Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mái đình Hiệp Ninh
Thứ năm: 06:47 ngày 06/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách Tây Ninh di tích lịch sử danh lam thắng cảnh của Bảo tàng tỉnh (2001) ghi là “vào khoảng năm 1880”, nhưng cũng chưa nói nguồn tư liệu từ đâu.

Trùng tu đình Hiệp Ninh.

Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu, sử sách nào viết chính xác về ngày, tháng, năm lập đình Hiệp Ninh. Tài liệu mới nhất là báo cáo kết quả kiểm kê thực trạng Tư liệu hoá văn tự Hán Nôm của Bảo tàng tỉnh (2021) cũng chỉ viết chung chung: “Đình Hiệp Ninh được thành lập trong thời kỳ mở đất, khoảng những năm giữa thế kỷ 19…”. Sách Tây Ninh di tích lịch sử danh lam thắng cảnh của Bảo tàng tỉnh (2001) ghi là “vào khoảng năm 1880”, nhưng cũng chưa nói nguồn tư liệu từ đâu.

Tuy vậy, có một điều khẳng định được, là đình đã được xây bề thế cơ bản như hiện nay là từ trước năm 1900. Bởi cũng năm ấy, trong một tấm ảnh của Bảo tàng là toàn cảnh đình Hiệp Ninh, với đủ cả lầu trống lầu chuông, cả 2 miếu Sơn Quân Chúa Xứ, Tà Công Bạch Mã.

Từ ảnh, dễ nhận ra là có sự khác biệt về mặt tiền kiến trúc so với hiện tại. Là khi ấy, đình còn chưa có tấm tường bình phong chắn mái trên hành lang phía trước. Do vậy, toàn bộ tấm mái của ngôi tiền đình phía trước lộ ra, biểu dương nét đẹp vô bờ của tấm mái ngói “âm dương”.

Khác nữa là, dường như trên mái đình xưa có nhiều hoạ tiết trang trí hơn. Cụ thể là các bức tường hồi cũng được xây tô với những đường nét vòm cong, gờ chỉ gờ phào đẹp đẽ (chứ không đơn giản chỉ là đóng ván gỗ ngang như các đầu hồi hiện tại).

Ngay cả đầu hồi những ngôi miếu nhỏ thờ Chúa Xứ Sơn Quân, Tà Công Bạch Mã cũng được xây tường chắn mái với các đường cong kết nối khá cầu kỳ. Các linh vật bố trí trên mái nhiều hơn, ở cả các bờ xây dốc trên góc mái… Do vậy, mái đình Hiệp Ninh khi mới xây xong, vào đầu thế kỷ 20 chắc hẳn còn đẹp và lộng lẫy nhiều hơn so với ngày nay.

Sự khác biệt về mặt tiền đình năm 1900 và ngày nay cho ta một suy luận về lịch sử khá thú vị, khi liên hệ với bản sắc phong được vua Khải Định ban cho đình Hiệp Ninh. Bản sắc được ban ngày 18.3 năm Khải Định thứ 2, tức là ngày 18.5.1917.

Ai từng đến tham quan lăng vị vua này đều biết ông là một người say mê tác phẩm mỹ thuật gắn liền kiến trúc được ốp lát bằng gốm sứ, mà điển hình nhất chính là lăng Khải Định. Kết hợp với sự kiện trong các năm từ 1921 đến 1924 xuất hiện nhiều cặp liễn đối và tấm bảng đại tự chữ Thần trên ngai thờ chính; có thể suy đoán rằng trong các năm này đã có một cuộc “đại trùng tu”. Trong đó là việc xây dựng thêm phần hành lang trước. Trên hành lang là một bộ tác phẩm hoành tráng, tất cả đều được ốp bằng gốm sứ, đúng với loại hình nghệ thuật được ưa chuộng ở kinh thành Huế.

Tường chắn mái cao khoảng 1 mét, trên có trang trí nhiều chi tiết hoa văn, hoạ tiết. Chính giữa là tấm cuốn thư, có thể tượng trưng cho sắc vua ban. Phía trên còn xây một bức tường cột gần vuông, chính giữa có tấm hoa gió hình chữ Lộc (Hán tự).

Bốn góc bao quanh chữ là hình đắp nổi 4 chú dơi. Dơi thường được tượng trưng cho chữ Phúc. Chung quanh còn trang trí thêm đủ 8 pho tượng bát tiên. Trên đỉnh tường hai bên là đôi rồng chầu hướng vào, phía sau đuôi rồng còn là một đôi phượng múa.

