Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ổn định sản xuất chăn nuôi các tháng cuối năm
Thứ hai: 00:28 ngày 30/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở NN&PTNT, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, vận chuyển, lưu thông động vật…

Nuôi cá lóc ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021).

Thời gian qua, sản xuất thuỷ sản, chăn nuôi của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ của sở, ngành liên quan và các địa phương, tình hình sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản đạt kết quả khả quan: 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 3.776,5 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 47.805 tấn, tăng 6,3%; sản lượng trứng gia cầm đạt 238 triệu quả, tăng 9%; sản lượng sữa bò tươi đạt 31.914 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi

Về cung cầu sản phẩm chăn nuôi, hiện nay, tỉnh có 40 cơ sở giết mổ heo, cung cấp cho 730 sạp thịt, 103 cửa hàng cung cấp thịt an toàn của hệ thống siêu thị và cửa hàng bán thịt thuộc Công ty TNHH CP Việt Nam, Bách Hoá Xanh và hệ thống siêu thị Co.opmart. Số lượng heo giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 1.000 con - 1.200 con/ngày.

Tổng đàn bò thịt của tỉnh khoảng 101.000 con với sản lượng 2.825 tấn sản phẩm/năm, bình quân khoảng 7,74 tấn/ngày, tương đương với 22 con/ngày. Trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở giết mổ trâu bò với công suất 111 con/ngày. Nhu cầu giết mổ bò trong tỉnh với sản lượng khoảng 12.600 tấn/năm, bao gồm: 10.800 tấn xuất ra thị trường ngoài tỉnh và 1.800 tấn cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh.

Ðối với chăn nuôi gia cầm, tổng đàn gia cầm của tỉnh có 7.531.000 con, sản lượng 38.448 tấn/năm, bình quân khoảng 105 tấn/ngày; trong đó, sản lượng thịt gia cầm từ 9 cơ sở giết mổ với công suất 9.900 con/ngày tương đương 20 tấn/ngày, 24,5 tấn tiêu thụ trong dân (gà thả vườn tự giết mổ tại nhà); số lượng gia cầm xuất tỉnh 60,5 tấn.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, những tháng cuối năm 2021, sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: bắt đầu vào mùa mưa bão, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường tiềm ẩn nhiều rủi ro; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm- nhất là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò phát sinh mạnh trong mùa mưa.

Việc tiêu thụ sản phẩm dự báo sẽ còn gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản tiếp tục xảy ra. Bên cạnh đó, do giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp và khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm; người chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư dẫn đến nguy cơ thiếu hụt sản phẩm chăn nuôi vào thời điểm cuối năm- nhất là dịp tết nguyên đán.

Mới đây, UBND tỉnh đã công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, một trong những việc trọng tâm từ nay cho đến cuối năm là có biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch bệnh này không lây sang người nhưng có thể gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Ðơn vị đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ trang trại, nông dân trong thời điểm dịch bệnh, để có thể nhanh chóng ổn định sản xuất tái đàn, bảo đảm nhu cầu của người dân khi cuộc sống, sản xuất trở lại bình thường.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Tây Ninh, thời gian qua, đơn vị thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đối với gia súc, gia cầm mới nhập về, kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc nhập vào. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ sức khoẻ đàn vật nuôi.

Luỹ kế tiêm phòng các loại vaccine đến thời điểm ngày 24.8.2021 như sau: tiêm vaccine viêm da nổi cục đạt 100/100 liều; tụ huyết trùng 600/600 liều; cúm gia cầm 10.950/20.000 liều; lở mồm long móng 675/1.050 liều; vaccine dại chó (nguồn ngân sách) 90/900 liều; vaccine dại chó (nguồn kinh doanh) 320/320 liều.

Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng đang được Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố triển khai thực hiện. Trên địa bàn thành phố Tây Ninh có 1 cơ sở giết mổ tập trung, Trạm phân công 2 nhân viên kiểm soát giết mổ, bảo đảm đúng quy trình; sản phẩm động vật đưa ra thị trường đều được kiểm soát của thú y, an toàn cho người tiêu dùng; đồng thời tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Sở NN&PTNT, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật, các loại thuốc, vaccine, thức ăn cho động vật và vật tư đầu vào phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.

Bên cạnh đó, tổ chức tiêm vaccine cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh... bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, mới nhập đàn và tiêm nhắc lại trước thời điểm hết miễn dịch sinh ra do lần tiêm trước.

Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học; khi thấy gia súc, gia cầm, thuỷ sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết nhiều bất thường cần báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân; tuyệt đối không vứt xác động vật ra môi trường; không xả thải nước, chất thải các cơ sở nuôi trồng bị dịch bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh ở diện hẹp, tránh để lây lan diện rộng, khó kiểm soát. Ngành Nông nghiệp cũng kiến nghị với ngân hàng, với Chính phủ quy định về việc giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ gia đình, cá nhân và các công ty sản xuất nông nghiệp để họ có điều kiện phục hồi sản xuất.

Trong công tác phối hợp, Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền địa phương chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương và của tỉnh tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.

Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi cá tra các tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch sản xuất; đồng thời phát triển sản xuất các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao (cá rô phi, cá diêu hồng, cá lăng, tôm càng xanh...) và các loài cá bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Mặt khác, rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để bảo đảm chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng; phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò thịt, dê thịt) là những đối tượng vật nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, những đối tượng này có khả năng tận dụng tốt các nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm của nông - lâm - ngư nghiệp tại địa phương, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm, kể cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị các ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện, trong đó, Sở Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh ưu tiên tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho lực lượng lao động tại các bến cá; chủ cơ sở giết mổ, người tham gia giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất; ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng thú y để chủ động trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, phòng chống dịch bệnh.

Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ; chủ động thống kê các chuỗi sản phẩm thuỷ sản, chăn nuôi có số lượng lớn; phối hợp với các địa phương có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để thiết lập và duy trì các kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục