Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tỉnh tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã thuộc Chương trình 135, như dự án chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã thuộc Chương trình 135.
Công trình đưa nước thuỷ lợi Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Ðông giúp nông thôn hai huyện Châu Thành, Bến Cầu “thay da đổi thịt” trong thời gian tới (ảnh minh hoạ).
Theo UBND tỉnh, năm 2020, tỉnh đã thực hiện hoàn thành 30/30 dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 ở các xã với số vốn gần 13,5 tỷ đồng; thực hiện dự án duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng sau đầu tư với kinh phí 992 triệu đồng.
Tỉnh tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã thuộc Chương trình 135, như dự án chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã thuộc Chương trình 135.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện một số dự án như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thanh cơ sở”.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cùng các chương trình an sinh xã hội ở nông thôn, chương trình khuyến nông, mô hình hoạt động ở cơ sở của các tổ chức đoàn thể...
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ chính trị của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Các chính sách, chế độ được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp đem lại hiệu quả.
Việc thực hiện các chính sách, dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động được các cấp uỷ Ðảng, chính quyền đoàn thể quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tích cực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Nhìn chung, người nghèo được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo từng bước cải thiện…
Trong năm, Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho 3.615 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi với kinh phí trên 152,5 tỷ đồng. Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp các tổ chức đoàn thể xây mới và bàn giao 304 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 16,2 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỉnh hỗ trợ cho 10.210 người với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể là việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội như: đường giao thông; hệ thống thuỷ lợi, chợ, trường học, trung tâm văn hoá... chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư các xã nông thôn mới do nguồn vốn đầu tư có hạn.
Công tác bảo trì các công trình giao thông sau khi hoàn thành chưa được quan tâm đúng mức. Công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên. Một số công trình đầu tư giai đoạn 2011-2015 bị xuống cấp nhưng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng được phân bổ còn hạn chế làm phát sinh hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, nông sản của nhân dân, gây mất an toàn giao thông đối với người và các phương tiện tham gia lưu thông.
Công trình đưa nước thuỷ lợi Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Ðông.
Người dân tuy đã hiểu biết về nội dung xây dựng nông thôn mới nhưng việc kêu gọi, huy động nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân cùng tham gia chương trình còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm phát huy các nguồn lực trong cộng đồng dân cư nên nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, vốn huy động nhân dân rất thấp.
Kinh tế hợp tác ở nông thôn tuy có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Việc liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển. Nhiều hợp tác xã có hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa xây dựng phương án phát triển sản xuất khả thi, chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, Ðề án thực hiện chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 vừa mới được phê duyệt nên các đơn vị còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, vấn đề giải quyết việc làm và hỗ trợ dự án “Phát triển sản xuất đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” cho hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (già cả, cô đơn, bệnh tật, khuyết tật...) không có sức lao động để tham gia dự án.
Bên cạnh đó, chính sách vay ưu đãi hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo chưa phù hợp, do vậy nhiều người nghèo không thiết tha với chính sách.
An Khang