Đây cũng chính là tác phẩm chính được ghép mảnh gốm sứ nhiều màu, tạo nên hình tượng rồng trong dáng điệu uy phong, dũng mãnh. Tường chắn mái còn có thêm một vài hình tượng khác, như lân, cá hoá long…

Đặc biệt đôi lân múa ở hai bên cũng được ốp ghép bằng mảnh gốm sứ khá sinh động. Trên 2 trụ của mảng tường vuông gắn chữ Lộc, còn một đôi câu đối. Mà đọc lên, sẽ biết được ngay người xưa diễn tả gì trên bức tường chắn mái, bình phong. Đấy là:

Phượng vũ long triều thiên cổ hiệp

Lân trình xương khách vạn gia ninh

Tạm hiểu: Rồng chầu phượng múa là hợp với truyền thống xa xưa. Lân có mặt báo hiệu vạn nhà có đời sống bình yên hạnh phúc.

Như chúng tôi đã suy đoán, bức tường, bình phong mặt tiền đình Hiệp Ninh được làm trong cuộc trùng tu vào các năm từ 1921 đến 1924. Thập niên 20 của thế kỷ 20, như tác giả Trần Văn Giàu phân tích trong tác phẩm Chống xâm lăng, thì nhân dân Nam bộ đang ở trong thời kỳ khủng hoảng niềm tin trầm trọng.

Phật giáo đang suy vi. Nho giáo bị đứt đoạn sau khi miền Nam rơi vào tay giặc Pháp. Lòng dân có lúc, có nơi hướng về triều đình Huế. Do vậy mà các hình tượng điêu khắc trên mặt tiền đình cùng có ý nghĩa hướng về những giá trị xưa của nền văn hoá dân gian truyền thống.

Dấu vết của chủ nghĩa thực dân cũng có, nhưng chỉ là 4 cột đúc bê tông đỡ hành lang. Còn ở phía trên, toàn bộ bức bình phong tường chắn mái đều là ngôn ngữ tạo hình truyền thống. Xét về tổng thể, đây cũng là một bức tranh đẹp đẽ, thể hiện một ước mơ “quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà”.

Các đường viền khúc khuỷu bên trên long lanh màu men gốm sứ. Thì bên dưới, là những hàng ngói âm dương đỏ au được kết thúc bằng ngói diềm mái men xanh cũng thật hài hoà và tinh tế. Chỉ tiếc là phần tường chắn mái cũng đã che bớt, làm giảm đi vẻ bề thế của mái đình xưa.

Mái đình Hiệp Ninh.

Dù vậy, ngày nay vẫn còn nhiều vị trí để thấy được vẻ đẹp của mái đình Hiệp Ninh. Như trong hẻm nhỏ ở bên trái ngôi đình, cả ba lớp mái của đình rạng rỡ nổi lên trên màu sắc của thảm cỏ xanh và rung rinh bông kiểng. Hoặc ngay trong khoảng sân nắng bên trong, ngước về đâu cũng thấy rực hồng mái ngói vây quanh.

Nhưng thú vị nhất có lẽ là lên mái đình (theo đường cầu thang lầu chuông lầu trống). Khi ấy là lớp lớp mái đình đỏ au trải ra trước mắt. Trên các đường bờ bao góc mái và đỉnh mái, là các linh vật với màu men gốm sứ long lanh.

Và kìa! Khi ánh mắt lướt qua trập trùng mái ngói, bỗng thấy núi Bà trải ra thẫm xanh ở phía chân trời. Tưởng như gần gụi lắm, ngay sau những mái đình thôi. Còn phía trước, hàng cây sao cổ thụ chạy dài theo con dốc thoải vươn ra phía rạch. Quả nhiên đây chính là thế đất “phong thuỷ” của đình xưa mà người xưa thường lựa chọn. Đứng trên đỉnh mái, càng thấy rõ hơn tư thế “tựa sơn, đạp thuỷ” của đình làng.

Do vậy mà, trong chính điện, ngay trước phần tứ trụ thờ thành hoàng có đôi liễn đối:

Hàm Linh sơn dục tú chung anh, nãi thánh nãi thần nãi văn võ

Hiệp thôn ấp an cư lạc nghiệp, hữu tài hữu thổ, hữu nhân dân

Tạm hiểu:

Núi Linh hun đúc anh tài, này thánh, này thần, này văn võ (bá quan)

Thôn ấp được an cư lạc nghiệp, có sản vật đất đai, có con người

Thật là, lên cao ngắm mái đình xưa mà thấy những chuyện vui…

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục