Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nghịch lý phân bón giá cao, lúa giá thấp
Thứ ba: 18:18 ngày 13/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ đầu năm đến nay, các loại phân bón và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất liên tục tăng giá, trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản lại xuống thấp, thậm chí không bán được khiến người nông dân lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.

Phân bón tăng giá liên tục.

Giá phân bón cao kỷ lục.

Đại dịch Covid-19 đang bùng phát và lây lan nhanh trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được nhiều đại lý, người kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đưa ra để lý giải về mức giá phân tăng cao như hiện nay.

Vừa mua về hơn 10 bao phân để bón thúc đợt 1 cho vụ lúa Thu - Đông mới gieo hơn 20 ngày tuổi, anh Vũ, nông dân ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, giá phân bón bắt đầu tăng từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi lần liên hệ đại lý đều được báo một giá khác, tăng liên tục.

Nếu như trước đây giá ure Phú Mỹ chỉ chưa đầy 380.000 đồng/bao (50kg), nhưng đợt này anh được đại lý bán với giá lên đến 650.000 đồng/bao, tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, những loại khác như Kali gần 500.000 đồng/bao, 16-16-8 hơn 550.000 đồng/bao, tăng đến hơn 1,5 lần so với giá thời điểm đầu năm 2021.

Theo ông H, chủ một đại lý vật tư nông nghiệp tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, chưa bao giờ giá phân bón tăng cao và liên tục như hiện nay, chỉ riêng trong tháng 6, đại lý của ông đã phải thay đổi bảng giá đến bốn lần.

Cũng theo ông H, việc thay đổi bản giá phân bón không phải cái khó đối với ông và những người kinh doanh mà vấn đề ở đây là việc giải thích cho người dân hiểu về nguyên nhân giá phân bón liên tục điều chỉnh, “chúng tôi là đại lý bán lẻ, là đầu cuối cung cấp vật tư nông nghiệp trực tiếp cho bà con nông dân, nhà máy và đại lý cấp I giao phân bón với giá nào chúng tôi phải bán giá đó, ban đầu thấy giá tăng ít thì tôi niêm yết giá lên theo.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá phân bón quá cao, tôi đành giảm hết lợi nhuận, bán giá gần như hoà vốn để giảm bớt khó khăn, chia sẻ khó khăn với cho bà nông dân”, ông H chia sẻ thêm.

Còn theo chủ một đại lý phân bón tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, từ đầu vụ Hè - Thu năm 2021 đến nay, giá phân bón nhập về đại lý mỗi lần là một giá khác nhau, trung bình khoảng 5 đến 10 ngày, nhân viên của các nhà máy sẽ gọi điện thông báo cho đại lý một giá mới, cao hơn giá cũ từ 10.000 đồng đến hơn 30.000 đồng/bao.

Đến thời điển ngày 9.7.2021, giá một số loại phân bón tại đại lý này như sau: Ure Phú Mỹ 620.000 đồng/bao; 16-16-8 Phú Mỹ 545.000 đồng/bao, Kali clorua nội địa 480.000/bao; DAP Nga 845.000 đồng/bao… hầu hết các loại phân bón đều tăng từ 50% trở lên, trong đó, tăng cao nhất là Ure tăng gần 70% so với cuối năm 2020. Có thể nói, phân bón đang lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Giá phân bón tăng cao kỷ lục.

Ông T.V.Đ, chủ một cửa hàng kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng cho biết, bản thân ông cũng đang canh tác hơn 5 ha lúa, với tình trạng giá phân bón tăng quá cao như hiện nay, người nông dân sẽ rất khó để có lợi nhuận, bởi trên thực tế là không chỉ có giá phân bón tăng mà hiện giá các loại chi phí khác như công thuê máy móc làm đất, phun thuốc, rải phân, thu hoạch và vận chuyển đều tăng.

Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức, các chợ đầu mối tại TP. HCM phải đóng của, thương lái không thể đến thu mua nông sản như trước khiến giá lúa và các mặt hàng rau, củ quả quay đầu giảm mạnh. Theo một số hộ thu hoạch vụ lúa Hè - Thu sớm, hiện giá lúa chỉ khoảng hơn 5.200 đồng/kg thấp hơn nhiều so với giá lúa vụ Đông - Xuân (từ 7.000-8.000 đồng/kg)

Nông dân gặp khó khăn chồng chất

Sau vụ sản xuất lúa vụ Đông - Xuân thắng lợi, được mùa được giá, nhiều nông dân đang phải “méo mặt” vì giá phân bón quá cao, còn giá lúa thì quay đầu giảm mạnh.

Vừa mới bán xong hơn 200 bao lúa vụ Hè - Thu, ông Quang, một nông dân tại xã Phước Bình nhẩm tính chi phí đầu tư và số tiền thu về từ bán trên 1,7 ha lúa, ông chỉ còn khoảng 7 triệu đồng lợi nhuận.

Theo ông Quang, thông thường vụ lúa Hè - Thu, năng suất chỉ bằng 2/3 so với vụ Đông xuân, trong khi đó, lượng phân bón, thuốc trừ sâu, trừ bệnh phải sử dụng nhiều hơn nên lợi nhuận trên thửa ruộng của người nông dân không nhiều như trước.

Tuy nhiên, việc các loại vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay khiến người nông dân sản xuất lúa không còn lợi nhuận, “thực ra nói 7 triệu tôi còn lại sau khi trừ hết chi phí đầu tư một vụ là lợi nhuận không chính xác, mà đúng ra phải gọi đó là “lấy công làm lời”, vì nếu tính ra, một vụ lúa phải trải qua gần 3 tháng, thì thu nhập mỗi tháng của gia đình tôi chỉ được hơn 2 triệu đồng” ông Quang chia sẻ thêm.

Ông V.H, nông dân ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cho biết, ông vừa mới thu hoạch và bán hơn 350 dạ lúa (1 dạ = 22kg) với giá bán 114.000 đồng/dạ, thu về gần 40 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại đại lý trở về thì ông chỉ còn hơn 10 triệu đồng trong túi.

Nhìn vào hoá đơn thanh toán chi phí và số tiền còn lại, ông H không khỏi xót xa, “Vụ Hè - Thu này giá diêm (phân bón) lên quá trời chú à, ure mà tới hơn 600.000 đồng một bao, tăng gần gấp đôi so với vụ trước, trong khi giá lúa thì quay đầu giảm sâu thì làm sao nông dân tụi tui sống nổi”.

Nhiều nơi đang bước vào thu hoạch vụ lúa Hè thu sớm.

Bà Mười H, một thương lái mua lúa tại xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng cho biết, những vụ trước, khi đến vụ thu hoạch, ghe lúa của các nhà máy ở miền Tây lên thu mua, bà chỉ đứng ra mua của nông dân rồi sang lại cho các thương lái miền Tây, ăn chênh lệch từ 500 đến 1000 đồng/dạ.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, đến nay vẫn chưa có ghe nào đến thu mua như mọi năm, khiến giá lúa giảm mạnh so với vụ lúa Đông - Xuân vừa qua. Bản thân bà cũng chỉ dám thu mua một ít vì không đủ vốn cũng như không có kho bảo quản.

Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ ảnh hưởng đến người lao động những ngành nghề khác mà người nông dân gặp không ít khó khăn. Trong khi nông sản làm ra khó bán vì các chợ đầu mối đóng cửa, thương lái lấy cớ ép giá mà phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng giá mạnh khiến người nông dân lâm vào cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm” khó khăn chồng chất.

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục