Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một gia đình có 5 anh em bị khiếm thị, trong đó có 3 người thoát nghèo vươn lên nhờ vào tài đánh đàn, dạy đàn, sản xuất và kinh doanh một số loại nhạc cụ dân tộc.
Anh Đức biểu diễn đoạn vắn bài Lưu thuỷ kim tiền.
Vươn lên từ hoàn cảnh bất hạnh
Đến thăm gia đình anh Lê Hữu Đức, 50 tuổi, ở phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cơ ngơi của anh khá bề thế. Một căn nhà tường khang trang, phía trước hàng rào có trồng nhiều hoa kiểng.
Trên cổng treo tấm biển bằng gỗ khắc chữ “Tiệm đàn Hữu Đức”. Trên sân có một chiếc ô tô mới toanh. Bên trong nhà bày bán hàng chục loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn tam, guitar phím lõm … Ở nhà sau là nơi sản xuất đàn và dạy đàn cho một số học viên.
Từ năm 2000-2010, anh Đức dạy nhiều học viên. Hiện nay ít hơn, mỗi ngày anh dạy từ 9 giờ đến 11 giờ, mỗi buổi anh chỉ dạy một học viên. “Dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc nên dạy nhiều học viên hiệu quả không cao"- anh Đức chia sẻ.
Anh Đức cho biết, cha mẹ anh đều là những người sáng mắt bình thường, anh có 11 anh, chị em. Có 6 anh, chị em không vấn đề gì về mắt, còn lại 5 anh em trai bị khiếm thị. Anh Đức và các anh, em trong gia đình đã đến bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh khám mắt để tìm phương cách chữa trị, do ảnh hưởng từ thần kinh chứ không phải hư tròng mắt nên không thể điều trị.
Gia đình làm nghề chụp ảnh dịch vụ, nhưng 5 người con bị khiếm thị không thể nối nghiệp chụp ảnh, cha mẹ anh Đức nghĩ đến chuyện dạy nghề khác cho con. Ông bà rước một người thầy chuyên về đàn kìm đến nhà dạy cho các con bị khiếm thị.
“Lúc đó tôi 13 tuổi. Thầy dạy được khoảng 2 năm, vì điều kiện đi lại khó khăn, thầy không đến dạy nữa. Sau đó, cha tôi dẫn các con đến nhà thầy Hai Trí- một người khiếm thị dạy đờn ca tài tử, nhạc lễ ở phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành để học thêm vài năm nữa”- anh Đức cho biết.
Năm 1983, học xong các ngón đàn của thầy Trí, anh Đức xin vào phục vụ trong Ban nhạc lễ của Cao Đài Toà thánh Tây Ninh. Năm 1992, anh thi đỗ khoá tuyển nhạc sĩ, do Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh tổ chức và chuyên tâm con đường âm nhạc.
Ngoài những buổi phục vụ trong Ban nhạc lễ của Toà thánh, anh Đức còn cộng tác với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh trong những chương trình văn nghệ đờn ca tài tử. Thời gian còn lại, anh dạy nhạc và sản xuất một số loại đàn tại gia đình.
Ba năm qua, anh Đức lập kênh YouTube, được hơn 6 ngàn người theo dõi. Anh thường đăng tải những buổi hoà tấu nhạc đạo và dạy đàn online miễn phí cho công chúng yêu bộ môn nghệ thuật này.
Anh Đức chia sẻ: “Nhiều người yêu cầu đăng các clip về nhạc tài tử và sản xuất đàn, nhưng tôi chưa có thời gian làm clip. Trước đây học trò quay, hai năm nay vợ tôi quay bằng điện thoại, đơn giản chứ chưa có xử lý hậu kỳ”. Anh Đức tâm sự thêm, vợ anh vừa học lái xe được vài tháng và vợ chồng anh mua một chiếc xe ô tô làm phương tiện đi lại, giao dịch làm ăn.
Anh Lê Minh Tâm biểu diễn văn nghệ tại buổi họp mặt sinh viên Tây Ninh nhân dịp mừng Xuân Quý Tỵ 2013.
Sản xuất đàn
Nói về cơ duyên sản xuất đàn, người đàn ông khiếm thị này kể, năm 1997, anh mua một số đàn về bán lại. Đến năm 2017 thì đầu tư mua những dụng cụ, vật tư cần thiết như máy tiện, gỗ, dụng cụ làm mộc, dây đàn và thuê một thợ mộc mắt sáng sản xuất một số loại đàn theo kiểu thủ công tại gia đình.
Anh Đức tự đo, vẽ mẫu lên giấy, sau đó cắt ra thành khuôn và giao cho thợ mộc cưa, bào, đục đẽo theo khuôn mẫu rồi ráp lại. Anh Đức là người kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm nào không đạt yêu cầu thì chỉnh sửa lại. “Những lần đầu sản xuất có nhiều sản phẩm chưa đạt yêu cầu phải làm đi làm lại nhiều lần".
Nếu chỉ sản xuất đàn cò, mỗi tháng, gia đình anh Đức cho ra lò từ 20 - 30 sản phẩm. Trong đó, ngoài người thợ mộc phụ trách các công đoạn cưa gỗ, tiện loa, vợ anh phụ làm công đoạn bọc da mặt đàn, lộng cần, anh Đức chà giấy nhám cho đàn trơn, láng.
“Hầu hết các sản phẩm do gia đình tôi làm ra đều bán hết. Nay cũng có khách đặt hàng, nhưng tôi chưa có thời gian sản xuất”- anh Đức cho biết. Ngoài những loại đàn do gia đình sản xuất, anh Đức còn mua thêm một số loại nhạc cụ về bán. Nhờ thế, kinh tế gia đình anh ổn định.
Anh Đức có 2 người em trai tên Lê Minh Tâm và Lê Hữu Tâm cũng chung hoàn cảnh không nhìn thấy ánh sáng. Hai người em được gia đình đưa đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị học văn hoá và học nghề.
Trong đó, em Minh Tâm đặc biệt có năng khiếu về âm nhạc. Tâm đàn organ rất tốt và từng được sang Na Uy biểu diễn. Sau nhiều năm rèn luyện, Tâm được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm, khoa ngữ văn. Tốt nghiệp đại học, Tâm quay về làm giáo viên dạy âm nhạc và tin học của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh- nơi anh từng được cưu mang.
Còn nhớ, 10 năm trước, tại Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi, Tỉnh đoàn tổ chức họp mặt sinh viên Tây Ninh nhân dịp mừng Xuân Quý Tỵ 2013. Tại buổi họp mặt, cậu sinh viên khiếm thị này là một trong ba gương tiêu biểu được mời lên sân khấu giao lưu với lãnh đạo tỉnh và đông đảo bạn sinh viên khác. Tâm đã kể câu chuyện vượt khó vươn lên đầy nghị lực, lan toả năng lượng tích cực đến với đông đảo sinh viên. Tâm còn đệm đàn guitar và trình bày tiết mục văn nghệ rất hay, để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
Ngoài anh Đức và anh Tâm kiếm sống bằng nghề âm nhạc, người em kế út của anh Đức là anh Lê Hữu Trường cũng mở lớp dạy đờn ca tài tử, nhạc lễ tại nhà ở xã Trường Tây; còn người em Lê Hữu Tâm mở cơ sở phục vụ massage khiếm thị tại nhà ở xã Trường Tây.
Đại Dương
Anh Đức vui mừng cho biết: “Tôi vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Nghệ nhân ưu tú. Đây là niềm vui, niềm vinh hạnh rất lớn đối với người khiếm thị như tôi”.