 là 725 triệu kWh vào ngày 3/7/2018. Theo số liệu thống kê của 4 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ đạt 74,35 tỷ kWh, tăng trưởng 11% so với năm 2018.
Tuy mới chỉ đầu hè, nhu cầu dùng điện đã tăng đột biến trong khi công tác vận hành nguồn điện vẫn rất căng thẳng.
Đối với thủy điện, chỉ có các hồ tại khu vực miền Bắc có lượng nước về tương đối khá, tương đương trung bình nhiều năm trong khi phần lớn các hồ chứa thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về thấp.
Đến thời điểm này, sản lượng thủy điện tích trong các hồ miền Trung và miền Nam chỉ khoảng 2 tỷ kWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong 3 ngày làm việc. Nếu tính riêng các hồ miền Nam, chỉ còn 0,38 tỷ kWh, tương đương lượng điện tiêu thụ tại khu vực này trong 1 ngày. Đặc biệt, nhiều hồ chứa thủy điện khu vực này không có khả năng bảo đảm cấp nước cho hạ du đến cuối mùa khô như: Hàm Thuận, A Vương, Đăk My 4A, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 2…
Nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã ở gần mực nước chết. Ảnh: VGP
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu từ tháng 4/2019 để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tổng sản lượng nhiệt điện dầu huy động đến thời điểm này là 160 triệu kWh và sẽ phải tiếp tục huy động nguồn điện giá cao này trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy trong nhiều năm nay, nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền nhiệt độ. Nếu bước vào cao điểm nắng nóng trong các tháng 5, 6, dự kiến phụ tải còn tiếp tục tăng trưởng cao. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000- 39.000 MW, tăng 11-14% so với cùng kỳ 2018.
Dồn lực đáp ứng nhu cầu cung cấp điện
Trong điều kiện vận hành hệ thống điện hết sức căng thẳng, khó khăn, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn đã xây dựng các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn để đáp ứng đủ điện cho đất nước.
Trong hơn 4 tháng qua, mặc dù có nhiều bất lợi do các yếu tố khách quan, EVN vẫn nỗ lực điều hành hệ thống điện, cung ứng điện đầy đủ cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời đang tập trung hỗ trợ tối đa để gần 100 dự án điện mặt trời đóng điện và vào vận hành chính thức trước ngày 30/6/2019.
Trong mùa khô và các tháng còn lại của năm 2019, EVN gặp khó khăn rất lớn do lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ ở khu vực miền Nam đã gần về mực nước chết. Bên cạnh đó, nguồn khí sau nhiều năm khai thác cao đã suy giảm. Nguồn than trong nước hiện nay cũng không thể đảm bảo đủ cho sản xuất điện và đã phải nhập khẩu than.
Trước tình hình này, EVN sẽ huy động linh hoạt thuỷ điện theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, đảm bảo khả dụng đến cuối mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam sẽ được huy động tối đa công suất. EVN cũng đã chủ động phối hợp với PVN, Vinacomin để triển khai những giải pháp đảm bảo nhiên liệu cho phát điện. Ước tính trong năm 2019, EVN cần 55 triệu tấn than để phục vụ việc phát điện, trong đó than trong nước khoảng 43 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn.
Công nhân ngành điện căng mình bảo đảm cung cấp điện trong mùa nóng. Ảnh: VGP
Trong điều kiện sản lượng điện truyền tải từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam luôn ở mức cao, EVN đã chủ động giám sát liên tục đường dây truyền tải siêu cao áp để tăng cường truyền tải điện từ Bắc vào Nam.
Đối với lưới điện hạ áp và phân phối, các công ty điện lực cũng hoàn thành mọi công tác trên lưới từ trước tháng 3/2019, bảo đảm vận hành ổn định trong mùa nắng nóng.
Cần sự chia sẻ từ phía khách hàng sử dụng điện
“Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung, chúng ta cũng cần tập trung quản lý từ phía cầu để sử dụng điện hợp lý, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành Điện cần sự chia sẻ, phối hợp từ phía các khách hàng để tham gia thực hiện điều chỉnh phụ tải, góp phần san tải hệ thống điện trong giờ cao điểm”, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.
Hiện nay, đã có khoảng 2.000 khách hàng lớn ký kết tự nguyện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải cùng EVN. Các đơn vị điện lực vẫn đang tiếp tục vận động, làm việc với các khách hàng lớn, song song với việc tuyên truyền, vận động sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tới từng hộ gia đình.
Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời áp mái được coi là giải pháp hiệu quả để bổ sung nguồn điện sử dụng tại chỗ, giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện mới, giảm tổn thất truyền tải. Chính phủ đã có cơ chế giá để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. EVN cam kết hỗ trợ tối đa mọi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp như đơn giản hóa các thủ tục đấu nối, cung cấp công tơ 2 chiều, thanh toán tiền điện kịp thời cho các hộ lắp đặt nhằm góp phần giảm áp lực về nguồn cung cho hệ thống điện.
Nguồn chinhphu